Năm tới, sẽ chuyển biến tốt về nợ xấu

Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)

Tại phiên chất vấn ngày 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình được nhiều đại biểu Quốc hội hỏi về vấn đề nợ xấu, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Năm tới, sẽ chuyển biến tốt về nợ xấu

Chất vấn của đại biểu Quốc hội “xoáy” vào nguyên nhân, những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, trách nhiệm của Thống đốc, của lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu; việc có hay không lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng khi xảy ra nợ xấu....

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định lại số liệu nợ xấu do NHNN đưa ra tính đến ngày 30/9 là 8,82%, thời gian qua đã giải quyết được một phần nợ xấu nhưng “nguy hiểm hơn” chính là tốc độ tăng nợ xấu đang ở mức cao.

“Năm 2008 nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010 tăng khoảng 41%, đến năm 2011 tăng 64% và từ đầu năm đến nay qua 10 tháng nợ xấu tăng khoảng 66%”, Thống đốc cho hay.

Xử lý khoảng 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Trả lời chất vấn về nguyên nhân gây ra nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích 5 nhóm nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân tại các tổ chức tín dụng cho vay vốn; nguyên nhân tại chính các doanh nghiệp đi vay vốn; nguyên nhân về cơ chế chính sách trong đó có cả cơ chế chính sách vĩ mô lẫn cơ chế chính sách phát triển ngành; nguyên nhân do môi trường điều kiện trong và ngoài nước trong từng thời kỳ và cuối cùng là công tác thanh tra giám sát chưa được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

“Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trước tiên và trách nhiệm lớn nhất”, Thống đốc khẳng định.

Về phía Ngân hàng nhà nước, Thống đốc thừa nhận có trách nhiệm về tham mưu, ban hành cơ chế chính sách và thực hiện hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội); Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về xử lý các ngân hàng thương mại gây nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, khi đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, NHNN đã phát hiện chất lượng tín dụng “rất nguy hiểm” ở nhiều tổ chức tín dụng, chủ yếu là tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ.

“Có những tổ chức tín dụng báo cáo với chúng tôi nợ xấu chỉ khoảng 1, 2% hoặc tổ chức tín dụng nào rõ ràng nhất chỉ hơn 3%, nhưng khi thanh tra, giám sát và làm kiên quyết thì có những tổ chức tín dụng nợ xấu lên đến vài chục phần trăm” Thống đốc nói.

NHNN đã kiên quyết yêu cầu các tổ chức tín dụng này phải chấp hành đúng quy định về trích lập dự phòng rủi ro.

“Vì phải trích lập nhiều rủi ro nên không có lợi nhuận, thậm chí phải sử dụng vốn điều lệ và vốn tự có để đi xóa nợ, nếu ảnh hưởng đến vốn điều lệ thì nhất định các cổ đông đó phải bán tài sản hoặc các biện pháp khác để đảm bảo hồi phục lại tình hình tài chính lành mạnh”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay riêng trích lập dự phòng rủi ro mới của các tổ chức tín dụng đã tăng lên khoảng 14 nghìn tỷ đổng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro còn đến thời điểm hiện nay, kể cả trích lập dự phòng chung lẫn trích lập dự phòng riêng, xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của chính bản thân các tổ chức tín dụng.

Rà soát từng doanh nghiệp để gỡ khó về vốn

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định ngân hàng luôn mong muốn và hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Thống đốc đề nghị cử tri cả nước, đại biểu Quốc hội giúp phát hiện những trường hợp doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng không được vay vốn để NHNN “xử lý ngay”.

Dẫn chứng từ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã làm việc với Ủy ban, phối hợp với Ủy ban xuống từng phường, từng quận, kết hợp 3 bên, doanh nghiệp, ngân hàng và chính quyền địa phương để xem xét từng doanh nghiệp có khó khăn gì, khó khăn với ngân hàng nào…

“Hiệu quả rất cao và NHNN sẽ nhân rộng những kinh nghiệm đó trong các địa phương của cả nước để làm sao có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để giải quyết vấn đề”, Thống đốc nói.

Đưa nợ xấu về mức 3% năm 2015

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhận thức chung của Quốc hội, Chính phủ, NHNN, các Bộ, ngành và mỗi đại biểu về nợ xấu là “nghiêm trọng, có ở các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản”. Cần phải từng bước giải quyết, với mục tiêu năm 2013 phải tạo ra được chuyển biến.

“Thống đốc không bao giờ đơn độc, bên cạnh còn có Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành. Năm 2013 nhiệm vụ là phải tạo được bước chuyển. Phân loại, đánh giá lại nợ xấu, có giải pháp khắc phục khác nhau đối với từng loại nợ. Năm 2015 đưa nợ xấu về mức 3%”, Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị NHNN có các chính sách tiền tệ hài hòa, không để doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, bế tắc, không giải quyết được việc làm; ưu tiên tín dụng vào những lĩnh vực thiết thực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ.

Thanh khoản trong hệ thống, thanh khoản giữa các TCTD phải được đảm bảo, điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu lãi suất phù hợp với lạm phát.