Một số vấn đề về phát triển ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu Lan - Đại học Lao động – Xã hội

Ngành Công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu về những giải pháp mạnh mẽ cũng như sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh và công nghệ để ngành Công nghiệp điện tử của nước ta có thể tham gia vào sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công nghiệp điện tử Việt Nam hình thành và phát triển qua các giai đoạn

So với các ngành khác, ngành Công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới về kết quả xuất khẩu mặt hàng điện tử, với hành chục tỷ USD/năm. Kết quả này cho thấy, sự đóng góp ngày càng lớn của ngành công nghiệp điện tử vào nền kinh tế nước ta.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp điện tử trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1975-1990: Xây dựng và phát triển trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp: Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất Việt Nam tiếp quản một số xí nghiệp điện tử ở phía Nam. Phần lớn các xí nghiệp này sản xuất hàng điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty Nhật Bản như: Sony, National, Sanyo…và một vài xí nghiệp sửa chữa nhỏ. Các xí nghiệp này cùng với một số xí nghiệp ở miền Bắc đã hình thành nền công nghiệp điện tử non trẻ của Việt Nam vào thời kỳ này.

Sau thống nhất đất nước, ngày 3/10/1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316-TTg về việc thành lập Tiểu ban phát triển Công nghiệp điện tử trực thuộc Chính phủ và hoàn tất Phương hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam vào năm 1976.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phía Nam khẩn trương khôi phục và nhanh chóng đưa vào hoạt động các xí nghiệp điện tử phục vụ nhu cầu trong nước; đồng thời, đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy mới sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử phục vụ cho các xí nghiệp lắp ráp.

Vào cuối thập kỷ 80, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã được hình thành với nòng cốt là Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam, với nhiệm vụ sản xuất một số phụ tùng linh kiện cơ bản và lắp ráp sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Giai đoạn 1990 – 2010: Từ đầu những năm 1990, với chủ trương đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển động mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường. Chính phủ đã có những chính sách đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu chế xuất, khu công nghiệp nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và ngành Công nghiệp điện tử.

Trên nền tảng đó, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh kể từ sau năm 1994, với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp quốc doanh đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các hãng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty điện tử nổi tiếng của các nước đã đầu tư vào Việt Nam liên doanh với các doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở sản xuất.

Cơ chế chính sách và môi trường hoạt động mới đã tạo động lực cho ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, với cơ chế mở, thông thoáng và cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn của thị trường nội địa và nguồn nhân lực dồi dào, công nghiệp điện tử trong giai đoạn này trở thành là một trong những Ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất, khoảng gần 2 tỷ USD tính đến hết năm 2003.

Tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 1990-2010 trung bình hàng năm đạt từ 20-30%. Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử dân dụng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1991-1995 (35%); Nhóm sản phẩm phụ tùng linh kiện tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1995- 2000 (30-45%); Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2000-2009 (30-50%)… Tổng sản lượng Công nghiệp điện tử trong nước giai đoạn này cũng tăng trưởng liên tục.

Cụ thể, tăng từ 4 nghìn tỷ đồng (năm 1996), lên 68 nghìn tỷ đồng vào năm 2005 và đạt hơn 179 nghìn tỷ đồng vào năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 16 lần trong vòng 10 năm. Năm 1996 bắt đầu xuất khẩu và kim ngạch đạt 90 triệu USD; năm 2004 xuất khẩu 1 tỷ 75 triệu USD; năm 2005 đã xuất khẩu được 1,5 tỷ USD và đến năm 2009 đạt hơn 3 tỷ USD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là phụ tùng linh kiện và máy tính.

Giai đoạn 2010 – nay: Từ năm 2010 đến nay, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã hòa mình với ngành điện tử khu vực và thế giới, trở thành một bộ phận của thị trường sản phẩm điện tử quốc tế thông qua các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Các sản phẩm điện tử trên thế giới đã tràn vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau: nhập khẩu chính thức linh kiện và bộ linh kiện, nhập khẩu chính thức các sản phẩm nguyên chiếc và các sản phẩm do các liên doanh nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế kinh doanh, khung pháp lý và một số chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp điện tử, ngành điện tử Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt; số lượng doanh nghiệp đầu tư mới, giá trị sản xuất công nghiệp, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Công nghiệp điện tử tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội) và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái nguyên) và vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An). Sản phẩm sản xuất chủ yếu là điện thoại các loại, máy in, ti vi, trong đó di động là sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2012-2016, chỉ số tiêu thụ sản phẩm luôn đạt mức cao; đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2013 và đạt mức tăng tương đối ổn định trong giai đoạn 2014-2015, cao hơn nhiều so với chỉ số tiêu thụ sản phẩm chung của toàn ngành công nghiệp chế tạo.

Năm 2016, mặc dù chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành điện tử giảm mạnh so với năm trước, tuy nhiên, nếu vẫn lớn hơn chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung. 

Một số tồn tại và những vấn đề đặt ra

Nhìn chung, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Từ một số ít các xí nghiệp lắp ráp điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty điện tử Nhật Bản thì nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kinh doanh các mặt hàng này. Chủng loại sản phẩm, phương thức sản xuất kinh doanh được đa dạng hóa với tốc độ cao, điển hình ở các mặt hàng điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp và máy tính.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng hàng điện tử và các thiết bị điện tử theo đó cũng tăng lên. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu, ngoài việc nhập khẩu ồ ạt linh kiện, nguyên liệu để lắp ráp, các doanh nghiệp trong nước đã hình thành ý tưởng chiến lược xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm Việt Nam.

Điều này tạo nền tảng cho sự xuất hiện và phát triển các cơ sở lắp ráp chuyên dụng, tiếp cận công nghệ mới để học tập và sáng tạo tiến tới xóa bỏ khoảng cách với các công ty nước ngoài…

Thực tế cho thấy, quá trình nội địa hóa các sản phẩm điện tử Việt Nam vẫn đang bị tác động, bị chi phối bởi các công ty nước ngoài, vì trình độ công nghệ sản xuất của ngành điện tử Việt Nam vẫn còn quá xa so với các nước trong khu vực.

Những thành quả mà ngành Công nghiệp điện tử đạt được hiện nay, (chủ yếu là do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận). Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế với hơn 70% doanh thu nội địa và gần 90% kim ngạch xuất khẩu, vai trò của doanh nghiệp trong nước còn mờ nhạt, phần lớn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

Việc thiếu chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Việt Nam hiện nay đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới và là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành Công nghiệp điện tử.

Cụ thể, hiện nay lĩnh vực này thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, intel… kéo theo sự xuất hiện các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, ti vi… Chỉ tính riêng 4 công ty thành viên của Samsung Electronics đạt doanh thu 27,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 3,1 tỷ USD.

Giải pháp phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả ngành Công nghiệp điện tử trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của Ngành; trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân để có kế hoạch dài hạn phát triển ngành hàng, có sự quan tâm đầu tư thích đáng; Xây dựng và ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp điện tử, trong đó quy định các biện pháp tổng hợp như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, bảo đảm vị trí, khai thác thị trường…

Thứ hai, xác định các sản phẩm điện tử cần phát triển, đưa ra các biện pháp thúc đẩy; Xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại, các hỗ trợ đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp tập trung; Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực của công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, xây dựng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu thiết kế và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng trí tuệ cao, tận dụng lợi thế và thiết kế, tích hợp hệ thống và khả năng lập trình để có những sản phẩm có giá trị cao; Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng phát triển Ngành như các trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, khu công nghệ cao, công viên phần mềm…

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật tương thích, hài hòa với chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực điện tử; Xây dựng hệ thống các phòng đo kiểm chất lượng sản phẩm điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế; Có chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng trí tuệ cao.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện pháp luật để thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài và lựa chọn các sản phẩm, các công đoạn sản xuất trọng điểm tập trung đầu tư, chỉ đạo phương hướng phát triển phù hợp với hệ thống sản xuất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...

Thứ sáu, ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại công nghiệp điện tử; Minh bạch hóa cơ chế chính sách và thực hiện nghiêm túc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngành công nghiệp điện tử.         

Tài liệu tham khảo:

1. Cao Bảo Anh, Đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện tử trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương);

2. Vũ Thị Thanh Huyền, Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam, Đại học Thương mại;

3. Bùi Bài Cường, Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu công nghệ điện tử, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Vụ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông);

4. ThS. Đỗ Thị Thúy Hương, Liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam.