Nâng cao chất lượng quản lý tại các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong những năm gần đây, dù công tác quản lý nhà nước tại các dự án giao thông nói chung, các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ nói riêng đã có những cải thiện. Song để các công trình được đảm bảo về chất lượng, tiến độ và đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội cao, thì trong quản lý vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Nâng cao chất lượng quản lý tại các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ
Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Nguồn: internet

Thực trạng hiện nay

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ nước ta được phân bố tương đối hợp lý khắp cả nước và đã có bước cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính, gồm: Trục dọc Bắc - Nam (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1); hệ thống quốc lộ hướng tâm (các Quốc lộ 2, 3, 5, 6, 32, 13, 51, 22, xuyên Á...); hệ thống đường vành đai biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (các quốc lộ: 279, 4A, 4B, 14, 14C - giai đoạn 1, N2 - Đức Hòa - Thạnh Hóa, N1 - Châu Đốc - Tịnh Biên); các tuyến quốc lộ nối đến các cửa khẩu quốc tế; các vùng kinh tế trọng điểm...; hệ thống đường cao tốc đang được triển khai xây dựng (Hoàng Cao Liêm, 2013).

Nhiều tuyến đường, cầu lớn đã và đang được nâng cấp, xây dựng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh. Có được kết quả trên, một phần lớn, là do công tác quản lý nhà nước các dự án công trình đường bộ những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải cùng ban quản lý các dự án đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, thi công liên tục kể cả ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ các dự án theo kế hoạch đề ra. Nhiều dự án được đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ, như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành –Dầu Giây…

Thứ hai, nhờ tăng cường chỉ đạo, điều hành nên công tác đầu tư, xây dựng đạt kết quả đáng ghi nhận, nhiều công trình, dự án tiến độ đạt và vượt kế hoạch, như: Đường vành đai 3 (giai đoạn 2) TP. Hà Nội, Đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, Cầu Nhật Tân (gói thầu số 1), Cầu Bến Thủy II, các cầu vượt nhẹ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… Đã từng bước khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đường quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên…

Thứ ba, chất lượng công trình đã được cải thiện rõ rệt, các công trình thực hiện cơ bản đảm bảo yêu cầu chất lượng, các dự án có tồn tại về chất lượng của các năm trước đã được sửa chữa khắc phục, duy trì khai thác ổn định.

Những tồn tại cần được khắc phục

Song bên cạnh những kết quả trên, công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục, đó là:

Một là, khung khổ pháp luật quản lý dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước còn bất cập.

Mặc dù, hiện tại đã có những văn bản điều chỉnh công tác quản lý dự án, như: Nghị định 12/2009/NĐ-CP, ngày 12/02/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định 15/2013/NĐ-CP, ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 112/2009/NĐ-CP, ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Nhưng, nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, khập khiễng giữa các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước. Việc ban hành các nghị định hướng dẫn luật, thông tư hướng dẫn các nghị định còn chậm, chưa kịp thời, tính ổn định thấp, phải bổ sung, thay đổi thường xuyên. Còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản luật, giữa văn bản luật với các nghị định, giữa nghị định với thông tư hướng dẫn.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý các dự án ngoài ngân sách (như dự án PPP, BOT, BT…) hiện nay rất thiếu và nhiều bất cập. Trách nhiệm, quyền hạn giao cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhưng chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng. Chi phí quản lý rất thấp, hoàn toàn không tương xứng.

Hai là, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thất thoát, sai phạm.

Theo kết quả thanh tra Bộ Tài chính năm 2012 tại các dự án, như: Quốc lộ 279, Quốc lộ 32, Đường vành đai biên giới phía Bắc, Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tuyến đường Nam sông Hậu... đã có những sai phạm gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do:

(i) Trình độ năng lực yếu kém của chủ dự án và ban quản lý dự án;

(ii) Chủ đầu tư, từ chủ đầu tư cao nhất là Nhà nước đến các bộ, ngành và chính quyền các cấp, thiếu trách nhiệm thể hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện không đầy đủ và chưa nghiêm túc, lề lối làm việc trong nhiều dự án thiếu khoa học;

(iii) Cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp chồng chéo, trách nhiệm không được quy định rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát sinh tình trạng cục bộ, bản vị và khép kín. Chính sách tài chính thiếu ổn định, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư không thống nhất và thiếu nhất quán;

(iv) Hệ thống văn bản pháp luật từ quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đến đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, quyết toán... thiếu đầy đủ, nội dung không phù hợp với thực tế, thiếu cụ thể, không đồng bộ, hay thay đổi và thiếu chế tài nghiêm minh.

Ba là, công tác quản lý tài chính trong các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ chưa tốt, vì vậy, phát sinh nhiều chi phí gây vượt tổng mức đầu tư.

Chi phí phát sinh thường xảy ra đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ. Thườn là do một số nguyên nhân chính. Cụ thể là: (i) Việc lập dự toán đã không dự tính được đầy đủ các chi phí, có thể do năng lực của người lập dự toán hoặc do không có đủ cơ sở dữ liệu cho việc tính toán; (ii) Chi phí đầu vào gia tăng, có thể do nhà cung cấp tăng giá bán hoặc do tình hình lạm phát, mất giá đồng tiền; (iii)  Thiết kế dự án bị thay đổi; (iv) Có những công việc mới phát sinh không được lường trước trong dự toán.

Bốn là, công tác quản lý tiến độ dự án chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến đầu tư dàn trải, dự án kéo dài.

Dự án bị kéo dài có thể ở khâu xây dựng hoặc khâu thực hiện, hoặc cả hai. Các nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài dự án, được xếp theo thứ tự quan trọng giảm dần như sau: Nhà thầu thiếu sự đốc thúc, giám sát chặt chẽ ngay tại công trình. Thậm chí, một số chủ đầu tư chưa cương quyết xử lý các nhà thầu thực hiện chậm tiến độ (như dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng); Phải thay đổi thiết kế dự án; Thiết kế dự án đưa ra một thời hạn thiếu thực tế; Cấp phát vốn không theo kế hoạch; Nguồn nguyên liệu đầu vào bị thiếu; Sơ suất trong thi công; Trao đổi thông tin giữa các bên liên quan không thông suốt; Công việc mới phát sinh; Thiếu lao động có tay nghề; Thời tiết xấu.

Năm là, tham nhũng làm giảm hiệu quả quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các dự án trên 2 phương diện.

Đó là: (i) Làm giảm hiệu quả phân bổ trong quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chuyển nguồn lực từ các khu vực có lợi sang những khu vực không có lợi, qua đó làm giảm hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và tổng vốn đầu tư cả nước; (ii) Gây tăng chi phí đầu tư: tham nhũng thường gắn với các khoản hối lộ, khi các khoản này được tính vào chi phí đầu tư nó sẽ làm tăng giá thành đầu ra.

Một số đề xuất

Để phần nào khắc phục những tồn tại trên, đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng quản lý tại các dự án, theo chúng tôi, trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý. Cần tiếp tục nghiên cứu đồng bộ hóa hệ thống pháp luật (đặc biệt là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ðấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ðất đai; Luật Ngân sách nhà nước, ban hành Luật Ðầu tư công) về phân cấp, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, đầu tư xây dựng công trình đường bộ nói riêng. Kiên quyết không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư không phù hợp; Chuyển đổi hình thức đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn; Phân quyền, phân cấp quản lý đi kèm với phân cấp trách nhiệm... cần phải được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong Luật Xây dựng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu về quản lý dự án, ai có sai phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với các dự án BOT, BT… dù là ngoài ngân sách cũng cần phải được quản lý chặt chẽ, theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ những bất cập trong quản lý dự án. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đảm bảo thống nhất, dễ áp dụng, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trong quá trình quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Thứ hai, đảm bảo quy hoạch đầu tư: Quy hoạch đầu tư là nội dung hết sức quan trọng, nhằm xác định lĩnh vực cần đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư…; đảm bảo mối liên kết giữa các dự án đầu tư và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Quy hoạch cũng cần xác định rõ kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở đó phân định lĩnh vực đầu tư thuộc phần vốn nhà nước (trong đó có vốn ngân sách và các nguồn vốn khác). Từ đó, có cơ sở hướng các nguồn lực bên ngoài vào các lĩnh vực cần ưu tiên. Đồng thời, hỗ trợ công tác quản lý tài chính công nói chung trong việc cân đối giữa các cam kết và nguồn lực trong dài hạn. Thiết lập một khung khổ cho việc chuẩn bị, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý vốn đầu tư. Cụ thể:

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý vốn đầu tư cả trong và ngoài ngân sách nhà nước, thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, về các kỹ thuật và quy trình quản lý vốn, quản lý dự án, quản lý ngân sách.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư phát triển, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng công trình. Xây dựng tiêu chí phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; phân cấp quản lý và công tác kế hoạch vốn đầu tư phù hợp; thực hiện tốt công tác đánh giá đầu tư (đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và tác động).

Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý sau đầu tư một cách hiệu quả, bền vững, phù hợp với từng loại công trình; xây dựng điều chỉnh, bổ sung bộ đơn giá xây dựng theo từng khu vực, địa phương để tham khảo áp dụng vào điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh hợp đồng xây dựng.

Tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về đầu tư từ ngân sách nhà nước. Sớm hoàn thành việc rà soát, phân loại đối với những dự án, công trình đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, nhưng thiếu vốn để tiếp tục triển khai và những dự án đã quyết định đầu tư chưa được bố trí vốn; Đề xuất và quyết định biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng dự án, như: chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc tạm dừng thực hiện đến khi có điều kiện cân đối, bố trí vốn, thì phải có biện pháp bảo toàn giá trị công trình dở dang…

Giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ban hành quy định trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm cụ thể cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu và thi công.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2003). Luật Xây dựng, số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003

2. Nguyễn Hồng Minh (2008). Quản lý dự án đầu tư (tái bản lần 3), Nxb Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội

3. Hoàng Cao Liêm (2013). Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ: Vốn ở đâu?, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13/2013