Năm 2012: Đạt và vượt 2/3 số chỉ tiêu

Đức Nam

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất, năm nay dự kiến có 10/15 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội.

Năm 2012: Đạt và vượt 2/3 số chỉ tiêu

Tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 năm ngoái, nhận định tình hình KT-XH trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn với nguy cơ lạm phát cao, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã trình Quốc hội các mục tiêu, chỉ tiêu cho năm 2012 và được Quốc hội thông qua.

Theo Nghị quyết số 11/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 ban hành vào cuối năm 2011, Quốc hội đề ra mục tiêu là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý… với 15 chỉ tiêu cụ thể như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 10%, GDP tăng khoảng 6% - 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11% - 12%...

Sau một năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội với nhiều biện pháp được đưa ra như Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, Nghị quyết 13, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, kỳ họp cuối năm 2012 diễn ra hôm nay, 22/10, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày cho biết, ước đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý, mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát đã đạt, dự kiến ở mức khoảng 8% so với chỉ tiêu 10%.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Ước nhập siêu cả năm 2012 khoảng 1 tỷ USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP...

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra, có 5 chỉ tiêu dự báo chưa đạt, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%) kéo theo hai chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp. Năm 2012 diện tích rừng tăng thêm vẫn đạt mức đề ra, nhưng chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch do có sự điều chỉnh số liệu gốc so sánh năm 2011.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên khai mạc hôm nay nhận định, việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 đặt trong bối cảnh hết sức khó khăn như tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu tồn tại nhiều năm của kinh tế nước ta và tính hai mặt của chính sách thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiến hành từ tháng 2/2011.

Theo Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Năm 2013, phấn đấu lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn

Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, xu hướng khó khăn của nền kinh tế nước ta sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Do vậy, năm 2013 cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban tán thành nhiều chỉ tiêu Chính phủ đề ra như phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%; xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP...

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đồng tình với nhiều giải pháp được nêu lên trong Báo cáo của Chính phủ như tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động điều hành và có phản ứng chính sách phù hợp kịp thời để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Đối với nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đồng bộ. Thực hiện các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết. Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2013.

Dưới đây là ước thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra:

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Chỉ tiêu

Quốc hội

Ước thực hiện năm 2012

1.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

6-6,5

5,2

2.

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

13

16,6

3.

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu

%

11-12

0,9

4.

Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP

%

4,8

4,8

5.

Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

~33,5

         29,5

6.

Chỉ số giá tiêu dùng

%

<10

~8

7.

Tạo việc làm

Triệu người

1,6

1,515

8.

Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo

%

46

46

9.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị

%

~4

3,63

10.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Riêng các huyện nghèo giảm

%

%

2

4

1,76

4

11.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

%

16,6

16,3

12.

Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã)

Giường bệnh

21,5

21,5

13.

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý

%

79

83,6

14.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

70

70

15.

Tỷ lệ che phủ rừng

%

41

40