Năm 2014: Dự cảm kinh tế và suy tư

Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Tài chính) Thách thức là vô cùng to lớn. Nguồn lực hạn chế. Đòi hỏi xã hội rất cao. Quyết tâm và ý chí chính trị là chưa đủ. Để tạo dựng lại lòng tin xã hội và thị trường, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất...

Tăng trưởng kinh tế không nên quá dựa vào tận khai tài nguyên thiên nhiên. Nguồn: internet
Tăng trưởng kinh tế không nên quá dựa vào tận khai tài nguyên thiên nhiên. Nguồn: internet

Dư âm của cơn chấn động khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát cuối năm 2008 vẫn còn dai dẳng và cho đến nay, cách thức đối phó bằng biện pháp nới lỏng tiền tệ và thực thi các “gói kích cầu” đã không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Đà phục hồi kinh tế thế giới sau khi đạt mức tăng trưởng 5,2% năm 2010 đã chậm lại, chỉ còn 3,9% năm 2011, 3,2% năm 2012 và khoảng 2,9% năm 2013. Kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn, khoảng 3,6% nhờ kinh tế Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro đã có những dấu hiệu khả quan.

Song những đầu tàu duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới trong giai đoạn khó khăn hiện nay như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế mới nổi lại suy yếu hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ không còn duy trì được đà tăng trưởng như trước. Thế giới hiện vẫn đối mặt với không ít rủi ro tiền tệ, tài chính, cú sốc giá cả.

Vật lộn với khó khăn trước mắt, song thế giới cần hơn là một tư duy mới về phát triển và một công cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng, căn bản. Về cơ bản, mô hình tăng trưởng truyền thống đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thời đại.

Gắn với mô hình tăng trưởng mới, cùng với việc nâng cao năng suất, phải là một cách hiểu mới, cách suy nghĩ mới: Thế nào là thực sự vì chất lượng cuộc sống của con người. Nó phải vượt qua khỏi cái thuần túy chỉ là thu nhập đầu người, là sự gia tăng của cải, mà cần gắn với cả bộ ba: tâm thức (trí tuệ và tính hợp lý trong ứng xử); “xanh hơn” (nền kinh tế bớt “nâu” hơn, bớt tận khai, bóc lột tài nguyên thiên thiên); và “thực hơn” (bớt “bong bóng” tài chính hơn).

Theo nghĩa đó, nền kinh tế thế giới đang trong “thời kỳ chuyển đổi” có tính cách mạng trong phát triển. Thách thức là làm sao có thể vừa cải cách thể chế, cải cách cơ cấu, vừa giảm thiểu rủi ro cũng như phí tổn của quá trình điều chỉnh.

Việt Nam không nằm ngoài những vấn đề của thế giới, cả trong ngắn hạn và trong dài hạn, nhất là khi đã và đang chuyển sang thể chế kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng. Do cải cách thể chế chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập cùng những sai lầm chính sách thiên về tăng trưởng, xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sau 7 năm gia nhập WTO (2007-2013) đã bộc lộ 2 khiếm khuyết nghiêm trọng. Một là, cả tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng đều giảm. Hai là, khả năng chống đỡ của nền kinh tế - tức khả năng duy trì tăng trưởng hay phục hồi trước những cú sốc bên trong và bên ngoài thấp do các nền tảng kinh tế vĩ mô suy yếu.

Với Nghị quyết 11/NQ-CP (tháng 2/2011), kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012-2013 đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các yếu tố tạo nên sự ổn định còn thiếu vững chắc, tâm trạng hoài nghi vẫn dai dẳng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, còn 5,25% năm 2012 và 5,42% năm 2013; sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, trì trệ trên không ít lĩnh vực.

Ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức cần thiết; cái giá phải trả về tăng trưởng trong ngắn hạn cũng có thể hiểu được. Song có lẽ việc điều hành, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô còn thiếu suôn sẻ, nhịp nhàng nên nền kinh tế đã hạ cánh chưa “mềm” như mong muốn. Hơn nữa, quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng mới đi được những bước đầu tiên, đó là chưa nói đến sự chậm trễ trong tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, để có thể thấy công cuộc cải cách được tiến hành thực sự quyết liệt và có ý nghĩa.

Lựa chọn chính sách của Chính phủ 2 năm 2014-2015 là củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, với thông điệp đó, có những nỗ lực nhất định để phục hồi dần kinh tế, đồng thời tăng cường thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Với chính sách như vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014 và khoảng 6% năm 2015, trong khi ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, lạm phát chỉ khoảng 7%/năm. Phần lớn dự báo từ “bên ngoài” như WB, IMF, Citigroup, ANZ,… có phần thận trọng hơn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,5% và 5,7-5,8% tương ứng vào năm 2014 và 2015, còn lạm phát năm xoay quanh mức 7-8,5%.

Nhìn nhận tổng quát, mục tiêu chính sách của Việt Nam hiện nay đầy tham vọng, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị rất cao: vừa tập trung nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời phục hồi dần kinh tế, vừa tăng cường cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh việc thực hiện nhiều cam kết quốc tế trong khung khổ WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1, Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa sâu sắc đối với cải cách và phát triển kinh tế đất nước như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực ASEAN + 6 (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (VN-EU FTA)...

Cuối năm 2007, khi Việt Nam đang hứng khởi với WTO, đang “say men tăng trưởng”, tôi đã bày tỏ tâm tư qua bài viết: “Bùng phát kinh tế Việt Nam 2007: Tiềm năng bật dậy hay sự bùng phát nhất thời?”. Phần kết của bài viết là ưu tư như muốn dóng lên “Việt Nam đang đứng trước rất nhiều bất cập (thể chế, quản trị…) và rủi ro (bất ổn vĩ mô) đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững”. Song hiện nay chính là lúc Việt Nam vẫn còn đang dang dở quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và vấp váp nhiều rào cản cải cách cơ cấu. Tôi lại muốn nói về cơ hội, một cơ hội không thể không nắm bắt. Nói cách khác, đây thực sự là thời khắc hệ trọng đối với tiến trình cải cách, phát triển của Việt Nam.

Cơ hội xuất hiện ngay khi ta đã nhận ra cái yếu kém và quan trọng hơn là phải xác định quyết tâm đổi mới một cách mạnh mẽ, thiết thực. Tăng trưởng phải hiệu quả, hài hòa hơn về xã hội và với thiên nhiên. Hơn nữa, và cũng là điều trúng, cái ta muốn thay đổi, về tổng thể, phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ của thời đại và những đòi hỏi mới của những FTA mà chúng ta đang tham gia đàm phán như TPP, RCEP, VN-EU FTA. Đặc biệt đây cũng là giai đoạn “dân số đang vàng”, tầng lớp trung lưu mở rộng, điều rất đáng quý cho sự phát triển đất nước.

Thách thức là vô cùng to lớn. Nguồn lực hạn chế. Đòi hỏi xã hội rất cao. Quyết tâm và ý chí chính trị là chưa đủ. Để tạo dựng lại lòng tin xã hội và thị trường, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất. Cùng với đó, trong một xã hội ngày càng đòi hỏi và đa dạng, thì cách thức tương tác, giao diện giữa nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường càng cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn.