Mười bài học trong phát triển kinh tế

Theo Báo Đầu tư

Việc đánh giá kết quả hay hạn chế là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần rút ra những bài học kinh nghiệm. Thời gian qua, có thể rút ra 10 bài học kinh nghiệm như sau.

Huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng
Huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng
Một là, chuyển đổi tư duy trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Đối với Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lại phải thực hiện nhiều mục, nên tăng trưởng với tốc độ cao thường dễ được lựa chọn. Tuy nhiên, để tăng trưởng cao đòi hỏi nhiều và thường gây ra những hiệu ứng phụ (lạm phát cao, nợ nần lớn…). Năm 2012, “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội…” đã được lựa chọn.

Hai là, kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên đã lựa chọn. Đây cũng là bài học thành công trong năm 2012 cần được rút ra. Ngay cả khi CPI tăng thấp và giảm một cách khác thường trong 5 tháng liền (từ tháng 3 đến tháng 7, CPI giảm 0,16%), tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và thị trường, nhưng Chính phủ cũng không chủ trương kích cầu như đã làm trong các năm trước kia và năm 2009 gần đây, mà chỉ đề ra các biện pháp hỗ trợ.

Ba là, chuyển đổi tư duy điều hành để thực hiện mục tiêu. Trong các năm trước, việc điều hành thường bị động, các giải pháp thường chạy theo ngăn chặn. Nay đã có sự chuyển đổi là điều hành lạm phát theo mục tiêu. Khi CPI tăng thấp, giảm một cách khác thường, có thể thấp quá xa so với mục tiêu đã đề ra và tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã sớm yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất từ tháng 3; từ tháng 5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Bốn là, cần hiểu cho đúng động thái “chặt chẽ” và “thắt chặt”. Đối với chính sách tài khóa thì phải thắt chặt vì chi ngân sách thường dễ lãng phí, thất thoát, đầu tư công dễ bị dàn trải, tham nhũng… Nhưng đối với chính sách tiền tệ thì chặt chẽ, chứ không phải là thắt chặt. Nếu thắt chặt lại kéo dài sẽ tác động xấu không chỉ đối với người vay mà cả các ngân hàng thương mại, đến tính thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế.

Năm là, hiệu ứng phụ và xử lý, trong đó rõ nhất là làm cho tổng cầu (bao gồm đầu tư và tiêu dùng) bị giảm xuống, đồng thời cũng làm cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm. Do vậy, phải ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu… cả về lượng vốn, cả về lãi suất để tăng trưởng hợp lý.

Sáu là, kết hợp sử dụng “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”. Nền kinh tế Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế thị trường có “bàn tay vô hình” để điều tiết thị trường, thông qua quy luật cung cầu và giá trị, thông qua cạnh tranh tự do. Sự quản lý của nhà nước đối với thị trường thông qua “bàn tay hữu hình” như pháp luật, thể chế, vận dụng quy luật, biện pháp hành chính. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”.

Bảy là, thực hiện lộ trình giá thị trường là cần thiết và đúng hướng trong nền kinh tế thị trường. Song, một mặt cần tạo điều kiện đa loại hình để cạnh tranh, mặt khác, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, cẩn trọng về liều lượng và thời điểm, tránh cộng hưởng với yếu tố tâm lý.

Tám là, ổn định tỷ giá là bài học quan trọng, bởi tỷ giá có tác động đến lạm phát trên nhiều mặt. Năm 2012, sự ổn định của tỷ giá có vai trò quan trọng. Phương thức điều hành tỷ giá đã chuyển từ “giật cục” sang “trườn bò” thông qua tỷ giá liên ngân hàng giúp cho sự ổn định, giảm găm giữ ngoại tệ.

Chín là, thông tin và dự báo có vai trò quan trọng. Trong điều kiện bất ổn, thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu minh bạch thì tin đồn xuất hiện ngày càng nhiều, tác động xấu đến lòng tin, đến các nhà đầu tư, đến người tiêu dùng. Do vậy, một mặt phải có sự minh bạch; mặt khác cần phải có cơ chế cung cấp thông tin cho thị trường.

Mười là, sự chuyển đổi tư duy cũng được tiếp tục thể hiện trong việc xác định mục tiêu của năm 2013 (trong đó có mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp hơn năm 2012), bởi vẫn còn những yếu tố tác động đến lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong những yếu tố này, có một số yếu tố đáng lưu ý. Yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động, thì của Việt Nam còn thấp và chuyển biến còn chậm. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá còn phải tiếp tục. Yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là chính sách tiền tệ, thì sự nới lỏng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã được thực hiện từ nửa cuối năm 2012, tới đây còn phải góp phần xử lý nợ xấu, phá băng bất động sản, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước…