Năm 2019: Gỡ “nút thắt” của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%

PV. (Tổng hợp)

Năm 2019, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,8%. Đây cũng là mức dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Việt Nam mà một số tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đã đưa ra trước đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 24/5/2018 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2019, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2019 cho phù hợp.

Trước đó, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) vừa được công bố, IMF cũng đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 và 6,5% trong năm 2019. Ở góc nhìn lạc quan hơn, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt mức 6,8%.

Trước đó, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) vừa được công bố, IMF cũng đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2019. Ở góc nhìn lạc quan hơn, theo đánh giá của ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt mức 6,8%.

Theo một số ý kiến chuyên gia, việc Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng cao này là có thể do GDP quý I năm 2018 đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua với mức 7,38%, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng mạnh, hơn 4%, gấp đôi cùng kỳ 2017. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng  9,7%  so với cùng kỳ, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo tăng rất mạnh, đạt gần 14%. Mức tăng trưởng cao trong quý I/2018 đang tạo niềm tin để có thể đạt mức 6,7% -6,8% trong cả năm 2018. Thậm chí, theo đánh giá của ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 còn có thể đạt mức 7,1%.
Những dự báo tăng trưởng ở mức cao này cũng không phải không có cơ sở khi mà sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua đã và đang tạo niềm tin và lạc quan cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia quốc tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nông nghiệp cải thiện cũng sẽ là động lực tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, việc duy trì được đà tăng trưởng là thách thức lớn đối với Việt Nam. 

Bởi hiện nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nút thắt của nền kinh tế như: Tăng trưởng chưa nhanh và bền vững, năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hoá dân số, nguy cơ "chưa giàu đã già" và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh…
Theo ADB, để duy trì và phát triển bền vững, cần sự đóng góp của tất cả các ngành kinh tế và cần thu hẹp khoảng cách về kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động, vốn là nhân tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tăng trưởng.
Việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển... vẫn là những giải pháp cần tiếp tục được triển khai đồng bộ bởi đây chính là động tăng trưởng chính cho tăng trưởng kinh tế.