Mua bán siêu thị là xu hướng tất yếu

Theo tapchithue.com.vn

Từ vài năm trước, khi một vài vụ mua bán, sáp nhập siêu thị có yếu tố nước ngoài xảy ra cũng là lúc báo hiệu sự “lấn sân” thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam của DN nước ngoài. Đến nay, khi những tín hiệu này ngày càng trở nên phổ biến và rõ rệt thì thực tế đang chứng kiến sự bị động, co cụm của DN nội trước cuộc đua giành thị phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khẳng định thế mạnh của DN nước ngoài

Vừa qua, dư luận tỏ ra quan tâm trước thông tin Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại toàn bộ hệ thống bán hàng của Big C - thương hiệu nổi tiếng với hàng chục điểm phân phối tại Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất của cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam, trong đó những DN giầu tiềm năng đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Pháp…ngày càng chứng tỏ sự quyết tâm và mục tiêu của mình.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, không nên quá lo lắng trước việc các DN thực hiện mua bán một phần, hay toàn bộ dự án của nhau, bởi đó là xu hướng tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam. Vấn đề cần lưu ý là, cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình, hướng dẫn các bên mua bán DN để họ thực hiện kịp thời, đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước; tuyệt đối phòng tránh việc nhập nhằng, né tránh thuế, chuyển giá.

Thực tế cho thấy, các DN bán lẻ nội địa ngày càng bộc lộ những yếu kém do chậm đổi mới, quy mô nhỏ lẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự đuối sức trong cuộc tranh đua với DN ngoại. Để có thể cầm cự, trụ lại thị trường, DN nội cần được Nhà nước quan tâm, bảo vệ một cách hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế; nhất là tạo điều kiện về mặt bằng, đào tạo nhân lực. Giới chuyên gia cho rằng, về lâu dài mỗi đơn vị phải chủ động nâng cao năng lực, tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu để đảm nhận vai trò dẫn dắt trên thị trường. Đặc biệt, các siêu thị trong nước cần chủ động bày bán sản phẩm Việt, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng. Tiếp theo, cần khai thác hiệu quả nguồn cung các sản xuất nông nghiệp, theo quy trình “mua tận gốc, bán tận ngọn” để vừa quản lý tốt nguồn nguyên liệu vừa hạ giá thành.

Người tiêu dùng được lợi

Đáng lưu ý là, sau các thương vụ mua bán siêu thị có thể diễn ra ngày càng nhanh, trên diện rộng, vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Đó là sự đa dạng hàng hóa sẽ đẩy cuộc cạnh tranh lên mức cao hơn, đòi hỏi mỗi đơn vị kinh doanh phải thể hiện hết năng lực để hình thành một thị trường ngày càng hiện đại, bình đẳng.

Trên thực tế, hiện thị trường đang có sự tham gia của ba dòng hàng hóa chủ yếu là hàng Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam; trong đó hàng trong nước và Thái Lan được người tiêu dùng (NTD) quan tâm hơn cả, vì hợp thị hiếu. Từ đó, các đơn vị sản xuất trong nước cần liên tục cải tiến mẫu mã, bảo đảm chất lượng để duy trì thị phần, nhất là các phương thức kinh doanh năng động như tổ chức đưa hàng về khu công nghiệp, lập “siêu thị di động”, khuyến mại theo dịp lễ, tết, giảm lợi nhuận. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để ủng hộ hàng Việt.

Về nguyên tắc, DN bán lẻ muốn tồn tại đương nhiên phải chứng minh được đẳng cấp của mình bằng chất lượng sản phẩm, giá bán và chất lượng, cách thức phục vụ khách hàng, nếu không sẽ bị đào thải vì đó là quy luật. Như vậy, không nên quá lo lắng về việc chủ siêu thị sẽ lựa chọn hàng hóa do nước nào sản xuất để bán mà cần tập trung nâng cao chất lượng, hình ảnh của sản phẩm. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá phải chăng thì chắc chắn sẽ có mặt trên thị trường, hơn thế còn tận dụng được thế mạnh “sân nhà” dù bất luận ai là chủ siêu thị.