Năm APEC 2017: Nơi gặp gỡ của những “người khổng lồ”

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức diễn ra trong các ngày từ 6-11/11/2017, tại TP. Đà Nẵng, với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và hơn 10.000 đại biểu trong nước, quốc tế.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các hoạt động của doanh nghiệp (DN) luôn chiếm vị trí quan trọng và Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC 2017 (CEO Summit 2017) tại Đà Nẵng lần này là sự kiện lớn nhất của cộng đồng DN quốc tế và Việt Nam từ trước tới nay với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thế giới. Dự kiến sẽ có tới 3.000 đại biểu tham dự Hội nghị.

Bàn thảo hàng loạt vấn đề toàn cầu nóng bỏng

Những biến đổi mạnh mẽ gần đây của tình hình thế giới đã tạo nên bối cảnh rất đặc biệt của Tuần lễ Cấp cao APEC lần này. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo khu vực trung tâm của khởi nghiệp và cái nôi của toàn cầu hoá sẽ trở thành nơi gặp gỡ của “những người khổng lồ”, nơi chụm đầu của của các “thinktank”!

Như thông báo của Nhà Trắng, trong bài phát biểu quan trọng với cộng đồng kinh doanh tại Hội nghị CEO Summit 2017, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, nhấn mạnh vai trò của khu vực trong thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế Mỹ.

Thế giới cũng trông đợi sẽ được nghe tại đây những thông điệp mới của các nhà lãnh đạo vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cả những nhà lãnh đạo lần đầu đắc cử như tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…

Hàng loạt vấn đề toàn cầu nóng bỏng cùng nhiều đề xuất, sáng kiến lớn sẽ được thảo luận trong chương trình chính thức và bên lề Tuần lễ cấp cao lần này như: Việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; tương lai của TPP; tầm nhìn sau 2020 của APEC; sáng kiến “vành đai-con đường” của Trung Quốc… 

Nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và cải cách thể chế trong nước sẽ là 3 động cơ phát triển chính cho Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với bối cảnh trên, những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế, bởi những chủ đề này không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại và đều là những vấn đề mang tính “sống còn” của Việt Nam, là trọng tâm chính sách Nhà nước Việt Nam. Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng xoay quanh 4 chủ đề này.

Triển vọng về sáng tạo và bao trùm

Phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm không chỉ là mong muốn, mà là một khả năng thực tiễn. Với Việt Nam, trên nền tảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, từng người nông dân có thể tiếp cận trực tiếp, cung cấp nông sản cho từng người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật Bản…

Nhìn rộng ra toàn cầu, khác hẳn với trước đây khi “cuộc chơi” chỉ do một số đế chế kinh doanh khổng lồ, các doanh nghiệp lớn làm chủ, ngày nay, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không chịu đứng bên lề mà sẽ trở thành những chủ thể của kinh tế toàn cầu. Những “giọt nước” nhỏ nhưng với số lượng khổng lồ sẽ trở thành một đại dương ẩn chứa tiềm năng sáng tạo vô tận và trở thành động lực chính của sự phát triển toàn cầu.

Thay vì tham gia vào các chuỗi giá trị do các “ông lớn” dẫn dắt một cách thụ động, phụ thuộc, các doanh nghiệp nhỏ ngày nay có thể chủ động quyết định vận mệnh của chính mình với vai trò ông chủ. Trong bối cảnh đó, các Chính phủ cần tạo nền tảng, môi trường cho các doanh nghiệp này kết nối với nhau và kết nối với thị trường, đây cũng là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo.

Mặt khác, phương thức giao dịch như vậy còn giúp tăng cường kết nối trực tiếp giữa con người với con người, tức là một quá trình kinh doanh thú vị hơn và nhân văn hơn. Chính vì lý do này, với vai trò quốc gia chủ trì, Việt Nam đã đề xuất chủ đề bao trùm cho năm APEC và Tuần lễ Cấp cao lần này là “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bao trùm. Các nhà lãnh đạo APEC đều nhất trí rằng tăng trưởng bao trùm cần phải là trọng tâm thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh lần này.

Quá trình toàn cầu hóa tất nhiên tiếp tục tiến lên phía trước nhưng rõ ràng quá trình ấy phải định hình lại để không gây tổn thương cho các đối tượng yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau và không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới trở nên bất định, công nghệ thông tin và thương mại điện tử bùng nổ, chúng ta có thể kỳ vọng các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động lực mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế thế giới, kinh tế số. Đây là những “tài nguyên” lớn nhất chưa được phát động, với khả năng thích ứng cao như là một đặc tính ưu việt của phụ nữ và những doanh nghiệp nhỏ.

Nhìn tổng thể, với vị trí của Việt Nam như một điểm giao hòa của các xu hướng và có khả năng kết nối các nền kinh tế hàng đầu và chúng ta kỳ vọng Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ trở thành một cuộc đối thoại Đông-Tây. Một cuộc đối thoại giữa các nền văn minh trên bờ biển Đông, với niềm tin rằng trên nền tảng tôn trọng các ý kiến khác nhau, các nền kinh tế có thể tìm ra tiếng nói chung.