Năm động lực tích cực từ APEC

Theo TS. Nguyễn Minh Phong/nhandan.com.vn

Chính thức tham gia APEC từ 14/11/1998, Việt Nam đã và đang đóng góp hàng chục sáng kiến cho các lĩnh vực hợp tác khác nhau của APEC.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch Năm APEC 2017 theo chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với tư cách nước chủ nhà, với những động lực nổi bật sau:

Ðộng lực phát triển từ APEC trước hết đến từ việc quán triệt các nguyên tắc hợp tác đối thoại cởi mở, đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi, dành ưu đãi chậm hơn 10 năm và hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong hoạt động của APEC.

Trên cơ sở đó, Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước thành viên chủ động và tích cực khai thác các động lực liên kết doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bogo vào năm 2020 và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo; thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ; phát triển con người và nâng cao năng lực thể chế, đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển; hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thật sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tại các nền kinh tế APEC.

Ðộng lực mạnh mẽ từ APEC tỏa ra từ xu hướng tăng cường hợp tác nội khối trong cộng đồng.

Thành lập từ năm 1989, hoạt động hợp tác nội khối ngày càng tăng về quy mô, đa dạng về hình thức và lan rộng về phạm vi, trong những khuôn khổ thể chế ngày càng chặt chẽ hơn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng cả trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, ngân sách, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, xúc tiến thương mại, vận tải và thông tin viễn thông, nghề cá và năng lượng, cũng như trong khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, cũng như trong quản lý cải cách cơ cấu, quy chế và tiêu chuẩn hóa, dịch chuyển thuận lợi và tự do con người, dịch vụ, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác.

Ðộng lực mạnh mẽ từ APEC còn được quy định bởi sự hội tụ trong cộng đồng này các đối tác toàn diện và chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam.

APEC là nguồn động lực, cơ hội kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, bởi APEC hiện chiếm 40% dân số, gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu; đặc biệt, chiếm 78% FDI, 75% kim ngạch thương mại, 79% du khách quốc tế và 80% du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Trong APEC có tất cả các đối tác hàng đầu, từ nước là nguồn cung cấp ODA lớn nhất (Nhật Bản); nguồn cung cấp FDI lớn nhất (Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất (Hoa Kỳ) và cả thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (Trung Quốc và Hàn Quốc)...

Ðộng lực từ APEC còn được kết tinh và lan tỏa từ quá trình triển khai các cam kết hội nhập trong APEC và khu vực, góp phần trực tiếp và gián tiếp cải thiện các cơ hội và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Quá trình tham gia APEC cũng là quá trình Việt Nam “cọ xát” và ngày càng hoàn thiện thể chế, góp phần củng cố vị thế quốc tế và môi trường đối ngoại hòa bình, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh và thị trường. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 185 nước và quan hệ kinh tế-thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; trong đó có trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; 65 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ngoài WTO, Việt Nam đã ký 11 FTA, kết thúc đàm phán FTA với EU và đang đàm phán 6 FTA khác; qua đó, thiết lập quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20. Ðặc biệt, có tới 13 thành viên APEC đang là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, trong tổng số 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trên thế giới.

Ðộng lực từ APEC 2017 còn đến từ cơ hội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại những sự kiện mà Việt Nam chủ trì.

Với sự có mặt tại Việt Nam của hàng chục nghìn người, bao gồm các lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp và phóng viên, hãng truyền thông hàng đầu thế giới, APEC 2017 là sự hội tụ đỉnh cao và cơ hội “vàng” cho các hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin thị trường, môi trường và chính sách kinh doanh, củng cố hình ảnh một nước Việt Nam năng động, cởi mở, mến khách. Với các chính sách thông thoáng về thương mại, đầu tư ngày càng phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp Việt kết nối và phát triển chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài APEC, tăng thêm lòng tin và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam... giúp đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho quá trình hội nhập và phát triển bền vững.