Một số vấn đề về thu hút FDI sạch tại tỉnh Bắc Giang

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Học viện Tài chính

Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bắc Giang những năm qua là rất khả quan, song cơ cấu đầu tư còn chưa cân đối, còn tập trung chủ yếu và những ngành nghề như may, linh kiện, điện tử… chưa thu hút FDI vào phát triển các ngành công nghiệp ít gây hại đến môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Bài viết phân tích thực trạng thu hút FDI sạch theo hướng phát triển bền vững và đánh giá tình hình thu hút FDI của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2017, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI sạch theo hướng phát triển bền vững kinh tế của Tỉnh.

Thu hút FDI của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2017

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2017, tỉnh Bắc Giang thu hút được 233 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 2.394,2 triệu USD. Trong đó, trong các khu công nghiệp (KCN) có 142 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1.644,6 triệu USD; bên ngoài các KCN có 91 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 749,6 triệu USD. Về quy mô vốn đăng ký, có 111 dự án có vốn đầu tư trên 2 triệu USD (chiếm 47,6%); 122 dự án có vốn đăng ký dưới 2 triệu USD (chiếm 52,3%). Phân theo lĩnh vực sản xuất (công nghiệp), chiếm 91%; lĩnh vực dịch vụ có 20 dự án, chiếm 8,6%; lĩnh vực nông nghiệp có 01 dự án, chiếm 0,4%.

Về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp (CCN): Đối với các CCN, tổng diện tích đất quy hoạch là 873,8 ha (33 CCN). Đến nay, các CCN ở Bắc Giang đã thu hút được 41 dự án FDI, diện tích đất đăng ký 92,6 ha; diện tích thuê lại nhà xưởng khoảng 3,8 ha; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt khoảng 60%. Đối với các KCN, tỉnh Bắc Giang hiện nay đã quy hoạch 6 KCN với tổng diện tích là 1.322 ha, trong đó có 4 KCN đang phát triển (Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu và Song Khê – Nội Hoàng), diện tích đất đã san lấp mặt bằng khoảng 853,1 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 411,95 ha. Tỷ lệ lấp đầy/tổng diện tích đất đã san lấp mặt bằng bình quân đạt 49,2%).

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang, số nộp ngân sách các doanh nghiệp (DN) FDI trên địa bàn Tỉnh trong những năm qua luôn đạt năm sau cao hơn năm trước (Hình 1). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2014 – 2017, các DN FDI có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh. Cụ thể, năm 2014 đạt 25.558 tỷ đồng (chiếm 67,9%); năm 2015 đạt 30.313 tỷ đồng ( 69,9%); năm 2016 đạt 36.380 tỷ đồng (chiếm 71,15%); năm 2017 đạt 41,231 tỷ đổng (78,25%). Theo báo cáo của Chi cục Hải quan KCN Đình Trám, giá trị xuất nhập khẩu của các DN FDI trên địa bàn Tỉnh qua các năm Hình 2.

Trong giai đoạn này, số lao động làm việc trong các DN FDI ngày càng tăng. So với tổng số lao động làm việc tại các DN trên địa bàn Tỉnh thì số lao động làm việc tại các DN FDI càng ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Năm 2014, lao động trong DN FDI trên địa bàn Tỉnh là 62.866 người (chiếm tỷ lệ 49,9% tổng số lao động làm việc trong các DN trong Tỉnh); đến hết năm 2017 có 104.000 lao động làm việc trong các DN FDI (chiếm 56,4%).

Thuận lợi và khó khăn trong thu hút FDI sạch tại Bắc Giang

Thuận lợi

Trong thời gian qua, đặc biệt từ 2014 đến nay, công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI luôn được Tỉnh quan tâm thực hiện. Việc ban hành Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN và điều chỉnh các nội dung trong quá trình thực hiện. Đây là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương trong từ 2014 đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh (Thông qua việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 06/5/2016 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành các kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên công tác thu hút đầu tư có nhiều thuận lợi).

Một số vấn đề về thu hút FDI sạch tại tỉnh Bắc Giang - Ảnh 1

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, theo đó, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương rà soát, đề xuất xóa bỏ những thủ  tục không cần thiết, đơn giản hóa những thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN, nhà đầu tư. Đặc biệt, từ tháng 9/2016, UBND Tỉnh đã khai trương và đưa Trung tâm hành chính công Tỉnh vào hoạt động; trong đó, đưa toàn bộ các bộ phận một cửa của các sở, ngành tập trung tại Trung tâm để tiếp nhận và trả kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

Khó khăn

Về bối cảnh trong nước, hiện nay việc huy động các nguồn lực cho phát triển của các địa phương phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI. Vì vậy, các địa phương cũng có xu hướng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào địa phương mình.

Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng bên ngoài và trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư. Các vấn đề xung quanh các KCN như: Nhà ở công nhân, trường học mầm non, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự chưa còn nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Công tác cải cách hành chính liên quan đến DN, nhà đầu tư còn chậm; chỉ số PCI của Tỉnh đã được nâng cao về thứ hạng nhưng còn thiếu chỉ số thành phần chưa được cải thiện; chưa đúng với Nghị quyết của Tỉnh ủy và mong muốn của các nhà đầu tư…

Kết quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Ưu điểm

Các dự án đầu tư FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các dự án FDI góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các dự án FDI có tác động đến các thành phần kinh tế khác thông qua sự trao đổi, liên kết các cơ  hội kinh doanh; liên kết các cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các DN trong nước, thành phần kinh tế trong tỉnh học hỏi được kinh nghiệm trong quản trị DN...

Tồn tại, hạn chế của các dự án FDI

- Đối với các dự án đầu tư: Sự chênh lệch giữa lịch vực đầu tư, các dự án FDI của Tỉnh phần lớn đầu tư vào lĩnh vực gia công, lắp ráp, có ít các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án là gia công, lắp ráp dẫn đến tình trạng thâm dụng lao động, đặc biệt là lao động nữ; giá trị gia tăng của các sản phẩm không cao.

Các dự án chủ yếu tập trung tại các KCN của Tỉnh và một số huyện có điều kiện hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi như: Các KCN tại huyện Việt Yên và TP. Bắc Giang. Điều này gây áp lực không nhỏ trong công tác thu hồi đất, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, vấn đề nhà ở công nhân của các huyện, thành phố có nhiều dự án FDI. Một số dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu, việc chuyển giao công nghệ rất hạn chế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các DN trong nước của Tỉnh với DN FDI cũng rất hạn chế, dẫn đến việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài chưa thực sự mang lại hiệu quả…

- Đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư FDI: Công tác phối hợp trong xúc tiến đầu tư còn thụ động; việc phối hợp sau cấp phép đối với các dự án FDI còn nhiều hạn chế, bất cập; các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chưa thực sự quan tâm đến công tác hậu kiểm.

Công tác cải cách hành chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc một số lĩnh vực còn nhiều vướng mắc; tính công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục thông tin về các quy hoạch và các điều kiện cho đầu tư, kinh doanh chưa thực sự rõ ràng. Công tác hỗ trợ nhà đầu tư đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn hạn chế, làm chậm tiến độ đầu tư của một số dự án…

Một số vấn đề về thu hút FDI sạch tại tỉnh Bắc Giang - Ảnh 2

Giải pháp thu hút FDI sạch cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Giang

Để thu hút FDI sạch phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang cần triển khai một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, khuyến khích dòng vốn FDI sạch. Hiện nay, Tỉnh đã có những định hướng thay đổi theo xu hướng thu hút dòng vốn FDI sạch, vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Tỉnh, nhưng chưa phát huy hết tác dụng bởi còn vướng mắc về thể chế chính sách nói chung. Do đó, cần rà soát lại hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán; bổ sung các nội dung còn thiếu, sửa đổi hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh.

Bên cạnh các tiêu chuẩn về môi trường phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam, tỉnh Bắc Giang cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để đưa ra các tiêu chuẩn môi trường cho các dự án triển khai trên địa bàn, để bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, cần có một hệ thống quản lý theo ngành dọc thống nhất để quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở, trong và ngoài KCN có dự án FDI đầu tư. Các cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật cho các DN FDI, tư vấn và có những biện pháp thúc đẩy, khuyến khích họ thực thi pháp luật môi trường.

Thứ hai, nâng cao vai trò của Nhà nước trong hoạt động thu hút FDI sạch, đối với mỗi hoạt động diễn ra trong nền kinh tế đều bị chi phối bởi sự quản lý của Nhà nước trên các phương diện và mức độ khác nhau.

Thu hút dòng vốn FDI sạch đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước trên hai khía cạnh là người tạo lập chính sách phù hợp với xu hướng, mục tiêu đề ra cho quá trình phát triển kinh tế và trong quá trình vận hành khai thác, do bất đồng về thu nhập, văn hóa cũng như một số ảnh hưởng xấu DN FDI gây ra cho xã hội thì sẽ không thể tránh khỏi các xung đột với người dân về các vấn đề như môi trường, tiền lương… Vì vậy, nhiệm vụ của Nhà nước là trọng tài để giải quyết các vụ việc đó nhằm bảo vệ quyền lợi và đời sống con người, ổn định tình hình kinh tế -  xã hội đất nước. Đồng thời, Nhà nước cần phải quan tâm sâu sát hơn ngay từ việc cấp phép đầu tư cần ưu tiên các dự án FDI sạch, kiên quyết không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến môi tường sinh thái… Nên ưu tiên mời gọi các DN FDI từ các nước phát triển vốn có chuẩn môi trường cao, các tập đoàn đa quốc gia; các dự án có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực ít gây ra ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi tư duy trong thu hút vốn FDI, không nên chỉ chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ khi Bắc Giang là một Tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao….

Thứ ba, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mọi hoạt động kinh tế - xã hội luôn gắn chặt với cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội, vì họ là những cá thể chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có biến động bất thường xảy ra đối với môi trường sống và dễ nhận thấy được những sự thay đổi bất thường này. Do đó, cộng đồng dân cư luôn là người theo sát và phát hiện ra các hành vi bất hợp pháp do DN FDI gây ra. Đây là yếu tố quan trọng tác động tích cực tới quá trình hình thành dòng vốn FDI sạch. Dân cư thường là người tiêu dùng sản phẩm của các DN, vì vậy họ có thể tạo, sức ép, bắt buộc các DN phải quan tâm nhiều hơn tới môi trường trong quá trình sản xuất.

Trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FDI, bên cạnh công tác quản lý của Nhà nước cần có sự đóng góp tích cực từ phía cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn Bắc Giang cần tăng cường khuyến khích, động viên kịp thời các cá nhân và tập thể có tinh thần phát giác những dự án FDI đang hủy hoại môi trường, hoạt động bất hợp pháp dưới vỏ bọc là DN FDI.

Thứ tư, nâng cao năng lực của công chức đủ khả năng thực thi pháp luật và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư một cách hữu hiệu theo hướng liên ngành, chú trọng chuyên môn hóa cán bộ, công cức đảm đương từng loại công việc. Những vấn đề cần tập trung kiện toàn, đổi mới bộ máy quản lý gồm: Thống nhất các cơ quan quản lý đầu tư trên địa bàn Tỉnh; Củng cố các bộ phận quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và  thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, giám sát suốt trong quá trình từ cấp phép đầu tư, thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh sau đầu tư. Thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng pháp luật quy định.

Thứ năm, quy định các chính sách liên quan đến vấn đề môi trường như thu phí hoặc đánh thuế các DN gây ô nhiễm môi trường. Để xây dựng một cơ chế thu hút FDI phát triển bền vững nền kinh tế, nên lồng ghép chi phí môi trường vào hệ thống tài khoản quốc gia. Nghĩa là, phải đánh giá bằng tiền tệ đối với sự suy thoái môi trường như gây ô nhiễm và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, nước hoặc đất đai thì phải có biện pháp để khắc phục hậu quả.

Thứ sáu, tăng cường quản lý các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh bằng cách tăng cường thông tin bằng nhiều kênh khác nhau, để các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện tiếp cận, cập nhật những chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước hay những thay đổi về cơ chế quản lý, giúp họ hiểu và tự giác chấp hành. Thường xuyên rà soát chính sách, quy đinh hiện hành, cơ chế quản lý các DN FDI đang hoạt động trong vùng và phát hiện những vi phạm của loại hình DN này để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách mới sao cho phù hợp với sự phát triển củ các DN trong Tỉnh; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các DN FDI, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, xã hội hoạt động trong các DN, nhằm tập hợp động viên công nhân, viên chức thực hiện tốt các cam kết trong hợp đồng lao động.

Tăng cường xây dựng mối quan hệ đồng thuận, hợp tác gắn bó lâu dài giữa người lao động với chủ DN. Mặt khác, công nhân, người lao động phối hợp với lãnh đạo DN tổ chức hội nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công việc để bảo vệ lợi ích mình trong lao động sản xuất; hạn chế bãi công, đình công gây thiệt hại cho cả DN và người lao động.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Mại, Quá trình hình thành và phát triển chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, www.mof.gov.vn (17/3/2018);
  2. Hoài Anh, Được gì sau 30 năm thu hút FDI - nỗi buồn đọng lại, Vietnambiz.vn;
  3. Minh Hương, Thu hút đầu tư nước ngoài cần thống nhất, công bằng, Tapchitaichinh.vn (8/12/2017);
  4. Nguyễn Thị Tuệ Anh và ctv, Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Luận văn Tiến sỹ, Hà Nội;
  5. Niên giám thống kê Bắc Giang năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017.