Thực trạng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn

Trong giai đoạn 2006 – 2011, nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động khiến hoạt động sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp bình quân trên 17% GDP (dù năm 2010 và 2011 tỷ lệ này có giảm xuống còn 16,43% và 16,13%). Có mức đóng góp như vậy nhưng tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,8% GDP trong năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005, còn 6,45% vào năm 2008, 6,15% vào năm 2010 và chỉ ở mức 5,98% trong năm 2011. Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của toàn ngành và năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng nhưng cũng chỉ đáp ứng 50 - 60% nhu cầu của khu vực nông nghiệp.

Trong khi đó, tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp cũng không mấy thuận lợi. Trong giai đoạn 2000 – 2011, đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với một nền kinh tế có diện tích đất đai, mặt nước… và lực lượng lao động tập trung lớn. Trong giai đoạn 1998 – 2009, cả khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 738 dự án so với 12.575 dự án của cả nước. Số vốn đăng ký đầu tư cũng chỉ đạt 4.379,10 triệu USD, chiếm tỷ lệ 2,25% so với tổng vốn FDI đăng ký của cả nước. Trong giai đoạn 1988 - 2008, bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp thu hút khoảng 48 dự án với tổng vốn khoảng 235 triệu USD. Đến năm 2009, chỉ có 16 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký 62,4 triệu USD; năm 2010 giảm xuống còn 12 dự án với vốn đăng ký 11,3 triệu USD.

Nâng cao khả năng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam - Ảnh 1

Nếu tính tổng số các dự án được cấp giấy phép còn hiệu lực tính hết năm 2011 thì toàn bộ khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn 495 dự án với vốn đăng ký đầu tư ở mức 3.264,5 triệu USD. Mức vốn này chỉ chiếm 1,64% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Nâng cao khả năng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam - Ảnh 2

Bên cạnh đó, có tới trên một nửa số dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, chiếm 56,88% tổng số dự án đăng ký đầu tư. Rõ ràng, cơ cấu ngành nghề đầu tư hiện nay của Việt Nam đang còn thiên lệch nhiều về những ngành nghề có khả năng sinh lợi cao, những lĩnh vực và khu vực khó khăn vẫn tỏ ra bất lực trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngành nông nghiệp đóng góp bình quân trên 17% GDP nhưng tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,8% GDP trong năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005, còn 6,45% vào năm 2008, 6,15% vào năm 2010 và chỉ ở mức 5,98% trong năm 2011. Trong khi đó, tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp cũng không mấy thuận lợi.

Số dự án và dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp đã ít, cơ cấu dự án và nguồn vốn này lại phân bổ mất cân đối trong các địa phương của cả nước. Phần lớn các dự án FDI trong khu vực nông nghiệp đều tập trung vào những địa phương có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu và điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút nguồn vốn này hiện nay đã tạo ra môi trường cạnh tranh khá quyết liệt giữa các địa phương với nhau trong việc mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Có thể thấy rằng, những địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh… là tỉnh có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất so với các khu vực khác trong cả nước. Trong khi đó, những địa phương và khu vực khác lại thu hút FDI rất khó khăn.

Nguyên nhân và những hạn chế

Thực trạng thu hút FDI khu vực nông nghiệp, nông thôn cho thấy còn nhiều hạn chế và yếu kém trong việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Một cách khái quát, những bất cập này là:

Thứ nhất, chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút đầu tư hiện nay đang được cào bằng đã làm cho dòng vốn FDI không chảy nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, ngành nông nghiệp là lĩnh vực chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, khả năng thu hồi vốn đầu tư và sinh lợi thấp, nhất đang phải đối phó với những khó khăn của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi đó, thị trường bảo hiểm nông nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm đối với nông dân mà chưa có chính sách cụ thể đối với các DN đầu tư nước ngoài vào khu vực nông nghiệp.

Thứ ba, khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở Việt Nam vẫn đang thiếu những lao động có tay nghề cao và quản lý tốt trong khi lại thừa lao động phổ thông. Chính phủ đã có đề án và đang triển khai về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên, qua một số năm thực hiện, hoạt động đào tạo nghề cho nông thôn vẫn chưa hiệu quả và vẫn bộc những yếu kém và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện như: thiếu quy hoạch ngành nghề nông thôn tới cấp cơ sở, thiếu quy hoạch cụ thể những lao động làm nông nghiệp và những lao động có khả năng chuyển đổi sang làm các ngành nghề khác, dạy nghề cho lao động nông thôn còn chưa đúng đối tượng… và đặc biệt là chưa chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu của các DN FDI tại khu vực nông nghiệp.

Thứ tư, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của ngành nông nghiệp Việt Nam đã tồn tại nhiều năm nay chậm được khắc phục. Việt Nam được đánh giá là một nước có lợi thế đặc biệt để phát triển nông nghiệp, song việc điều chỉnh chính sách đất đai cho sản xuất quy mô lớn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho lĩnh vực sản xuất này còn yếu kém.

Thứ năm, các ngành sản xuất phụ trợ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu sự quan tâm của chính quyền các địa phương. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất, nhất là những DN FDI muốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, cần có chính sách quảng bá, mời gọi các DN, đặc biệt là thu hút các nguồn vốn FDI cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, cần thiết phải xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư ngay từ khâu mời gọi và xúc tiến đầu tư. Cơ cấu ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần được xem xét để đảm bảo sự phát triển chuyên môn hóa các ngành. Cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cho những khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng núi Miền Trung... Có như vậy, Chính phủ mới điều tiết được các nguồn vốn FDI vào các địa bàn, lĩnh vực mong muốn và các nhà đầu tư cũng phát huy được thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn để có các phương án đầu tư hiệu quả.

Thứ hai, cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, trong đó cần quan tâm đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các DN trên địa bàn và nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, ngay từng địa phương cần có những nghiên cứu đánh giá để nắm bắt các nhu cầu cụ thể của từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc... của các DN, trong đó quan tâm đúng mức tới nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, đổi mới về thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chính sách đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng… Đối với chính sách về đất đai, cần nghiên cứu thực hiện để thời gian thuê đất của các DN được kéo dài hơn, tiền thuê đất nên có những ưu đãi không chỉ các DN trong nước mà còn đối với các DN FDI. Những địa bàn khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường cần có chính sách ưu đãi thoả đáng như khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên… Bên cạnh đó, những chính sách khác như chính sách thuế, hỗ trợ xuất khẩu đối với những sản phẩm nông nghiệp của các DN FDI cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, cần có những biện pháp để giải quyết tốt vấn đề năng lượng tại khu vực nông thôn hiện nay. Có thể thấy rằng, hầu hết các khu vực nông ở Việt Nam hiện nay đều trong tình trạng thiếu điện hoặc nguồn điện không ổn định. Bên cạnh đó, chi phí sử dụng điện tại các khu vực ở nông thôn đang phải chịu cao hơn so với khu vực thành thị. Với địa bàn nông thôn rộng lớn, chi phí đầu tư cho hạ tầng ngành điện tăng đã làm cho giá điện tăng. Đây cũng là vấn đề làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn mất lợi thế hơn trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, cần có các chính sách và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro cho các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng để các nguồn vốn của các DN, nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn, yên tâm đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết cho các khu vực phát triển nông nghiệp của các địa phương. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp từ các địa phương trên cả nước phần lớn còn phát triển tự phát. Điều này gây lúng túng cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện các hoạt động đầu tư vào khu vực này. Do vậy, các cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm có quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch đối tượng trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề truyền thống... một cách có hệ thống và được công khai, minh bạch để làm cơ sở cho các nhà đầu tư lựa chọn thực hiện đầu tư được dễ dàng.

Thứ sáu, cần tăng cường công tác truyền thông để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt đầy đủ các thông tin và những định hướng về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này sẽ góp phần quan trọng khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước trong việc đảm bảo tính pháp lý về quyền lợi của các DN, các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực này.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 61/2010/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

2. Tổng cục Thống kê (2011), Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2001 – 2010;

3. Breu, M., Dobbs, R., Remes, J., Skilling, D., Kim, J. (2012), “Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất”, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, Hà Nội;

4. Hanson, J.R. (1996), Human Capital and Direct Investment in Poor Countries. Explorations in Economic History 33, pp. 86-106.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Nâng cao khả năng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

TS. Phạm Hồng Mạnh, Nguyễn Anh Tuấn

(Tài chính) Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp nhưng việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này lại rất hạn chế. Bài viết đánh giá thực trạng tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI vào khu vực này trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật