Năm 2015 còn 289 doanh nghiệp phải cổ phần hóa

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) xung quanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi thời hạn kết thúc không còn xa.

Năm 2015 còn 289 doanh nghiệp phải cổ phần hóa  - Ảnh 1
Ông Đặng Quyết Tiến
Phóng viên: Chỉ còn 9 tháng nữa, mục tiêu cổ phần hóa (CPH) 432 DN của giai đoạn 2014-2015 sẽ kết thúc, thưa ông đến thời điểm này tiến trình đó đã triển khai đến đâu? Liệu các bộ ngành và địa phương có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra?
 
Ông Đặng Quyết Tiến: Năm 2014, kết quả tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là CPH, thoái vốn Nhà nước đã có chuyển biến vượt bậc so với những năm trước. Theo báo cáo hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó CPH 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Như vậy, trong số 432 DN (giai đoạn 2014-2015) thì năm 2015 còn 289 DN phải tiếp tục CPH. Kết quả như vậy là rất tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, song nếu so với cả giai đoạn thì việc thực hiện còn chậm. 
 
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là, hết năm 2015 phải thực hiện CPH xong 432 DN do vậy các bộ, ngành hiện nay đang quyết liệt thực hiện. Ngay cả với những trường hợp không CPH được do vướng mắc về tài chính, tìm đổ đông chiến lược, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra giải pháp là yêu cầu các DN phải chuyển sang mô hình công ty cổ phần, sau đó sẽ tiến hành xử lý, minh bạch thông tin, tìm cổ đông. Giải pháp này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). 
 
Theo ông, có khi nào xảy ra tình trạng do áp lực về thời gian nên việc xác định giá trị DN sẽ thấp không, bởi thực tế là năm 2014 một trong những lý do khiến quá trình CPH diễn ra chậm là do việc định giá quá cao? 
 
Vấn đề định giá DN gắn liền với chất lượng của cơ quan tư vấn. Hiện, tất cả các quy định về thông lệ định giá và các nguyên tắc, phương pháp thẩm định giá theo thị trường đều đã có, quan trọng nhất là người thực hiện, phải tính đúng, tính đủ giá trị và phải đảm bảo có cơ sở xác minh, xác thực. 
 
Do vậy, ngoài bản thân các công ty thẩm định giá phải nâng cao chất lượng hoạt động thì các đơn vị khi tiến hành CPH cũng phải đặt ra yêu cầu cụ thể. Đơn cử như việc đánh giá tài sản phải theo đúng thị trường, trường hợp không thể tính được giá trị DN ban quản trị hoặc chủ sở hữu sẽ thông qua ban quản trị để quyết định. Tuy nhiên, việc tính đúng, đủ chỉ là yếu tố ban đầu, còn khi đã IPO thì DN phải tuân theo Luật Chứng khoán, tức là giá thực mới là giá trị của DN. Điều đó có nghĩa là, định giá chỉ là nền còn thị trường mới là yếu tố quyết định, nhưng thị trường đó phải minh bạch, không “đi đêm”, bắt tay nhau. Do đó, các sở giao dịch chứng khoán có vai trò quan trọng, họ phải có trách nhiệm với nhà đầu tư về thông tin của các DN niêm yết. 
 
Mặt khác, đây cũng là cảnh báo để Bộ Tài chính đưa ra giải pháp đảm bảo tài sản, tiền của Nhà nước không bị bán rẻ. Vì vậy, không phải DNNN nào cũng có thể CPH nhanh được mà phải có bước đi thận trọng, trong trường hợp nào đó phải chấp nhận chậm lại. Đồng nghĩa với việc sẽ để các DN đó chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trước, sau đó sẽ tiến hành CPH, IPO để có thời gian rà soát lại để củng cố, tìm cổ đông chiến lược tốt hơn. Chỉ những DN nào đủ điều kiện cần thiết mới CPH. 
 
Để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ CPH đã được Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính có những giải pháp hỗ trợ gì, thưa ông?
 
Về thể chế, Bộ Tài chính đã ban hành khá đầy đủ các quy định. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Ban đổi mới DN tiến hành đôn đốc các DN sắp xếp lại danh mục và tiến tới xây dựng các danh mục sau CPH năm 2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các cán bộ chuyên gia kịp thời xử lý vướng mắc của DN, đặc biệt là các DN lớn. 
 
Về động thái thúc đẩy CPH, phía Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự thủ tục đấu giá, tiến tới đề xuất sửa Nghị định 58, mở room cho nhà đầu tư nước ngài. Cùng lúc, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản, rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo tiến độ IPO cho các DN được nhanh hơn và quan trọng nhất, là đảm bảo chất lượng hàng hóa ra thị trường tốt hơn. 
 
Có thể nói, về cơ bản các giải pháp cho CPH đã có, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện, trong đó người đứng đầu DN phải thấy được trách nhiệm của mình về việc CPH. Mục tiêu Chính phủ đặt ra sau khi CPH là các DN phải gắn với thị trường, phải thay đổi về chất. Muốn vậy, đòi hỏi người điều hành phải đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản trị DN. Nếu người đứng đầu quyết liệt triển khai thì mục tiêu và nhiệm vụ CPH năm nay sẽ thành công. 
 
Xin cảm ơn ông!