Năm 2019, tỉnh Lạng Sơn có 42,011 tỷ đồng để quản lý, bảo trì đường địa phương


Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về việc xem xét phân bổ bổ sung từ nguồn kinh phí chi hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương năm 2018 cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện sửa chữa các tuyến trong nội bộ cửa khẩu Tân Thanh.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ xem xét phân bổ bổ sung từ nguồn kinh phí chi hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương năm 2018 cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện sửa chữa các tuyến trong nội bộ cửa khẩu Tân Thanh với quy mô cải tạo, sửa chữa hệ thống rãnh thoát nước, thảm mặt đường bê tông nhựa, sơn vạch kẻ đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, Luật Giao thông đường bộ; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB); Thông tư số 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, Bảo trì đường bộ đã quy định cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp tuyến đường trong nội bộ cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn thuộc tuyến, đoạn tuyến quốc lộ: Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, bảo trì; kinh phí quản lý, bảo trì được sử dụng từ Quỹ BTĐB trung ương.

Thứ hai, trường hợp tuyến đường trong nội bộ cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn thuộc đường địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã): Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm quản lý, bảo trì; kinh phí quản lý, bảo trì được sử dụng từ Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Lạng Sơn.

Thứ ba, trường hợp tuyến đường trong nội bộ cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn là đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

Theo đó, căn cứ tính chất của tuyến đường nội bộ trong cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn, trách nhiệm quản lý, bảo trì và cân đối nguồn kinh phí thực hiện quản lý, bảo trì tuyến đường này thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về nguồn kinh phí đảm bảo công tác quản lý, bảo trì đường địa phương của tỉnh Lạng Sơn; Việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường địa phương do tỉnh Lạng Sơn quản lý do địa phương tự bố trí theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương thực hiện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tỉnh Lạng Sơn từ nguồn phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (35% phí sử dụng đường bộ các địa phương được hưởng); Trong đó, Năm 2018, kinh phí đã giao tại Quyết định số 1916/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là 11,334 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16080/BTC-HCSN ngày 24/12/2018 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung cho các địa phương, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Về Dự toán năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 73/2018/NQ-QH ngày 14/11/2018, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV  về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2231/QĐ-BTC ngày 23/11/2018 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó đã giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì đường địa phương của tỉnh Lạng Sơn là 42,011 tỷ đồng.