Nâng cao hiệu quả đầu tư công để giảm nghèo ở Việt Nam

ThS. Hà Thị Tuyết Minh

Trong thời gian qua, đầu tư công đã thể hiện vai trò tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả về giảm nghèo ở Việt Nam mới chỉ thể hiện rõ nét sự thay đổi về mặt lượng, chưa có sự đột phá, thay đổi căn bản về chất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Các năm sau đó, tỷ lệ này đều giảm dần: Năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012 giảm còn 9,6%; năm 2013 giảm còn 7,8%; năm 2014 giảm còn 5,97%. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%. Như vậy, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt hiệu quả. Có được điều này một phần không nhỏ do sự tác động của đầu tư công.

Tác động của đầu tư công đến giảm nghèo ở Việt Nam

Tác động của đầu tư công đối với giảm nghèo được thể hiện rõ nét nhất trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ở Việt Nam, phần lớn hộ nghèo sống trong khu vực nông thôn với công việc chính là sản xuất nông nghiệp. Đầu tư công trực tiếp làm tăng thu nhập cho người nông dân thông qua tăng năng suất sản xuất nông nghiệp. Và khi năng suất lao động tăng đồng nghĩa với việc người lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ có mức lương cao hơn, góp phần giảm nghèo.

Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư công giúp cơ sở hạ tầng, giao thông tốt hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn.

Năng lực của các hệ thống hạ tầng thủy lợi được nâng cao hơn đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.

Đầu tư công cho xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người nghèo thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận và được hưởng dịch vụ phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa…); cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn nghèo, khó khăn; nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng đối với người nghèo và thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ thích nghi được với kinh tế thị trường.

Tỷ lệ người nghèo giảm ở bất cứ chỉ tiêu nào, được Liên hợp quốc đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và là một trong bốn nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới.

Về cơ bản, nếu không xét đến năm 2012 do chuẩn nghèo có thay đổi, được nâng lên so với giai đoạn 2005-2010 thì tốc độ giảm nghèo của Việt Nam có xu hướng chậm lại và ngược chiều so với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công. Nếu như năm 2004, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công, tốc độ giảm nghèo lần lượt là 21,87% và 18,83% thì đến năm 2010, tỷ lệ này lần lượt là 51,31% và 5,97%.

Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công không đem lại tốc độ giảm nghèo một cách tương xứng. Khi xét theo hệ số tương quan cho thấy, nếu như năm 2004, để tỷ lệ nghèo giảm 1% thì vốn đầu tư công chỉ cần tăng 1,16% thì đến năm 2010 con số này là 8,59%. Điều này chứng tỏ, để tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, thì chi phí Nhà nước cũng như chi phí xã hội phải bỏ ra ngày càng lớn hơn, nhất là khi chuẩn nghèo có xu hướng tăng lên và hướng tới giải quyết bài toán nghèo đa chiều. Tuy nhiên, so với năm 2012, năm 2014 chỉ cần 0,54% để tỷ lệ nghèo giảm 1%. 

Hệ số co giãn theo đầu tư công của tốc độ giảm nghèo giai đoạn 2004 - 2014 cho thấy khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công tăng 1% thì mức độ giảm nghèo đều giảm qua các năm và thấp nhất là vào năm 2010.

Năm 2004, khi đầu tư công tăng 1% thì tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,86%, nhưng đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ là 0,12%. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm tăng lên 0,77% và năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm tăng lên 1,84%. Có được điều này là do Nghị quyết  30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo bắt đầu phát huy tác dụng và chương trình nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

Trong hơn 02 thập kỷ qua, đầu tư công của Việt Nam chiếm khoảng 45,5% tổng đầu tư toàn xã hội, chủ yếu tập trung vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện lực…), đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng được quan tâm nên đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng tăng ổn định qua các năm ở tất cả các khu vực kinh tế, tỷ lệ bình quân mỗi năm khoảng 15%/năm.

Năm

Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công (%)

Tốc độ giảm nghèo (%)

Hệ số tương quan (lần)

Hệ số co giãn

(1)

(2)

(3)

(2)/(3)

(3)/(2)

2004

21,87

18,83

1,16

0 , 86

2006

32,38

14,36

2,25

0 , 44

2008

12,93

13,55

0,95

1 , 05

2010

51,31

5,97

8,59

0 , 12

2012

28,53

21,83

1,31

0 , 77

2014

15,25

28,20

0,54

1 , 84

Bảng 1. Tác động của đầu tư công đối với giảm nghèo

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam khi so với một số nước trong khu vực Châu Á đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 THái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào.

Nguyên nhân hiệu quả đầu tư công đối với giảm nghèo chưa cao

Về tổng thể, hiệu quả đầu tư công trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo vẫn còn thấp vì một số nguyên nhân sau: Hệ thống giáo dục bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến cơ hội học tập của trẻ em trong hộ gia đình nghèo ngày càng giảm. Hộ càng nghèo thì việc chi cho giáo dục con trẻ càng là gánh nặng cho ngân sách chi tiêu của gia đình. Chi phí cho giáo dục vẫn là rào cản lớn nhất đối với khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của trẻ em thuộc các hộ nghèo.

Chính sách đầu tư đào tạo dạy nghề tạo việc làm cho người nghèo vẫn chưa tạo được nhiều việc làm và việc làm có thu nhập cao cho người nghèo. Tỷ lệ người nghèo được đào tạo có tay nghề, trình độ cao còn thấp đã cản trở người nghèo nhanh chóng thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ người nghèo có bảo hiểm y tế còn thấp (chiếm trên 40%) và những người lao động tự do, di cư tự do khó tiếp cận được với bảo hiểm y tế cũng như thụ hưởng các dịch vụ ưu tiên.

Đồng thời, phần lớn người nghèo không thụ hưởng các dịch vụ y tế cao cấp, trong khi đó lại không có khả năng chi trả nếu như bắt buộc phải sử dụng những dịch vụ này khi khám chữa bệnh. Ngoài ra, mặc dù chi phí khám chữa bệnh cơ bản đã được bảo hiểm thanh toán nhưng các chi phí gián tiếp kèm theo phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh tại các tuyến y tế (ăn uống, đi lại…) là rào cản lớn khiến cho người nghèo khó có thể tiếp cận, được hưởng chính sách chăm sóc y tế đầy đủ.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư khi được điều tra, khảo sát cho thấy có tác động không đáng kể đến xóa đói giảm nghèo ở địa phương thực hiện cũng như đối tượng thụ hưởng của dự án là người nghèo. Theo số liệu điều tra, khảo sát đối với 560 hộ dân thuộc 27 xã ở 9 huyện thuộc 4 tỉnh Tây Bắc ( Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) cho thấy chỉ có 12/24 chính sách xóa đói giảm nghèo thời gian qua là có tác động mạnh, 12/24 chính sách còn lại có tác động nhưng không nhiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo ở Tây Bắc.

Các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư công cho xóa đói, giảm nghèo có biểu hiện rõ ràng về sự chồng chéo, dàn trải, không có sự gắn kết với nhau ở các hợp phần vì mục tiêu chung là xóa đói, giảm nghèo.  Theo thống kê, đến đầu năm 2016, có trên 19 Chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án, chính sách có liên quan trực tiếp đến xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn.

Chính sách đầu tư chưa quan tâm đến việc hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, phát triển thị trường, phòng ngừa thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu; phần lớn thiên về vấn đề an sinh xã hội, chạy theo số lượng công trình, trong khi đó, chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư và tính hiệu quả của các dự án đầu tư giáo dục, y tế, dạy nghề… vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải do nguồn lực hạn chế nhưng cùng một lúc phải thực hiện quá nhiều mục tiêu (thậm chí có những mục tiêu vượt quá khả năng thực tế) mà không có sự tính toán, ưu tiên đã làm giảm hiệu quả đầu tư công đối với công tác xóa đói giảm nghèo.

Phần lớn nguồn vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo dựa chủ yếu vào NSNN hoặc có nguồn gốc NSNN (ODA); trong khi đó, nguồn vốn từ nhân dân, cộng đồng không đáng kể và thiếu tập trung, không thường xuyên.

Cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm là tiền đề để phát triển mô hình hợp tác công - tư  trong đầu tư xóa đói giảm nghèo vẫn chưa phát huy được hiệu quả, phần lớn là mang tính hình thức. Việc phân bổ kinh phí của chương trình phụ thuộc chủ yếu vào khả năng cân đối NSNN, đa số các địa phương không chủ động được nguồn lực để thực hiện.

Quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư cũng như tổ chức triển khai dự án đầu tư còn phức tạp, chưa phù hợp với chính quyền cấp cơ sở (xã, thôn, bản) mà ở đó phần lớn nhân lực còn thiếu và yếu về năng lực, người nghèo vừa là đối tượng tham gia vừa là đối tượng thụ hưởng chương trình, dự án thì kiến thức là rất hạn chế.

Tâm lý thành tích, chạy theo phong trào trong công tác xóa đói, giảm nghèo dẫn đến việc coi nhẹ các yếu tố kinh tế kỹ thuật của chương trình, dự án đầu tư và công tác giám sát đầu tư mang tính hình thức đã làm giảm đáng kể chất lượng, hiệu quả của chính sách đầu tư công nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững.

Công tác theo dõi, giám sát, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, dự án đầu tư còn nhiều điểm hạn chế và mới chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu kết quả mà chưa quan tâm đến hiệu quả hoặc tác động của các hoạt động dự án đối với chất lượng công tác xóa đói, giảm nghèo.

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

GDP (tỷ đồng)

1.485.038

1.658.389

1.980.914

2.535.008

3.245.419

3.584.262

3.937.913

4.192.924

Số lao động ( nghìn người )

48.209,6

s49.322

50.392,9

51.398,4

52.348

53.254,6

53.748

53.984,2

Năng suất lao động (triệu đồng)

30,80

33,62

39,31

49,32

62

67,32

73,27

77 , 67

Tốc độ tăng năng suất lao động (%)

27,02

9,15

16,91

25,47

25,70

8,58

8,84

6 , 01

Bảng 2. Năng suất lao động xã hội theo giá thực tế của Việt Nam

Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công để giảm nghèo ở Việt Nam

Để phát huy hơn nữa tác động tích cực của đầu tư công đến giảm nghèo, cần có những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Cần rà soát lại toàn bộ Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác. Trên cơ sở đó, xác định thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư và các mục tiêu khả thi, đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt để tập trung bố trí nguồn lực thực hiện dứt điểm; tránh đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, đầu tư manh mún, không hiệu quả như thời gian qua.

Một số chương trình có mục tiêu không rõ ràng, hiệu quả không cao, còn chồng chéo, trùng lặp về nội dung thì cần lựa chọn để lồng ghép với các chương trình khác. Tiếp tục dành sự quan tâm hàng đầu đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo khả năng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… và hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như: Cảng, bến bãi, chợ... thông tin thị trường nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo; hoàn thiện thể chế chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho con em các hộ gia đình sống trong các vùng nông thôn, các vùng nghèo, đồng bào các dân tộc ít người.

Đổi mới phương thức huy động và sử dụng vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tương trợ, quỹ hỗ trợ sản xuất để giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, hướng tới xóa đói, giảm nghèo.

Nguồn vốn đầu tư từ NSNN thì tập trung vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm xóa đói giảm nghèo, có sức lan tỏa mạnh và lâu dài như: Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nước sạch, vệ sinh môi trường và đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.