Nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu

Theo kinhtevn.com.vn

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa trong quý I đã tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ, cao hơn rất nhiều so với dự kiến. Tuy vậy, mức tăng của hàng hóa XK vẫn dựa nhiều vào lượng chứ chưa thực sự do thương hiệu hay giá trị. Đó là điều cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn thiếu thương hiệu hàng hóa xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, bước vào quý đầu tiên của năm 2017, kim ngạch XK tăng trưởng cao hơn dự kiến. Cụ thể, tháng 3, kim ngạch XK cả nước đạt 17,25 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng, kim ngạch XK đạt 44,6 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, kết thúc quý I, tăng trưởng kim ngạch XK đã cao hơn gấp đôi so với con số Quốc hội giao cho Bộ Công Thương (tăng từ 6-7%). Đặc biệt, tăng trưởng kim ngạch XK trong những quý tiếp theo dự kiến sẽ còn cao hơn bởi đó mới là thời điểm nhu cầu hàng hóa trên thị trường tăng cao.

Trong vài năm trở lại đây, kim ngạch XK của Việt Nam tăng khá nhanh, liên tục đạt tốc độ trên dưới 10%/năm và đã đạt mốc 176 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch XK đang chủ yếu dựa vào lượng chứ không phải do thương hiệu, giá trị gia tăng của hàng hóa khá thấp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương:

Chính phủ đang hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả nhất các hiệp định thương mại tự do thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…. Tuy vậy, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ, định hướng, còn doanh nghiệp phải tự tìm hiểu xây dựng chiến lược riêng để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu...”.

Đơn cử, nước ta là nước XK cà phê hàng đầu thế giới nhưng cà phê Việt XK ra nước ngoài chỉ được bán với giá vài USD/kg. Trong khi đó, qua bàn tay chế biến của các doanh nghiệp tại các thị trường XK, giá cà phê có thể được tăng lên đến mức 200 USD/kg, gấp hàng trăm lần giá trị XK của cà phê Việt. Đây cũng là thực trạng xảy ra với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam như hạt điều, hồ tiêu….

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam còn gặp phải các vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng khiến hàng hóa Việt chưa được đánh giá cao trên thị trường. Thiếu thương hiệu cũng khiến hàng hóa dễ rơi vào tình trạng được mùa, mất giá. Một số ngành hàng lại khan hiếm nguyên liệu như điều, khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc vào thị trường.

Hoặc với vấn đề chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK, dù hiện nay cơ cấu các mặt hàng đã thay đổi lớn, mặt hàng công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị XK nhưng hàm lượng chế biến không được sâu. Trong khi đó, đây là khâu mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất.

Sản phẩm công nghiệp của ta hiện nay chủ yếu là gia công, tức là nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ nước ngoài về và lắp ráp, khâu vá hoàn thiện để đưa ra sản phẩm. Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chia sẻ: “Chúng ta cũng tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu như giầy dép, điện thoại, nhưng chủ yếu ở những phần giá trị rất thấp”.

Nỗ lực nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu

Ông Trần Thanh Hải cho hay, mục tiêu của hoạt động XK là hướng tới tăng trưởng chiều sâu, phát triển bền vững chứ không đơn thuần tăng trưởng về số lượng. Để làm được điều này, yếu tố cốt lõi là phải có nội lực tốt. Nội lực ở đây chính là năng lực của doanh nghiệp, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đổi mới quản trị, công nghệ, theo kịp các nước khác.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, thời gian qua, Vinatex nói riêng và toàn ngành dệt may nói chung đã phát triển đúng định hướng là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng XK. Bằng việc đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được cải thiện rất rõ. Nếu so với hơn chục năm về trước, đến năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã tăng lên hơn 50%.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn TH đã có kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm XK ngay từ ngày đầu tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Đến nay, các dự án của TH đều áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất: Tiêu chuẩn ISO 9001-2015, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn trồng trọt VietGAP, Global GAP, Organic…. Từ đó, các sản phẩm của TH không những chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước mà còn thành công khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Những minh chứng trên cho thấy, nếu kiên định với mục tiêu nâng cao giá trị XK, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thành công. Tại Diễn đàn Xuất khẩu Việt Nam 2016 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư cao, việc đầu tư từ đầu vào đến đầu ra khó khăn, mỗi doanh nghiệp có thể tham gia vào 1-2 khâu, nhưng phải nắm chắc mình có thể làm được gì và sẽ thay đổi được gì.

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, doanh nghiệp cứ làm những gì mình đang làm nhưng nâng cao năng suất lên. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi cách quản lý thì năng suất đã tăng 10-15%.

Ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ thêm, riêng khâu thương mại là rất cần thiết và phải được đặc biệt quan tâm. Nếu làm ra nhiều sản phẩm nhưng không nắm được thị trường tiêu thụ thì chúng ta luôn luôn phải bán rẻ.

Do đó, phải cải cách hệ thống thương mại, không thể bằng lòng với thương mại nhỏ lẻ, gây tổn thất lớn cho người nông dân, lợi ích của người tiêu dùng. Phải cải cách mạnh về thương mại, tạo nên những tập đoàn thương mại lớn, nếu có được thương hiệu thì doanh nghiệp mới có đất sống, mới làm ăn được.