Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập

TS. Nguyễn Đăng Huy - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Kế toán và kiểm toán trong kinh tế thị trường, ngoài vai trò cung cấp thông tin tin cậy cho quản lý và cho các quyết định kinh tế - tài chính, còn được thừa nhận là một dịch vụ không thể thiếu của nền kinh tế mở. Kế toán và kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý kinh tế - tài chính và cung cấp thông tin hữu ích, phục vụ các quyết định quản lý và kinh doanh, mà còn trở thành một ngành, một lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ quản lý kinh doanh quan trọng. Trong thời gian tới, để nâng tầm phát triển của lĩnh vực kế toán – kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, còn nhiều việc phải làm.

Tự do hoá thương mại dịch vụ, tự do hoá dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển.
Tự do hoá thương mại dịch vụ, tự do hoá dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển.

Yêu cầu đổi mới của quá trình hội nhập của kế toán - kiểm toán

Kế toán và kiểm toán với tư cách là một ngành, một lĩnh vực thương mại dịch vụ hiện được quan tâm và hội nhập khá toàn diện. Thương mại dịch vụ nói chung, thương mại dịch vụ kế toán và kiểm toán nói riêng trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại của từng quốc gia và toàn cầu. Tự do hoá thương mại dịch vụ, tự do hoá dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển.

Mục tiêu của tự do hoá thương mại dịch vụ, dịch vụ kế toán và kiểm toán là các quốc gia loại bỏ những hạn chế, những rào cản đối với hoạt động của pháp nhân và thể nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình và dành cho nhau quy chế đối xử quốc gia. Theo đó, không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động thương mại hàng hoá và dịch vụ. Mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ của thành viên khác sự đối xử ưu đãi tương tự như ưu đãi dành cho dịch vụ của mọi thành viên khác.

Các thành viên đều được quyền hưởng lợi từ các cuộc đàm phán về thuế quan, về hàng rào phi thuế quan và mở của thị trường dịch vụ. Nội dung của tự do hoá thương mại dịch vụ, trong đó có dịch vụ kế toán và kiểm toán được thể hiện qua 4 hình thức là: Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại; Hiện diện thể nhân.

Trong 4 hình thức cung cấp dịch vụ trên, hình thức cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân được nhiều nước thành viên quan tâm và cũng là hình thức hoạt động có hiệu quả, dễ được chấp nhận.

Kế toán và kiểm toán trong kinh tế thị trường, ngoài vai trò cung cấp thông tin tin cậy cho quản lý và cho các quyết định kinh tế - tài chính, đã và đang được thừa nhận là một dịch vụ không thể thiếu của một nền kinh tế mở. Luật pháp của Việt Nam và nhiều nước đã thừa nhận và có những quy định mang tính pháp lý về hành nghề kế toán, kiểm toán, về cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán.

Trong những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện, Việt Nam có lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Sẽ có các công ty dịch vụ kế toán - kiểm toán của nước ngoài được phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Ngược lại, các công ty dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam sẽ được phép hoạt động ở nước ngoài với tư cách là nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Các chuyên gia kế toán và các kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện được hành nghề sẽ được phép hành nghề và cung cấp dịch vụ không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán thống nhất đang hình thành trong khu vực các nước ASEAN. Đó là một thực tế, một yêu cầu mới, một cơ hội mới cho sự phát triển và nhất thể hoá nghề Kế toán, kiểm toán trong khu vực. Thị trường dịch vụ kế toán-kiểm toán thống nhất đòi hỏi có sự chuẩn bị ở tất cả các nước thành viên về khung khổ pháp lý, về sự hài hoà các chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán; Thu hẹp khoảng cách của sự khác biệt, về sự phối hợp và thống nhất của chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện thi cử và đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ; về sự thừa nhận lẫn nhau các chứng chỉ hành nghề của mỗi quốc gia... Có những việc phải làm từ phía Nhà nước ở tầm quốc gia, nhưng cũng có rất nhiều việc phải làm từ bản thân các tổ chức, cá nhân hành nghề, từ phía các tổ chức nghề nghiệp.

Trong cơ chế kinh tế thị trường và môi trường mở cửa, hội nhập, yêu cầu đặt ra với kế toán và kiểm toán đã có sự thay đổi căn bản và nâng lên về chất, cụ thể: Cung cấp những thông tin kinh tế tài chính toàn diện, đầy đủ, kịp thời, tin cậy cho mọi đối tượng trong và ngoài đơn vị; Thoả mãn yêu cầu quản trị doanh nghiệp (DN), quản trị tài chính; Phân tích và dự báo kinh tế - tài chính phục vụ điều hành và các quyết định kinh tế - tài chính.

Kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế thị trường và yêu cầu đặt ra

Trong nền kinh tế thị trường, tính chất của kế toán và kiểm toán đã có sự thay đổi căn bản, không chỉ thuần tuý là Tổ chức ghi nhận, xử lý và tổng hợp các thông tin kinh tế - tài chính; Không chỉ là Công cụ kiểm kê, kiểm soát và đo lường hoạt động và hiệu quả kinh tế - tài chính, mà đã trở thành hoạt động dịch vụ tài chính, một lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, hỗ trợ hoạt động quản lý.

Đây là hoạt động dịch vụ có chất lượng cao, có giá trị pháp lý nhất định và không được phép có sản phẩm hỏng, có dịch vụ thiếu độ tin cậy. Tính độc lập, tính khách quan, những bằng chứng pháp lý, phẩm chất nghề nghiệp và yêu cầu kiểm soát chất lượng dịch vụ là đặc điểm nổi bật của loại hình dịch vụ này.

Xuất phát từ đặc điểm và tính chất của kế toán và kiểm toán, những người hành nghề kế toán và kiểm toán trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần đáp ứng được những tiêu chí sau:

Một là, phải có tính chuyên nghiệp cao, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Chỉ có như vậy mới có thể cung cấp những dịch vụ có chất lượng theo yêu cầu của các đối tượng sử dụng dịch vụ trong nền kinh tế.

Hai là, về năng lực chuyên môn, phải có hiểu biết, có năng lực, trình độ tổ chức, điều hành công việc, có kỹ năng và sự nhạy cảm, sáng tạo trong xử lý nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực xử lý các nghiệp vụ kinh tế tài chính trong một nền kinh tế năng động và hội nhập.

Ba là, về phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp: Trung thực, khách quan và bản lĩnh nghề nghiệp. thuộc lĩnh vực công tác. Bản lĩnh nghề nghiệp của người làm kế toán và kiểm toán rất không chỉ cần thiết trong nghề nghiệp mà còn rất cần thiết cho nền kinh tế, cho xã hội, cho sự lành mạnh trong hoạt động kinh tế tài chính của đất nước. Bản lĩnh nghề nghiệp đòi hỏi người làm kế toán phải tôn trọng sự thực và tính khách quan của hoạt động kinh tế; Các ý kiến và thái độ trước thông tin kinh tế - tài chính phải thể hiện trách nhiệm và sự vững vàng về chuyên môn, sự tin cậy và xác thực của bằng chứng, sự mềm mại trong ứng xử và thuyết phục.

Theo đó, năng lực nghề Kế toán, kiểm toán phải đảm bảo những yêu cầu cụ thể sau:

- Có hiểu biết cần thiết về pháp luật, đặc biệt là hiểu biết và khả năng tuân thủ, giải thích các quy định pháp lý về kinh tế - tài chính.

- Có kiến thức tốt về kinh tế - tài chính, hiểu biết sâu về các quy định kế toán và kiểm toán.

- Có khả năng tổ chức công việc thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin kinh tế - tài chính theo yêu cầu quản lý.

- Tham mưu về quản trị DN, trong các quyết định, xây dựng chiến lược đầu tư và kinh doanh.

- Có khả năng thích ứng trong môi trường kinh tế đa chiều, luôn biến động.

Những việc cần làm thời gian tới

Theo các chuyên gia, để có thể nâng cao vị thế và chất lượng hoạt động nghề nghiệp kế toán và kiểm toán của Việt Nam, vẫn còn nhiều việc phải làm, kể cả trước mắt và lâu dài, cụ thể:

Một là, thống nhất cao về nhận thức đối với hoạt động kế toán và kiểm toán, coi trọng đúng mức kế toán và kiểm toán không chỉ với tư cách là công cụ quản lý, là tổ chức hệ thống thông tin, mà cả với tư cách là một ngành dịch vụ - dịch vụ tài chính hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ vận hành nền tài chính quốc gia. Cần nhận thức đúng và đánh giá tác động thiết thực của độ tin cậy, tính hữu dụng của các thông tin kinh tế - tài chính do kế toán cung cấp, được kiểm toán xác nhận phục vụ yêu cầu quyết định đầu tư, quyết định quản lý và bảo vệ an toàn tài sản tiên của Nhà nước, của nhân dân.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về tài chính, về kế toán và kiểm toán, trước hết là quy định pháp lý về tài chính nhà nước, về kiểm toán độc lập, về kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Rà soát và bổ sung những quy định pháp lý về kế toán, về kiểm toán nhà nước, về hành nghề kế toán, kiểm toán, đảm bảo một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho kế toán và kiểm toán trong kinh tế thị trường phù hợp với Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Nghiên cứu và điều chỉnh các quy định pháp lý về tiêu chuẩn, chức danh, chức năng và quyền hạn của chuyên gia kế toán, kế toán viên công chứng, kế toán viên có chứng chỉ hành nghề, kiểm toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề, tránh sự nhầm lẫn và ngộ nhận như hiện nay; Có sự thống nhất trong các Hội viên Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA) và phù hợp tiêu chuẩn, tiêu chí của Việt Nam.

Ba là, đổi mới chương trình, nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ; Bồi dưỡng kế toán trưởng, thi tuyển chuyên gia kế toán và kiểm toán viên; Tích cực tham gia và thúc đẩy các thành viên của AFA, tạo lập quan hệ hợp tác trong đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ hành nghề và quy chế công nhận chứng chỉ hành nghề giữa các tổ chức thành viên; Hình thành chương trình và nội dung đào tạo, huấn luyện kế toán và kiểm toán dùng chung cho các nước ASEAN.

Bốn là, tăng cường quản lý, kiểm soát đạo đức hành nghề và chất lượng hành nghề kế toán và kiểm toán. Đây là công việc mới nhưng rất cần thiết để nâng cao vị thế và chất lượng nghề nghiệp

Năm là, tăng cường vai trò và chất lượng hoạt động của tổ chức nghề nghiệp. Trong thời gian qua, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) - thành viên của AFA đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển nghề nghiệp trong khu vực và nâng cao vị thế AFA trong khu vực và thế giới. Hội đã liên tiếp đưa ra các sáng kiến nghề nghiệp, trong đó có sáng kiến về hợp tác đào tạo và huấn luyện nghề nghiệp, thống nhất chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ hành nghề và thừa nhận chứng chỉ hành nghề kế toán và kiểm toán.

Hội và các tổ chức thành viên đang tích cực triển khai công việc quản lý hành nghề kế toán và kiểm toán do Bộ Tài chính chuyển giao. Nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, tới đây, Hội cần đổi mới mạnh hơn, nhiều hơn cả về tổ chức, phương thức hoạt động và nội dụng hoạt động để làm tốt chức năng là nơi tập hợp và kiểm soát nghề nghiệp.

Tóm lại, trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán, kiểm toán Việt Nam được xây dựng và phát triển cùng với việc tiếp tục tạo lập hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô các tổ chức dịch vụ, phát triển loại hình dịch vụ và phạm vi cung cấp; đồng thời, tăng cường, thúc đẩy chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, tăng cường quản lý nhằm phát triển các hoạt động kế toán, kiểm toán, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Mặt khác, cần chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế. Sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí kế toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và quốc tế thông qua hoạt động của cán bộ làm kế toán - kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp kế toán (hội kế toán, kiểm toán), tổ chức tư vấn nghề nghiệp. 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán;

2. Bộ Tài chính (2016), Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;

3. Một số website: mof.gov.vn,.sav.gov.vn, vaa.net.vn, vacpa.org.vn.