Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Anh Huyền

Nguồn vốn đầu tư công tại Việt Nam là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ hoạt động của các thành phần kinh tế. Trong thời gian qua, bên cạnh những đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội thì việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo và tổng hợp, bài viết đánh giá tình hình vốn đầu tư công và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công trong thời gian đến.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tình hình đầu tư công của Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, vốn đầu tư công luôn là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, là bộ phận không thể thiếu của tổng cầu xã hội và góp phần gia tăng tổng cung và năng lực kinh tế trong việc xác lập, phát triển cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia…

Thời gian qua, tổng vốn đầu tư của toàn xã hội liên tục tăng mạnh, với tỷ lệ tăng bình quân là 12.7%/năm. Trong đó, vốn đầu tư công luôn chiếm tỷ trọng lớn, bình quân là 40% và tăng trưởng nhanh, tỷ lệ tăng bình quân là 12%/năm (Hình 1).

Bên cạnh những thành công đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước thì việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là hiệu quả đầu tư còn thấp. Một số chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi, đã làm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Có thể thấy, tốc độ gia tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như vốn đầu tư công khá cao qua các năm nhưng tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức thấp. Đặc biệt, trong năm 2009 và 2012, tốc độ tăng của vốn đầu tư công rất cao (tương ứng là 37,31% và 19,01%) nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt tương ứng là 5,32% và 5,03%.

Vấn đề này được nhìn nhận rõ hơn bằng việc xem xét hệ số suất đầu tư hay còn gọi là hệ số sử dụng vốn. So với tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, hệ số hiệu quả đầu tư trên đồng vốn (ICOR) ở các nước đang phát triển đạt mức 3.0, thì Việt Nam có ICOR khá cao, giai đoạn 2007-2014 là trên 5. Tuy đã có sự cải thiện ở giai đoạn 2015-2016 (<5) nhưng chỉ số này của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân của những yếu kém trong việc sử dụng vốn đầu tư công được xác định như sau:

Một là, hệ thống thể chế về quản lý đầu tư công chưa được thống nhất dẫn đến phạm vi đầu tư công chưa rõ ràng. Luật Đầu tư công (2015) quy định vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.

Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước lại tập trung vào vốn ngân sách nhà nước, các văn bản quản lý của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ tập trung vào vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Hai là, quá trình tái cơ cấu đầu tư công chưa thực sự toàn diện, cụ thể. Thời gian qua, việc tái cơ cấu đầu tư chủ yếu mang tính ngắn hạn theo các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện phân bổ, quản lý vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn chưa cân đối khiến các bộ, ngành, địa phương bị động.

Ba là, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập. Trung ương khó kiểm soát hết được đầu tư của địa phương, việc đầu tư vẫn còn phân tán, dàn trải, kém hiệu quả và mất cân đối ở các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, công tác xác định và lựa chọn tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của một số công trình, dự án đầu tư công còn khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công?

Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong những năm tới cần thực hiện tái cơ cấu kinh tế sâu rộng. Đối với chính sách tăng trưởng, tài chính công và đầu tư công, tác giả đề xuất các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý công, tập trung thống nhất về phạm vi đầu tư. Trên cơ sở đó, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Xây dựng và thực hiện hệ thống thông tin phục vụ công tác chuẩn bị lập dự án ngân sách, có quy trình quản lý, cập nhật kịp thời tình hình thu chi ngân sách để cho các cấp chính quyền thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Tập trung đầu tư công vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  và phân bổ vốn đầu tư theo các nguyên tắc và tiêu chí đã đưa ra, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đối với các công trình xây dựng cơ bản thì cần kiên quyết thu hồi các khoản tạm ứng và xử lý dứt điểm nợ tồn đọng. Đặc biệt, tăng cường kỷ luật tài chính trong quản lý vốn đầu tư công, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. Giảm dần tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước (<40%) và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư công của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để tăng dần tỷ trọng vốn ở các khu vực này.

Việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công cần có sự đảm bảo đồng bộ trong đột phá thể chế, thúc đẩy cải cách thể chế từ vĩ mô đến vi mô, tạo động lực về chất cho sự phát triển của đất nước. Có như vậy việc sử dụng hiệu quả và khơi thông dòng chảy vốn đầu tư công mới triệt để và bền vững trong nền kinh tế xã hội Việt Nam.