Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng nhanh thứ 2 châu Á – Thái Bình Dương

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ người Việt Nam mua sắm qua kênh này có mức tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo khảo sát thường niên về mua sắm của MasterCard vừa được công bố.

Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguồn: internet
Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguồn: internet

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến trong vòng ba tháng, từ tháng 10 đến 12/2014, đã tăng từ 68,4% lên 80,2%. Với mức tăng 11,8 điểm phần trăm, Việt Nam đạt mức gia tăng tỷ lệ người sử dụng thương mại điện tử cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Malaysia

Đây là khảo sát thường niên về mua sắm trực tuyến của MasterCard được thực hiện tại 14 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, 11 nước Trung Đông và châu Phi, với tối thiểu 500 người đại diện tại mỗi quốc gia. Các nền kinh tế được khảo sát bao gồm Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Đài Loan, Philippines, Indonesia…. 

Ông Arn Vogels, Trưởng đại diện và Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, nhận định trong thông cáo rằng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang từng bước chiếm thị phần của việc mua sắm tại cửa hàng. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… được coi là những lý do góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Hơn hai phần ba  (67,6%) số người tham gia khảo sát cho biết mua sắm trực tuyến là một trong những lý do mà họ truy cập Internet, tăng 13,8% so với năm ngoái. Phụ nữ và những người trong độ tuổi 35-44 vẫn là những người thường mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Họ cũng có chiều hướng mua nhiều mặt hàng hơn và đi mua sắm nhiều hơn các nhóm khác.

Hàng không, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch là ba lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến. Đứng đầu là hàng không với mức chi tiêu trung bình là 95 USD, mặc dù đã bị giảm thiểu đáng kể từ mức 143 USD của năm ngoái. Các sản phẩm điện tử gia dụng đứng thứ hai với 82 USD, theo sau là du lịch (71 USD).

Những trang web mua sắm trực tuyến được truy cập thăm nhiều nhất tại Việt Nam là Lazada (24,4%), Hotdeal (21,9%), Mua Chung (16,2%) and Chotot (14,7%).

Theo kết quả khảo sát của MasterCard, so với những năm trước, có nhiều người đã thực hiện giao dịch mua sắm bằng điện thoại di động (trong ba tháng khảo sát), tăng từ 34,9% trong năm 2013 lên 45,2% trong năm 2014. Tỷ lệ người cho biết đã không mua sắm và không có ý định mua sắm bằng điện thoại di động giảm từ 42,6% xuống còn 33% trong năm 2014.

Những lý do chính cho việc mua sắm bằng điện thoại di động là sự tiện lợi, có thể giao dịch khi đang đi trên đường, cùng với sự xuất hiện của nhiều ứng dụng giúp mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn. Các ứng dụng điện thoại, quần áo/phụ kiện và tải nhạc là những danh mục mua sắm chính qua điện thoại di động.

Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 71% người tham gia khảo sát đã mua hàng trực tuyến thông qua website bán hàng hoá/dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2013. Số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 45% năm 2013 lên 53% năm 2014. Tuy nhiên, số người mua qua các website mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống còn 35% năm 2014. Ngoài ra, có 25% người tham gia khảo sát cho biết có mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và 13% qua ứng dụng di động trong năm 2014.

Nhìn chung, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu trong các giao dịch mua bán trực tuyến, chiếm 64%, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2013. Hình thức chuyển khoản qua ngân hàng cũng giảm từ 41% năm 2013 xuống còn 14% năm 2014. Thay vào đó, số lượng người sử dụng ví điện tử lại tăng từ 8% năm 2013 lên 37% năm 2014.