Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng

Theo Báo Đầu tư

Phái đoàn thương mại, gồm 8 công ty lớn của Mỹ do ông Francisco J. Sánchez, Thứ trưởng chuyên trách Thương mại quốc tế tại Bộ Thương mại Mỹ dẫn đầu sẽ tới thăm và làm việc tại Việt Nam vào đầu tuần này. Xin gửi tới độc giả bài viết dưới đây của ông Francisco J. Sánchez.

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng
Từ ngày 13 đến 16/11/2012, tôi sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại Bộ Thương mại Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tới thăm Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại hai bên cùng có lợi. Đây sẽ là chuyến thăm thứ ba của tôi và là phái đoàn thương mại thứ hai mà tôi tham gia tới Việt Nam kể từ tháng 4/2011.

Đoàn sẽ đến thăm Hà Nội và TP.HCM, gặp gỡ và làm việc với các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp để tìm hiểu và thúc đẩy việc Mỹ tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng, như năng lượng (bao gồm cả năng lượng hạt nhân dân sự), hàng không, công nghệ môi trường, kiến trúc, xây dựng và cơ khí.

Tôi đã mời các cơ quan đối tác ở cấp liên bang là Cục Phát triển thương mại Mỹ (USTDA) và Tập đoàn Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tham gia vào phái đoàn này và mang tới Việt Nam phương pháp tiếp cận “tổng thể của Chính phủ Mỹ” đối với việc xây dựng quan hệ thương mại.

Phái đoàn thương mại này đến thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi, khi Việt Nam và Mỹ cùng nỗ lực để thiết lập cơ sở hạ tầng cả về nguồn lực vật chất lẫn con người có tầm quan trọng quyết định đối với giai đoạn tăng trưởng và phát triển tiếp theo. Nền kinh tế Việt Nam đang lớn mạnh, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức trung bình hơn 6%/năm trong thập kỷ qua. Cho dù, gần đây tăng trưởng có phần nào giảm tốc, song tôi tin rằng, điều này phản ánh thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu và nó nhắc nhở việc Việt Nam rất cần phải thúc đẩy kế hoạch cải cách kinh tế với 3 trọng tâm mà Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chia sẻ với chính quyền của Tổng thống Barack Obama khi ông đến thăm Washington đầu năm nay.

Cùng lúc, hai nước chúng ta tiếp tục gặt hái lợi ích từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2001 và việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 với kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh, từ 3 tỷ USD năm 2002 lên gần 22 tỷ USD năm 2011. Tôi tin rằng, BTA và sự mở rộng quan hệ đối tác thương mại của chúng ta đã góp phần tạo nên một câu chuyện thành công về kinh tế làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam theo hướng tốt hơn. Hơn nữa, nó đã đặt nền tảng cho việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác, cho phép Mỹ và Việt Nam hiện thực hóa mối quan hệ đối tác mà chúng ta đang có ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, tôi hoan nghênh vai trò trung tâm của Việt Nam trong việc tăng cường sự đồng thuận và các mối ưu tiên trong ASEAN, một trong những thị trường lớn nhất và năng động nhất với các nhà xuất khẩu Mỹ.

Cho dù vẫn còn các thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, song doanh nghiệp Mỹ ngày càng nhận thấy rõ rằng, đất nước này thực sự là một thị trường đầy tiềm năng. Phái đoàn thương mại này sẽ cổ vũ cho việc các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào những dự án lớn và xúc tiến cho những quan hệ đối tác hợp tác giữa các thành viên phái đoàn và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như với các quan chức Chính phủ, Bộ Thương mại Mỹ, Vụ Thương mại quốc tế. Việc thu xếp được nhiều cuộc gặp nhằm giúp các bên tìm đối tác kinh doanh, tạo nền móng cho phái đoàn thương mại có một chuyến đi thành công.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tôi dự định sẽ tìm hiểu về cách thức tốt nhất để áp dụng các mô hình đối tác công - tư (PPP), với việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu, cũng như cung cấp các nguồn vốn thay thế, bổ sung cho hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn tài trợ khác. Những cách tiếp cận này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho cơ sở hạ tầng và các ngành khác.

Tôi cũng sẽ mong nhận được các thông tin cập nhật quan trọng về cải cách cơ cấu và thương mại của Việt Nam thông qua các cuộc họp giữa chúng tôi với các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Nhìn về phía trước, Mỹ luôn coi trọng sự cộng tác với Việt Nam như là một đối tác đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hứa hẹn trở thành một trong những hiệp định tự do kinh tế năng động nhất của thế kỷ XXI.

Là những nhà cung cấp các công nghệ và dịch vụ tiên tiến nhất, các doanh nghiệp Mỹ đang ở vị trí sẵn sàng và mong muốn được giúp đỡ nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Sau khi dẫn đầu một phái đoàn phát triển kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đến thăm Việt Nam năm ngoái, nhằm giúp xây dựng cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực của Việt Nam, tôi phấn khởi về triển vọng được quay trở lại Việt Nam một lần nữa để hỗ trợ cho phái đoàn lần này và giúp các bên ký kết các thỏa thuận quan trọng về cơ sở hạ tầng.