Năm 2019, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp ước đạt 8,86%


Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, ngành Công nghiệp duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với năm trước đạt 8,86%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Năm 2019, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,86%.
Năm 2019, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,86%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2019 ước tính tăng 8,86%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp ước tính tăng 8,86% so với năm trước (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,42%; quý IV tăng 7,29%).

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của toàn ngành với mức tăng 11,29% (quý I tăng 11,52%; quý II tăng 10,9%; quý III tăng 11,96%; quý IV tăng 10,86%), đóng góp 2,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,14%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm...

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) năm 2019 tăng 7,6% so với năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 10,1% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 10,2% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 10,1%).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp ước tính tăng 8,86% so với năm trước (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,42%; quý IV tăng 7,29%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2019 tăng cao so với năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành Công nghiệp. Cụ thể, sản xuất kim loại tăng 28,6%, khai thác quặng kim loại tăng 25,9%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,3%...

Trong khi đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 6,6%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,5%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 6,1%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 1,9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 0,6%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với năm trước (năm 2018 tăng 12,4%). Trong đó, chỉ tính riêng tháng 12/2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2019 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong năm qua, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất kim loại tăng 22,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,4%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,4%; sản xuất đồ uống tăng 10,7%...

Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm, có thể kể ra như: Sản xuất trang phục tăng 6,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 5,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 5,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,3%, sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 7,8%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 16%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 13,6%

Con số ước tính của Tổng cục Thống kê tại thời điểm 31/12/2019 cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 14,1%).

Trong đó, có thể thấy một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 52,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 24,6%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 19,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,9%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 21,3%; sản xuất đồ uống tăng 21,9%; dệt tăng 47,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 47,8%; sản xuất kim loại tăng 48,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 77,2%...

Năm 2019, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân đạt 8,8% (năm 2018 là 64,4%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 89,9%; sản xuất, chế biến thực phẩm 81,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế 75,8%; sản xuất thiết bị điện 67,6%...

Để ngành công nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025”. Chương trình này đề ra mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%, năng suất trong ngành công nghiệp tăng bình quân từ 6-7%, một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện được các mục tiêu này, tới đây cần tiếp tục thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong cách ngành công nghiệp. Theo đó, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho ngành công nghiệp: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, tăng giá trị xuất khẩu. Chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước...