Tổng quan kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012

Năm 2012, thành tựu kinh tế quan trọng của Việt Nam đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011; 11,75% năm 2010. Lạm phát thấp góp phần tích cực trong đảm bảo ổn định mức sống dân cư, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm qua. Có thể thấy, chỉ tiêu lạm phát mục tiêu năm 2012 đặt ra dưới 10% là sự lựa chọn hợp lý so với mức lạm phát thực tế các năm trước và thực trạng nền kinh tế.

Điểm lại kết quả kiềm chế lạm phát trong năm 2012 cho thấy, năm qua, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1,0% vào tháng 1 và 1,37% vào tháng 2) nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm thiết bị giáo dục. Mức tăng CPI đã chậm dần trong những tháng cuối năm. Vì thế, CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm 2012 có mức biến động không nhiều và khác xu hướng của năm 2011. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, năm 2012 các nhóm hàng lương thực - thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI tăng rất thấp. Lương thực tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14% khiến nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất này chỉ đóng góp 2,3% vào mức tăng 6,81% của CPI cả năm. Riêng nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Trong hai năm qua, chỉ số giá nhóm giáo dục vẫn duy trì mức tăng cao (năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%) và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm (năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%). Điều này xuất phát một phần từ nguồn cung tăng, trong khi cầu suy giảm; giá cả liên quan hàng hóa lương thực - thực phẩm tiêu dùng trong nước và trên thế giới ổn định; hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá thực hiện tốt và đặc biệt là “lạm phát kỳ vọng”, tâm lý “té nước theo mưa” đẩy giá hàng bán năm nay không còn phổ biến.

Thứ hai, sự sụt giảm mạnh về tổng cầu của nền kinh tế trong đó biểu hiện qua tổng cầu tiêu dùng và đầu tư năm 2012 đã tác động làm CPI tăng thấp. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 bằng 33,5% GDP và là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Đây là bước đi tất yếu trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc Chính phủ thực hiện giảm dần đầu tư công cũng làm giảm lạm phát bởi nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước thường chiếm đến 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cầu tiêu dùng dân cư giảm mạnh do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập đi xuống, đại đa số người dân cắt giảm chi tiêu cũng tác động khiến CPI tăng thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chỉ tăng 16%, thấp hơn các năm trước (thường trên 20%).

Thứ ba, tình trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng và tồn kho tăng cao trong lĩnh vực bất động sản khiến tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,91% trong năm 2012. Hệ quả trên đã ảnh hưởng tới các lĩnh vực, thị trường khác do nguồn cung tiền không còn dễ dàng như trước đây, kéo giảm các yếu tố tăng giá.

Thứ tư, CPI không giảm vào sau Tết Nguyên đán, mà lại giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và tháng 7). Qua đó đã ghìm cương lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, chính việc kiềm chế lạm phát để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tổ hợp 3 dạng thức, như: lạm phát tiền tệ (dạng thức chủ yếu), lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy.

Năm 2013 - dự báo lạm phát sẽ thấp?  - Ảnh 1

i/ Lạm phát tiền tệ là dạng thức lạm phát lộ diện khá rõ như việc tung khối lượng tiền lớn vào lưu thông;

ii/ Lạm phát cầu kéo do đầu tư bao gồm đầu tư công và đầu tư của các DN tăng, làm nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị công nghệ tăng. Biểu hiện rõ nhất của lạm phát cầu kéo là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tăng, làm giá xuất khẩu tăng kéo theo cầu về lương thực trong nước cho xuất khẩu tăng, trong khi đó, nguồn cung trong nước không thể tăng kịp;

iii/ Lạm phát chi phí đẩy biểu hiện ở giá nguyên liệu, nhiên liệu trên thế giới tăng mạnh, đẩy hàng loạt mặt hàng khác tăng theo…

Một số áp lực tăng giá trong năm 2013

Qua diễn biến của giá cả thị trường và kết quả đạt được trong kiềm chế lạm phát năm 2012 cùng với mục tiêu, kế hoạch đề ra năm 2013, có thể nhận diện áp lực tăng giá trong năm 2013 như sau:

Một là, việc tăng giá điện trung bình thêm 5% từ ngày 22/12/2012 đã bắt đầu tác động tới giá cả hàng hóa và sinh hoạt của người dân. Theo khảo sát tại một số chợ và siêu thị tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, giá điện vừa tăng, các doanh nghiệp và tiểu thương đã tăng giá các mặt hàng tiêu dùng từ 10% đến 15%, các chủ nhà trọ cũng đồng loạt tăng giá tiền điện sinh hoạt thêm 20 - 30%, lên mức 4000 - 5000 đồng/kWh. Việc tăng giá điện vào thời điểm cuối năm cộng thêm các mặt hàng tăng giá vào dịp Tết Nguyên đán khiến sức ép tăng giá kéo dài sang khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 năm 2013. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng làm tăng CPI trong năm 2013.

Không chỉ có vậy, từ năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch tính lại giá điện 3 tháng/1 lần, như vậy giá điện có thể phải tăng 4 lần thay vì 2 lần như năm 2012. Nguyên nhân dự báo khả năng tăng giá được phía điện lực đưa ra là do nước miền Trung thiếu hụt sẽ làm thiếu hụt 1,5 tỷ kWh điện buộc EVN phải chạy dầu khiến chi phí sẽ tăng thêm 6.000 - 7.000 tỷ đồng; tăng giá bù lỗ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn; các chi phí đầu vào như than, khí... cũng sẽ tăng theo lộ trình để tiến tới giá thị trường.

Hai là, năm 2013 các địa phương tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá viện phí. Hiện còn 15 tỉnh, thành phố đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện điều chỉnh giá viện phí, trong đó có cả hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây sẽ là nhân tố gây áp lực tăng giá trong năm nay, nhất là ở 2 khu vực đầu tầu kinh tế trên cả nước. Thực tế, năm 2012, việc điều chỉnh mức phí rất lớn của nhóm dịch vụ y tế đã tác động mạnh và là nhân tố quan trọng gây tăng giá CPI kể từ tháng 8/2012 nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới 45,23% trong cả năm, đóng góp tới 2,5% trong mức tăng CPI chung 6,81% của cả năm).

Ba là, yếu tố rủi ro trong thực hiện mục tiêu kép lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đặc biệt với chính sách không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nếu không được giám sát chặt chẽ rất dễ khiến nguồn vốn đi vào những lĩnh vực phi sản xuất, không tạo ra hàng hóa, nguyên nhân tiềm ẩn gây lạm phát cao. Mặt khác, đối với xửlývốn nợđọng xây dựng cơ bản 90.000 tỷđồng của năm 2012 cùng với việc thực hiện giải ngân đúng tiến độvốn đầu tư từNSNN vàtrái phiếu chính phủnăm 2013 sẽcung ứng lượng vốn đầu tư khálớn, tăng tổng cầu đầu tư năm 2013 cũng sẽ gây áp lực nhất định trong tăng lạm phát.

Năm 2013 - dự báo lạm phát sẽ thấp?  - Ảnh 2

Năm 2013 - Triển vọng khả quan kiềm chế lạm phát thấp

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, đó là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn năm 2012”. Cùng với đó, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 cũng đã đặt mục tiêu cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI khoảng 6% - 6,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP.

Trên cơ sở của kết quả kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012, năm 2013 triển vọng kiềm chế lạm phát thấp là khá khả quan khi có nhiều nhân tố tác động giảm giá được duy trì và phát huy hiệu quả cao hơn. Minh chứng được thể hiện ở 4 điểm dưới đây:

Thứ nhất, giá cả hàng hóa thế giới năm 2013 được dự báo có xu hướng hạ nhiệt so với năm 2012. Chỉ số S&P GSCI theo dõi 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô và chỉ số DJ UBS (Dow Jones-UBS Commodity) đều cùng xu thế giảm. Cụ thể chỉ số S&P GSCI giảm từ 545 điểm xuống 540 điểm năm 2013; DJ UBS giảm từ 395 điểm xuống 370 điểm năm 2013. Đặc biệt, giá giảm mạnh ở nhóm hàng lương thực do nguồn cung lương thực đã có nhiều cải thiện tăng lên vào cuối năm 2012, đặc biệt nguồn cung gạo và lúa mì. Những biến động giá nguyên, nhiên liệu phụ thuộc yếu tố cầu giảm sút từ đà giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc, cùng với khả năng phục hồi sản xuất chậm chạp các nước Mỹ, Nhật, khu vực châu Âu.

Năm 2013 - dự báo lạm phát sẽ thấp?  - Ảnh 3

Trong khi đó, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước năm 2013 có nhiều triển vọng tăng lên khiến giá cả có thể giảm giá. Sản xuất lúa gạo cả năm dự báo đạt 43,5 triệu tấn, tuy không đạt mức kỷ lục năm 2012 (43,7 triệu tấn), song vẫn có thể đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ổn định giá gạo tiêu dùng trong nước và đáp ứng nguồn cung phục vụ xuất khẩu. Những khó khăn của ngành chăn nuôi về chi phí đầu vào tăng cao và khó khăn vốn vay khiến đàn gia súc, gia cầm giảm sút trong năm 2012 sẽ có nhiều cải thiện trong năm tới. Nguyên nhân là do giá ngũ cốc để sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2013 dự báo giảm và chính sách ưu tiên tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Nguồn cung tăng lên sẽ khiến tốc độ tăng giá lương thực, thực phẩm năm 2013 chậm lại, thậm chí giảm giá. Những nhân tố này sẽ tác động tích cực làm giảm tốc độ tăng CPI.

Thứ hai, sức mua của người của người dân chưa thể cải thiện. Nền kinh tế nói chung chưa thể sớm phục hồi và thu nhập khó có thể tăng mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản khiến lạm phát năm 2012 ở mức thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012, chỉ tăng 16% so với mức tăng 24,2% của năm 2011, trong đó, ngành thương nghiệp tăng thấp nhất (15,2% so với mức 23,9% năm 2011) cho thấy tiêu dùng tư nhân (chiếm trên 90% tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng) giảm sút trong năm vừa qua. Dựbáo, năm 2013 tỷlệtiêu dùng cuối cùng trong tổng tích lũy – tiêu dùng giảm từ mức 68,7% năm 2012 xuống 68,4% năm 2013, trong khi tỷlệtích lũy tăng lên cho thấy cầu tiêu dùng không thểtăng cao trong năm tới.

Thứ ba, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp, tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển so với GDP giảm, khiến áp lực tăng giá từ phía cầu giảm sút. Dự bá, huy động vốn đầu tư phát triển năm 2013 là khoảng 1.003.000 tỷ đồng, chỉ tăng xấp xỉ 1,4% so với năm 2012 (đạt 989.300 tỷ đồng). Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP dự báo chỉ bằng khoảng 29,7% GDP, tiếp tục xu hướng giảm dần. Trong đó, nguồn vốn đầu tư lại chủyếu trông chờvào sức tăng vốn của khu vực ngoài Nhànước khiến triển vọng tăng cầu đầu tư không cao. Nguồn vốn đầu tư có nguồn gốc từ Nhà nước thường chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xãhội ngày càng cắt giảm do Chính phủthực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và giảm dần đầu tư công (theo Chỉthị1792/CT-TTg ngày 15/10/2011).

Năm 2013 - dự báo lạm phát sẽ thấp?  - Ảnh 4

Thứ tư, sự phối hợp linh hoạt, đồng bộ trong thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá phát huy vai trò tích cực hơn trong kiềm chế lạm phát. Rút kinh nghiệm từ bài học cuối năm 2007, năm 2012, NHNN đã thực hiện thành công việc neo ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối trong điều kiện thặng dư cán cân thanh toán, song vẫn đảm bảo lượng cung tiền phù hợp, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu. Kết quả dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 20 tỷ USD năm 2012, trong khi lạm phát vẫn kiềm chế ở mức thấp và không có dấu hiệu bất ngờ tăng cao đột biến như thời điểm cuối năm 2007 đầu 2008.

Bên cạnh đó, thực thi kiểm soát tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp là phương tiện căn bản, quan trọng và hữu hiệu hàng đầu giúp kiềm chế lạm phát. Thực tiễn so sánh đặc điểm của Việt Nam và Trung Quốc cho thấy yếu tố tín dụng tác động lớn đến lạm phát, lý giải lạm phát cao và liên tục luôn xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ. Trong khi, Trung Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng cao (hơn Việt Nam) trong thời gian dài, thặng dư thương mại lớn, giá trị đồng nội địa ổn định, lạm phát ở mức thấp thì Việt Nam lại luôn ở mức cao liên tiếp kể từ năm 2007. Sự khác nhau xuất phát từ chính sách thận trọng trong tăng trưởng tín dụng và tiền tệ của Trung Quốc, chỉ vào khoảng 15% mỗi năm, kể từ 2004, trước đó, sự tăng trưởng này cũng chỉ ở dưới mức 20%. Trong khi đó, tăng trưởng tiền tệ của Việt Nam vốn đã ở mức cao (trên 20%) từ năm 2001, lại có xu hướng ngày càng tăng nhanh hơn. Nguyên nhân, do Việt Nam đã thực hiện chính sách can thiệp tăng dự trữ ngoại tệ nhưng không đồng thời thắt chặt tiền tệ, nên đã dẫn tới lạm phát cao. Nhận thức bất cập trên, từ năm 2010 tăng trưởng tín dụng được kiểm soát giảm dần xuống 28% là còn 12% năm 2011; 8,91% năm 2012. Thành công trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá năm 2012 đã góp phần nhất định trong kiềm chế lạm phát ở mức 8,61% năm 2012.

Năm 2013, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, cùng với điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng. Chính sách điều hành tiền tệ hướng tới mục tiêu thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2012.

Như vậy, việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp năm 2013 hay không còn phụ thuộc rất lớn vào các chính sách điều hành của Chính phủ. Trong đó, tiên quyết là thực hiện kiên định và có hiệu quả lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, nhanh và bền vững. Cùng với đó là đảm bảo lượng cung tiền phù hợp để có khả năng kiểm soát lạm phát thông qua phối hợp đồng bộ chính sách tăng trưởng tiền tệ, tín dụng và tỷ giá. Việc điều hành giá cả các mặt hàng Nhà nước còn định giá như điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục… cần phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp với mục tiêu lạm phát, linh hoạt theo diễn biến kinh tế.

Một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát 6% như Chính phủ đặt ra có thể khả thi nếu Chính phủ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và điều hành đồng bộ các chính sách khác như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công... nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc năm 2013. Thêm vào đó, cần thực hiện phương án chủ động phá giá nhẹ VND khoảng 3 - 4% trong cả năm 2013 để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho DN sản xuất trong nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013;

2. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 4;

3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Tổng cục Thống kê;

4. Báo cáo Commodities Analyst Jul.2012 của Capitaleconomics;

5. Báo cáo Commodity Price Forecast Update, September 2012, World Bank.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013

Năm 2013 - dự báo lạm phát sẽ thấp?

ThS. Trần Thị Hồng Minh - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia

(Tài chính) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”. Bài viết đánh giá lại kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012 và phân tích, nhận định triển vọng lạm phát năm 2013.

Xem thêm

Video nổi bật