Nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút FDI

GS., TSKH. Nguyễn Mại

(Tài chính) Sau bài đầu tiên: "Đầu tư ra nước ngoài - Nắm bắt cơ hội, chủ động cạnh tranh" của loạt bài triển khai thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, phóng viên đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia. Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của GS., TSKH. Nguyễn Mại.

Nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút FDI
Chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp: internet
Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang trở nên gay gắt hơn khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục. Tuy vậy, nạn thất nghiệp cao là vấn đề thời sự đối với các nước công nghiệp phát triển - nơi cung cấp hơn 50% vốn FDI toàn cầu - là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng trở lại đã khiến nguồn cung FDI toàn cầu chưa thể tăng nhiều.

Như vậy trong khi nhiều nước ASEAN đã cải thiện môi trường đầu tư tạo nên lực hấp dẫn đối với FDI thế giới, một số yếu tố của môi trường đầu tư ở nước ta, nhất là hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng các nhà đầu tư lớn. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) về môi trường kinh doanh toàn cầu công bố ngày 29/10/2013, Việt Nam đứng thứ 99 trên 189 nền kinh tế.

WB nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, so với các nước trong khu vực, Việt Nam chậm hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh, như Campuchia tăng 23 bậc. Indonesia và Philippines tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu.

Khi đã có định hướng mới về FDI cần nhận thức đúng về tác động của nó, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI để khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết quả được công bố tháng 3/2013 của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) qua khảo sát 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI, cho thấy cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khá tương đồng. Đó là những thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, hải quan… là những “nút thắt” cần được tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư.

Do vậy, vấn đề cấp thiết là các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh; xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Quan tâm đến đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ý kiến của các hiệp hội ngành nghề nước ngoài và trong nước tại các cuộc đối thoại là cần thiết. Nhưng chừng nào lãnh đạo bộ và UBND tỉnh, thành phố chưa coi trọng việc tự đánh giá năng lực của bộ máy và công chức sẽ không thể đề ra được giải pháp cơ bản để cải thiện môi trường đầu tư cả nước và từng địa phương.

Nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta bắt đầu từ cuộc gặp lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để trình bày ý tưởng dự án, sau đó gặp các sở, ngành. Cũng có trường hợp tiếp cận từ cơ quan đầu tư rồi mới đến lãnh đạo tỉnh, thành phố. Song nhiều trường hợp việc chấp nhận ý tưởng dự án khá nhanh và dễ dàng tùy thuộc vào sự thuyết phục của nhà đầu tư, chưa biết năng lực của nhà đầu tư có đáp ứng được quy mô của dự án không.

Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng lựa chọn đúng nhà đầu tư và dự án là nhân tố quyết định bảo đảm thành công. Do vậy, cần thận trọng hơn trong các buổi tiếp xúc và không nên đưa ra cam kết khi chưa biết rõ ý đồ và tiềm lực của nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, sẽ liên quan đến một số quy định tại các luật khác.

Do đó, chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài “chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp”: Đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư, quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, thông qua internet để cung cấp thông tin nhà đầu tư cần lựa chọn dự án, quyết định địa điểm đầu tư.

Tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, chỉ giữ lại nội dung cần thiết để tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, địa phương, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.

Để thu hút TNCs (công ty xuyên quốc gia) vào các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, phải có cam kết rõ ràng về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cần coi trọng hơn việc hỗ trợ nhà đầu tư, phân loại các dự án FDI để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đổi mới công tác thông tin hoạt động FDI để đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, dễ tổng hợp, phân tích và được cập nhật. Coi trọng việc đúc rút kinh nghiệm, áp dụng rộng rãi mô hình và phương thức quản lý nhà nước có hiệu năng đã được thực tiễn kiểm chứng.