Mục tiêu đến 2020, 75 triệu tấn phát thải được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng

PV.

Bộ Xây dựng vừa hoàn thành “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VTLXD) và sử dụng trong các công trình xây dựng” để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Các doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao sẽ được ưu đãi về thuế, thuê nhà xưởng.
Các doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao sẽ được ưu đãi về thuế, thuê nhà xưởng.

Biến tro, xỉ, thạch cao thành vật liệu có giá trị kinh tế

Hiện nay cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và một số nhà máy sản xuất phân bón hóa chất DAP và nhà máy luyện thép, phát thải ra trên 20 triệu tấn tro, xỉ tính mỗi năm.

Dự kiến đến năm 2018 với số lượng và quy mô các nhà máy phát triển theo quy hoạch, khối lượng phát thải sẽ là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.

Trong khí đó, tổng lượng tro, xỉ được xử lý, sử dụng hiện mới chỉ chiếm 30% so với tổng lượng thải ra. Tổng lượng tro xỉ thạch cao hiện đang tồn tại các bãi chưa lũy kế hiện lên tới hơn 20 triệu tấn, mỗi năm cần đến hàng ngàn ha đất để làm bãi chứa….  

Mục tiêu đến năm 2020, 75 triệu tấn tro, xỉ sẽ được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, chiếm 52% tổng lượng tích luỹ. Trong đó, tái sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đạt 55 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao nhiệt điện đạt 2 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao phân bón, hoá chất đạt 15 triệu tấn.

Đây chính là vấn đề lớn, thách thức cho đất nước bởi sự hao tốn về tài nguyên đất và áp lực về môi trường khi không xử lý được nguồn phát thải này. Nguy cơ trước mắt đó các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế đang diễn ra.

Tại một số nước phát triển như Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Pháp… hầu hết tro xỉ được sử dụng, trên 90% lượng tro xỉ phát thải được xử lý, sử dụng. Tro xỉ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng công nghệ thấp, ứng dụng công nghệ trung bình bình và ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể là: Sử dụng trong san lấp, làm đê kè, nền đường…; Làm phụ gia xi măng, cốt liệu nhẹ, bê tông đúc sẵn, gạch không nung…; Làm nguyên liệu để thu hồi kim loại, chất độn cho polymer, chất dẻo PE, PP…

Ở Việt nam, tro bay đã được dùng làm phụ gia bê tông khối lớn cho các công trình đập thủy điện áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn tại một số nhà máy thủy điện như Sơn La, Lai Châu, Bản Vẽ, Sông Tranh…; làm nguyên liệu sản xuất VLXD như gạch bê tông bọt, gạch xi măng cốt liệu…

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các nhà máy xi măng, VLXD, các công trình xây dựng giao thông, thủy lợi…đang có nhu cầu rất lớn về sử dụng tro, xỉ, thạch cao và hoàn toàn có thể tiêu thụ hết khối lượng phát thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thay thế cho lượng thạch cao vẫn phải nhập khẩu, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu, đồng thời khắc phục được vấn đề môi trường, lãng phí tài nguyên đất.

Khắc phục vấn đề lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường

Ngày 23/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg và nhiều chỉ đạo khác về thực hiện các giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Giao nhiệm vụ cho các địa phương, các bộ, ngành nhằm mục tiêu xử lý, sử dụng tối đa lượng tro, xỉ, thạch cao phát thải.

Tuy nhiên cho tới nay, với lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Theo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Xây dựng, nguyên nhân trước hết là do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao, các cơ sở phát thải chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và tro, xỉ, thạch cao chỉ cần lưu chứa mà không chuẩn bị để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD hoặc dùng cho các công trình xây dựng.

Các doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao sẽ được ưu đãi về thuế, thuê nhà xưởng. Doanh nghiệp sử dụng trên 50% lượng thạch cao FDG, thạch cao trong PG trong tổng số nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao xây dựng được ưu đãi giảm 30% thuế VAT hiện hành.

Nhiều nhà máy nhiệt điện vùng ven biển, thậm chí sử dụng nước mặn để xả thải và phun vào tro, xỉ để dập bụi, vì vậy tro, xỉ bị nhiễm mặn, không thể sử dụng để làm VLXD hoặc sử dụng trong công trình xây dựng và trở thành chất thải vĩnh viễn.

Nhiều nhà máy nhiệt điện xả thải lẫn lộn làm giảm hiệu quả xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu; Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải chưa đi vào thực tế, hoặc chưa có chế tài đủ mạnh, làm cho việc cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao chưa được đẩy mạnh.

Triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng việc xử lý, sử dụng tro xỉ thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất và hoàn thành “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”.

Một trong những vấn đề quan trọng được đề xuất trong đề án lần này đó là, bắt buộc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao (được thu hồi từ khói lò đốt của các nhà máy nhiệt điện, được thải ra từ các nhà máy hóa chất, phân bón).

Nghĩa là, các nhà máy, doanh nghiệp phát thải phải chịu trách nhiệm tổ chức xử lý, tiêu thụ các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện, cơ chế chính sách thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sử dụng, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Mục tiêu đến năm 2020, 75 triệu tấn tro, xỉ sẽ được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, chiếm 52% tổng lượng tích luỹ. Trong đó, tái sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đạt 55 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao nhiệt điện đạt 2 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao phân bón, hoá chất đạt 15 triệu tấn.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, theo Bộ Xây dựng trước tiên phải biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế cho việc xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu trong sản xuất VLXD và các công trình xây dựng.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phát thải đang hoạt động phải hoàn thành xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trước khi kết thúc năm 2018. Các dự án đang triển khai nếu chưa có đề án này thì buộc phải lập bổ sung, phê duyệt trước khi nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Các dự án chưa xây dựng thì cần phải có đề án được phê duyệt trong hồ sơ đầu tư.  

Các dự án đầu tư xử lý các loại chất thải này được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước như đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn theo quy định hiện hành.

Một số cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng đưa ra đề xuất phân bổ cụ thể như: Giao cho ngành Sản xuất xi măng tiêu thụ, xử lý khoảng 22 tấn tro, xỉ từ năm 2017-2020; 7 triệu tấn cho việc sản xuất gạch không nung, 2 triệu tấn để sản xuất bê tông và 24 triệu tấn làm vật liệu san lấp…

Các doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao sẽ được ưu đãi về thuế, thuê nhà xưởng. Doanh nghiệp sử dụng trên 50% lượng thạch cao FDG, thạch cao trong PG trong tổng số nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao xây dựng được ưu đãi giảm 30% thuế VAT hiện hành.

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh việc lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty có liên quan, tiếp thu, giải trình và tổng hợp vào dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án. Qua đó, tháo gỡ giải quyết dứt điểm tình trạng đang ùn, ứ tro xỉ phát thải, đe dọa nghiêm trọng tới môi trường như hiện nay.