Năm 2016: Tận dụng cơ hội, vượt lên thách thức

Theo daibieunhandan.vn

Theo mục tiêu của kinh tế Việt Nam năm 2016 đã được Quốc hội thông qua, vẫn phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3 - 1,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính mà Chính phủ đã đề ra, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế dựa vào tăng năng suất lao động, đóng góp của khoa học - công nghệ, tập trung phát triển doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh, thực chất hơn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là khởi nghiệp doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng, sức cạnh tranh cao để hướng tới xuất khẩu khá quan trọng, trong đó chú ý phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đồng thời hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN tập trung vào vai trò tạo dựng thể chế, luật pháp môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh, bảo đảm dân chủ.

Còn theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2016, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành tiền tệ của đất nước. Để kiểm soát được lạm phát, phải đề ra những biện pháp kịp thời, nhanh nhạy, phù hợp với những diễn biến của kinh tế thế giới cũng như những vấn đề phát sinh của kinh tế Việt Nam. “NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức mà Quốc hội đã thông qua là dưới 5% cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay và nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm thêm để hỗ trợ cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững sự ổn định của thị trường ngoại tệ, ổn định tỷ giá; kiểm soát tốt, bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng lành mạnh hơn, vững chắc hơn, có thể chống chọi được những tác động bất lợi từ bên ngoài cũng như từ nội tại nền kinh tế”, ông Bình cho biết.

Thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài

Phân tích những thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, muốn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu 10% năm 2016, trước hết phải tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.Theo đó, chỉ khi sản xuất được mở rộng thì mới có thêm nhiều hàng hóa để phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, phải tận dụng được ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, tìm mọi biện pháp để giảm thiểu những tác động bất lợi cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn trong tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường.

Chia sẻ về chính sách phát triển các thị trường vốn trong và ngoài nước sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam 2015 là một điểm sáng trong khu vực về thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp. Cả năm, thị trường tăng 6,1% trong khi thị trường tại Mỹ giảm 2,23%; tại Anh giảm 2,3%; tại Australia giảm 2,1%; tại Ấn Độ, Malaysia giảm 5%; Indonesia, Thái Lan giảm gần 15%...

Quy mô thị trường vốn hóa năm qua cũng chiếm tới 34,5% GDP, tăng 17% so với năm 2014. Nếu tính cả thị trường trái phiếu thì quy mô lên tới 57% GDP. Đây là quy mô tương đối lớn. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán 299 nghìn tỷ đồng, chiếm 98% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy vậy, theo vị “tư lệnh” của ngành tài chính thì năm 2016, thị trường chứng khoán dễ bị tổn thương bởi tác động của kinh tế tài chính thế giới, đặc biệt là thị trường tiền tệ.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp phát triển thị trường một cách bền vững và ổn định hơn bao gồm: triển khai các giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài thông qua thực hiện tốt Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; giảm thủ tục và triển khai đăng ký mã số trực tuyến đối với nhà đầu tư nước ngoài; triển khai các chính sách liên quan đến các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện để thu hút các dòng vốn đầu tư.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ quyết tâm tái cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam theo đề án đã được phê duyệt nhằm nâng cao tính minh bạch, tính bền vững và chất lượng của thị trường đồng thời chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tranh thủ cơ hội và hạn chế tiêu cực sau khi gia nhập hiệp định thương mại và đầu tư.

Một chu trình kinh tế mới đang dần hiện ra ngay từ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Với những bài học rút ra từ quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như những bài học cụ thể từ mỗi bộ, ngành, doanh nghiệp... chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.