Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 177 (3/2017)

Đây là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Như Nghị quyết 19 đã nêu, tình hình môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới; xếp hạng Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên hợp quốc), Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 6 trong ASEAN.

Thế nhưng, xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì thứ hạng của Việt Nam lại giảm 4 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia; chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu giảm 7 bậc so với năm 2015, thấp hơn nhiều nước ASEAN (Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).

Trong 03 năm qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có bước cải thiện môi trường kinh doanh đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4 (gồm các nền kinh tế: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philipines) thì đòi hỏi Việt Nam phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được các chỉ tiêu trung bình của nhóm nước ASEAN 4, Chính phủ đặt ra một số mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong năm 2017.

Theo đó, nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/ năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối cấp, thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày); tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.

Cùng với đó là tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu về môi trường kinh doanh cũng được đề ra như: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước.

Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Để thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu: Cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến;

Phấn đấu hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ, trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Nghị quyết 19 cũng quy định các nhiệm vụ cụ thể với từng mục tiêu, các chỉ số cụ thể ở phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 19, trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ này. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Tài chính như sau:

Thực hiện ứng dụng CNTT tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế đối với doanh nghiệp;

Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật;

Cụ thể hóa chủ trương định hướng quản lý thuế theo mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, xác định tính hợp lệ của giao dịch kinh tế dựa trên cơ sở giao dịch tiền hàng;

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp;

Ứng dụng CNTT trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành tập trung triển khai thành công các nội dung có liên quan đến bộ, ngành mình thuộc Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, có nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan;

Nâng cấp, hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, thực hiện phân luồng trước khi hàng đến cảng để giải quyết thông quan hoặc giải phóng hàng hóa ngay khi đến cảng;

Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan.

Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện thông quan điện tử tự động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống;

Phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng;

Đẩy nhanh thực hiện xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo Nghị định số 02/2016/ NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.