Một số vấn đề về quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020

Hội nhập kinh tế quốc tế là một khâu trong quá trình phát triển và là tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay. Xu hướng này không chỉ mang lại lợi ích mà còn đặt nền kinh tế các quốc gia phải đối mặt với những thách thức, do những biến động tiêu cực của thị trường, tài chính và kinh tế toàn cầu. Bài viết phân tích tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới hệ thống thuế các quốc gia nói chung, trong đó chú trọng tới những thách thức mà hệ thống thuế Việt Nam đang gặp phải nhằm rút ra một số giải pháp hỗ trợ cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với hệ thống thuế, trên phạm vi quốc gia hầu hết các nước phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế cho phù hợp với quy định quốc tế. Nguồn: internet
Đối với hệ thống thuế, trên phạm vi quốc gia hầu hết các nước phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế cho phù hợp với quy định quốc tế. Nguồn: internet

1. Đặt vấn đề

Đối với hệ thống thuế, trên phạm vi quốc gia hầu hết các nước phải điều chỉnh chính sách thuế và pháp luật thuế cho phù hợp với quy định quốc tế. Đáng lưu ý là hàng rào bảo hộ truyền thống như thuế quan, liên minh thuế quan đang dần được dỡ bỏ, song những biện pháp phi thuế quan mà bản chất là gây trở ngại cho thương mại quốc tế lại ngày càng trở nên đa dạng và được sử dụng nhiều hơn.

Trên phạm vi quốc tế, dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, các nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ sâu, rộng hơn. Điều này làm nảy sinh những vấn đề như đánh thuế trùng giữa các nước hoặc cạnh tranh thuế giữa các nước để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì vậy, xuất hiện nhu cầu phải thương lượng, hợp tác nhiều hơn trong việc thúc đẩy và hợp tác quản lý thuế.

Xuất phát từ những vấn đề này, bài viết phân tích tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới hệ thống thuế các quốc gia nói chung, trong đó chú trọng tới thách thức mà hệ thống thuế của Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay.

2. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới hệ thống thuế quốc gia

2.1. Thay đổi cấu trúc thuế

Cấu trúc thuế vốn rất khác nhau giữa các quốc gia, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hội nhập kinh tế quốc tế thì mức độ cấu trúc thuế của từng quốc gia chịu tác động được phản ánh qua những khía cạnh sau đây:

Tỷ lệ thuế trên GDP rất đa dạng giữa các nước: Mặc dù, tỷ lệ thuế trên GDP là khác biệt, tuy nhiên có xu hướng chung là những nước nhỏ và thu nhập thấp, thì tỷ lệ thuế/GDP thấp và ngược lại. Tỷ lệ này phụ thuộc vào các yếu tố như mức thu nhập bình quân đầu người, điều kiện và vị trí địa lý, mô hình tổ chức bộ máy hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công và khả năng thu thuế.

Nhìn chung, các nước có nguồn tài nguyên giàu có như Venezuela, Azebaizan thì tỷ lệ này khá cao. Hoặc các nước có mô hình chính quyền tập trung như Thụy Điển và Đan Mạch có tỷ lệ này cao hơn các nước có mô hình liên bang như Mỹ và Thụy Sỹ. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế có một ảnh hưởng chung nhất định khiến các quốc gia phải đi đến một cấu trúc thuế tương đương. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu ngân sách bình quân trên GDP của các nước Liên minh châu Âu (EU) là 44,3% GDP, các nước mới nổi và phát triển ở châu Á 25,5% GDP. Tại Trung Quốc là 28,2%; Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%; Malaysia là 20,4%. So với thế giới thì mức huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam là 23,8%, trong đó thuế và phí chỉ là 19,7% đứng ở mức trung bình thấp (Công, 2017).

Tỷ trọng doanh thu từ sắc thuế khác nhau giữa các nước: Tỷ trọng này phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: cấu trúc thuế ở các nước láng giềng, cấu trúc kinh tế hay lịch sử của quốc gia đó. Ngoài ra, các nước có thể quan tâm đến tính chất khác nhau của hệ thống thuế như tính công bằng, hiệu quả kinh tế, chi phí thu thuế. Tỷ trọng nguồn thu từ các sắc thuế cũng phụ thuộc vào vị trí địa lý và thu nhập bình quân đầu người. Những quốc đảo nhỏ như Bahamas và Saint Vincent có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động thương mại quốc tế.

Tại những nước có thu nhập bình quân đầu người cao thì thuế trực thu chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Do thuế trực thu đòi hỏi phải áp dụng những công cụ quản lý thuế hiện đại nên phù hợp với điều kiện các nước phát triển. Các nước đang phát triển chú trọng vào thuế tiêu dùng nhiều hơn là các nước phát triển. Khi mức thu nhập quốc dân tăng thì tỷ trọng nguồn thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm.

Hiện nay, xu hướng chung của các nước là tăng cường vai trò của thuế giá trị gia tăng (GTGT), đồng thời từng bước giảm dần thuế suất thuế thu nhập để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Đặc biệt, ở các nước có GDP bình quân đầu người cao thì hình thức thuế gián thu phổ biến là thuế GTGT. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thuế suất thuế GTGT áp dụng ở mức cao tại các nước thuộc EU và Đông Âu như: Đan Mạch (25%), Bỉ (21%), Áo (20%), Cộng hòa Séc (20%), Pháp (19,5%), Đức (19%), Hy Lạp (19%) , Chi-lê (19%), Canada (12% - 17%). Ở các nước có thu nhập quốc dân thấp, thuế gián thu chủ yếu dựa vào thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên mặt hàng thuốc lá, rượu bia và xăng dầu.

Xu hướng phát triển một số sắc thuế: Những năm gần đây, dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, thì cấu trúc thuế có những thay đổi đáng kể tại các quốc gia trên thế giới. Thay đổi dễ nhận thấy đó là sự tăng lên về tỷ trọng nguồn thu từ thuế tiêu dùng. Một lý do cho sự gia tăng này là do thuế GTGT trở nên phổ biến ở các nước. Theo báo cáo của WB, hiện nay, trên thế giới có khoảng 150 quốc gia áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất phần lớn từ 17% - 25%, tuy nhiên nhiều quốc gia cũng đang tiến hành cải cách thuế GTGT theo hướng tăng tỷ lệ động viên từ sắc thuế này.

Tỷ trọng nguồn thu từ thuế trực thu cũng tăng lên, đặc biệt là từ thuế đánh vào thu nhập và tài sản cá nhân. Hiện nay, trên thế giới có 174/193 nước có áp dụng sắc thuế thu đối với tài sản. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế tài sản là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà Chính phủ các nước có thể sử dụng để giảm thiểu tình trạng chênh lệch giàu nghèo và mang lại sự tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn. Thuế tài sản là nguồn thu quan trọng của chính quyền địa phương ở cả các nước phát triển và đang phát triển do sắc thuế này có ưu điểm là cơ sở tính thuế ít thay đổi theo các biến động của nền kinh tế...

2.2. Gia tăng cạnh tranh thuế

Trong nhiều năm qua, các nước đã sử dụng thuế như một công cụ để cạnh tranh thu hút đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế nội địa. Một hình thức cạnh tranh thuế phổ biến là ưu đãi về thuế, trong đó miễn thuế tạm thời, giảm thuế suất, cho phép đầu tư và miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa vốn là những dạng thông thường nhất của ưu đãi thuế. Tuy nhiên, các biện pháp ưu đãi thuế chắc chắn phải được sử dụng rất cẩn thận và tiết kiệm để đảm bảo tính hiệu quả của những biện pháp này, cũng như hạn chế sự lạm dụng dẫn tới cạnh tranh thuế không lành mạnh tổn hại tới lợi ích của các quốc gia có liên quan.

Báo cáo nghiên cứu về thực trạng hệ thống thuế toàn cầu của Oxfam cho thấy, xu hướng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tạo nhiều ưu đãi thuế hơn đang được sử dụng rộng rãi nhằm thu hút đầu tư tại nhiều quốc gia. Trong vài thập kỷ vừa qua, số tiền nộp thuế của các công ty lớn đang giảm dần do các quốc gia liên tiếp hạ thấp thuế TNDN để cạnh tranh lẫn nhau. Do đó, thuế suất thuế TNDN trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước xuống còn 23,6% hiện nay và quá trình này đang có dấu hiệu tăng tốc (Minh, 2017).

2.3. Khó khăn trong quản trị thuế quốc tế

- Vấn đề lập kế hoạch trốn/tránh thuế của các công ty đa quốc gia

Lập kế hoạch trốn/tránh thuế là hoạt động có mục đích để giảm thiểu hóa đơn thuế và do đó tối đa hóa lợi nhuận sau thuế toàn cầu của các công ty đa quốc gia (MNE). Hiện tượng các MNE tìm cách khai thác sự khác biệt trong hệ thống thuế ở các quốc gia mà họ hoạt động nhằm trốn/tránh thuế, hoặc chuyển lợi nhuận sang những nước có mức thuế suất thấp hơn trở nên khá phổ biến. Theo báo cáo của Oxfam, 90% công ty lớn nhất trên thế giới đang mở chi nhánh tại ít nhất một thiên đường thuế (Minh, 2017). Các thủ đoạn mà những công ty này sử dụng thường không vi phạm pháp luật hoặc nằm trong "lằn ranh" mà pháp luật chưa quy định.

Cũng theo báo cáo của Oxfam, các MNE đang dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính của mình để tránh thuế. Dựa trên số liệu Báo cáo công bố hàng năm của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ, từ năm 2009 - 2015, 50 công ty chứng khoán lớn nhất của Hoa Kỳ như Goldman Sachs, GE, Chevron, Walmart và Apple đã dành 2,5 tỷ USD cho vận động hành lang tương đương gần 50 triệu USD cho mỗi thành viên của Quốc hội.

Oxfam ước tính, với mỗi 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế, họ giảm mức đóng thuế xuống ở mức 1.200 USD. Hiện nay, mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9% thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật và dẫn tới một sự bất bình đẳng lớn về thuế khi so với các công ty khác. Mỗi năm, các nước phát triển bao gồm Việt Nam bị thất thu khoảng 100 tỷ USD, do hoạt động trốn/tránh thuế của các MNE.

- Vấn đề xói mòn cơ sở tính thuế: Cơ sở tính thuế của một quốc gia được xác định là các thể nhân/pháp nhân và số thu nhập/lợi nhuận mà một quốc gia được phép đánh thuế. Xói mòn cơ sở tính thuế là việc giảm số lợi nhuận mà một quốc gia có thể đánh thuế. Như vậy, nếu một công ty đa quốc gia chuyển nơi cư trú sang một quốc gia khác hoặc khiến lợi nhuận của họ phát sinh ở một quốc gia khác thì khả năng nguồn thu từ thuế TNDN của quốc gia ban đầu sẽ bị giảm, tức là cơ sở tính thuế đã giảm hoặc bị xói mòn hoàn toàn.

Theo thống kê của OECD, các giao dịch thương mại nội bộ của các MNE hiện nay chiếm khoảng trên 30% giá trị thương mại toàn cầu nên rủi ro trốn, tránh thuế rất cao. Kết quả điều tra của OECD cho thấy, thất thu NSNN từ thuế TNDN vào khoảng 4% - 10% số thu ngân sách từ thuế TNDN toàn cầu, tương đương từ 100 - 240 tỷ USD/năm (Nga, 2019). Nguyên nhân tình trạng này là do xói mòn cơ sở tính thuế đang trở thành xu thế phổ biến đáng lo ngại. Điều này tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh, làm suy giảm sự minh bạch của hệ thống thuế, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng về thuế giữa các nước và làm tăng rủi ro không tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

- Vấn đề chuyển dịch lợi nhuận: Ngoài các chiến lược lập kế hoạch trốn/tránh thuế nhằm đạt được mục tiêu không bị đánh thuế hai lần nghĩa là để lợi nhuận không bị đánh thuế ở bất cứ đâu, thì các MNE cũng tham gia vào hoạt động lập kế hoạch nhằm chuyển lợi nhuận tới các khu vực có mức thuế thấp hơn. Hiện tượng này thường được gọi là “dịch chuyển lợi nhuận”. Nhiều quốc gia dù không coi là thiên đường thuế ví dụ như Luxembourg, Hà Lan hay Anh nhưng cũng có các quy tắc ưu đãi thuế làm giảm thuế suất.

Có thể nói, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) là 2 mặt thường xuyên đi kèm với nhau của một vấn đề. Theo nhận định của OECD, BEPS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển vì thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, đặc biệt là thuế TNDN.

3. Một số thách thức đối với hệ thống thuế Việt Nam

Mặc dù, đạt được một số kết quả khả quan trong hoạt động quản lý thuế, nhưng cùng với sự tham gia ngày càng nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới dẫn tới hệ thống thuế Việt Nam ngoài việc chịu những tác động đã phân tích ở phần trên thì nước ta còn phải đối mặt với một số thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) mang lại, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc thu thuế hoạt động thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới phát triển dẫn tới sự bùng nổ của các dịch vụ xuyên biên giới cũng như làm thay đổi trong khái niệm về dịch vụ. Các DN công nghệ có thể tạo ra doanh thu trên lãnh thổ của nhiều quốc gia mà không phải nộp thuế tại quốc gia đó. Điều này khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn trong việc đánh thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới. Hay nói cách khác, việc thực hiện thu thuế dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh nền kinh tế số đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các quốc gia.

Thứ hai, sự bất cập của hệ thống chính sách quản lý thuế.

Khi công nghệ càng phát triển thì càng nhiều người được hưởng lợi và tăng thu nhập đáng kể nhờ các giao dịch thương mại điện tử và dịch vụ xuyên biên giới. Tuy nhiên, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Do đó, ngành Thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Ngoài ra, việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook,Youtube. 

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực quản lý hệ thống thuế

Nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức trong nỗ lực thu thuế với các giao dịch thương mại, dịch vụ và hàng hoá xuyên biên giới nói riêng và các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số nói chung. Giải pháp cho cả hai thách thức nói trên sẽ không đạt hiệu quả cao nếu nguồn nhân lực của cơ quan thuế không bắt kịp với mức độ tinh vi của các giao dịch xuyên biên giới cũng như yêu cầu của nền kinh tế số.

4. Giải pháp tăng cường quản lý thuế ở Việt Nam

Để khắc phục những thách thức đặt ra đối với công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cần triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với việc thu thuế qua hoạt động thương mại điện tử: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai, nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các DN có kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vào nề nếp.

Thêm vào đó, cần áp dụng những biện pháp hỗ trợ cụ thể như xây dựng quy trình đăng ký thuế đơn giản, để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng.

Thứ hai, đối với các chính sách quản lý thuế hiện hành. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới là một cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc thu thuế đối với hoạt động này vẫn chưa dễ dàng, cần sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Ví dụ như: Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế thì một mình ngành Thuế không làm được mà phải phối hợp với các đơn vị chức năng khác như cơ quan an ninh mạng, Bộ Công an, các tổ chức tín dụng để làm sao xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm được thông tin người nộp thuế nhưng vẫn bảo đảm bí mật cho người nộp thuế.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kỹ năng cần tiến hành thường xuyên, liên tục một cách hệ thống. Ngoài việc đảm bảo có được nguồn nhân lực có chất lượng cao để hoàn thành tốt hoạt động quản lý thuế trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức của cán hộ lãnh đạo và công chức, nhân viên các bộ phận nghiệp vụ trong ngành Thuế. Việc thay đổi nhận thức này phải xuất phát từ cách thức quản lý, quy trình nghiệp vụ đồng hành cũng với việc gia tăng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống thuế Việt Nam.

Tóm lại, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho công tác quản lý thuế tại Việt Nam. Việc nhận thức rõ những vấn đề này là cần thiết để đưa ra những giải pháp điều chỉnh phù hợp nhằm giảm bớt tác động bất lợi và gia tăng ảnh hưởng tích cực để có thể thành công chuyển đổi sang nền kinh tế số phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới. 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị. (2019), Nghị quyết số 52/NQ-CP về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hà Nội: Bộ Chính trị;

2. Khoa, M. (2018, October 2), Cuộc cách mạng 4.0 là gì. Retrieved December 7, 2019, hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-gi-4319;

3. Leadthechange. (2019, September 7), Hiểu về cuộc cách mạng 4.0 và cách thích ứng, https://leadthechange.asia/hieu-ve-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-cach-thich-ung/;

4. Minh, H. (2017, May 19), Các tập đoàn trốn thuế khiến hệ thống thuế thất thu 100 tỷ USD một năm, https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/cac-tap-doan-tron-thue-khien-he-thong-thue-that-thu-100-ty-usd-moi-nam-188241.html;

5. Nga, T. (2019, March 18), Mở rộng cơ sở thuế chống thất thu thuế. Retrieved December 10, 2019, from http://tapchithue.com.vn/dien-dan-nghiep-vu/159-dien-dan-nghiep-vu/15522-mo-rog-co-so-thuuje-chong-tha-thu.html;

6. Nga, V. (2019, May 25), Quản lý thuế doanh nghiệp xuyên biên giới: Giải pháp nào để không thất thu thuế. Retrieved December 12, 2019, from http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/935877/quan-ly-thue-doanh-nghiep-xuyen-bien-gioi-giai-phap-nao-de-khong-that-thu;

7. WB. (2019), Báo cáo môi trường kinh doanh 2020. Washington D.C.: World Bank.