Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:Đà Nẵng tiếp tục vững "ngôi"

Theo VnEconomy

Đà Nẵng làm “cú ăn ba” khi tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2010). Trong khi đó, Cao Bằng ở cuối bảng năm ngoái bất ngờ đôn lên 11 bậc, từ nhóm Thấp bật lên “nằm” ở cuối nhóm Khá của năm nay, nhường vai trò “khóa đuôi” cho Đắc Nông.

“Mác” thất vọng được đóng cho Bình Dương. Sau 3 năm liên tiếp ở vị trí đứng đầu (2005-2007) và 2 năm ở vị trí thứ hai, bảng xếp hạng PCI năm thứ 6 chỉ ghi nhận “người hùng một thời” ở vị trí thứ 5, lần đầu tiên chính thức tách khỏi nhóm có chất lượng điều hành Rất tốt.

Có tới 6 tỉnh, thành phố năm nay “bật” tới hơn 20 bậc, đứng đầu là Quảng Trị từ 46 lên 16. Ngược chiều là Hưng Yên thoái lui 37 vị trí về gần bét bảng, đứng thứ 3 từ dưới lên.

Với hai đầu tầu kinh tế của cả nước, Hà Nội và Tp.HCM đều giật lùi trong bảng xếp hạng năm nay, trong đó Tp.HCM lần đầu tiên rớt khỏi hạng Tốt xuống Khá với mức giảm 7 bậc. Hà Nội tụt lại 10 vị trí, nằm ở giữa bảng tổng sắp.

7.300 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia cuộc điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho cảm nhận về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương có phần chặt tay hơn năm ngoái.

6 vị trí Rất tốt của năm ngoái, đến nay nay chỉ còn duy trì 3. Ngay cả số tỉnh, thành phố ở nhóm Tốt cũng giảm hơn 1. Tuy nhiên không còn tỉnh nào “kẹt” ở hạng Thấp, thay vào đó, danh mục Tương đối thấp dài thêm với 5 tỉnh.

So sánh cảm nhận của doanh nghiệp qua hai năm cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế năm 2010 không có sự cải thiện đáng kể. Điểm số PCI 2010 có trọng số của tỉnh trung vị là 58,02 điểm, sụt giảm so với năm 2009. Đáng lưu ý là nhiều tỉnh “rơi tự do” khỏi các vị trí Tốt.

Những đổi thay tích cực

Theo ước tính của VCCI, đã có khoảng 20 địa phương ban hành văn bản triển khai chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mình. Tại một số địa phương, các chương trình này có kết quả, nhưng ở số tỉnh thành khác, thời gian để cảm nhận được những chuyển biến tích cực có thể lâu hơn.

So với một năm trước, cộng đồng doanh nghiệp năm 2010 ghi  nhận những cải thiện nổi bật trong lĩnh vực đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo lao động tại tỉnh trung vị tăng đều từ 35,2% năm 2008 lên 45,45% năm 2009 và 46,99% năm 2010.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm không tăng, ở mức gần 40% nhưng chất lượng của dịch vụ giới thiệu việc làm đã được cải thiện khi có đến 62,5% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ này cho biết có kế hoạch tiếp tục sử dụng, so với 27,78% của năm 2009.

Đây là những thay đổi rất tích cực, đặc biệt khi doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất về chất lượng lao động thấp đã cản trở việc cải tiến và nâng cấp công nghệ.

Với các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh tăng từ 60,36% năm 2009 lên 64,35% năm 2010. Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp cũng tăng, đặc biệt là chất lượng được cải thiện hơn khi có một nửa trong số các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ cho biết sẽ tiếp tục sử dụng, so với tỷ lệ 16,44% năm 2009.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác như tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và triển lãm thương mại hay các dịch vụ liên quan đến công nghệ tăng tương ứng ở mức 3,18%, 3,16% và 2,63%.

Trong khi đó, gia nhập thị trường là lĩnh vực có sự thay đổi lớn nhất qua các cuộc điều tra PCI trước đây, trong giai đoạn 2006-2009, thời gian đăng ký kinh doanh trung bình đã giảm một nửa. Tuy vậy, sang năm 2010, quá trình cải cách này có xu hướng chững lại, số ngày doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, hay đăng ký sửa đổi đều dừng ở mức của năm 2009 với lần lượt là 10 ngày và 7 ngày.

Số giấy tờ doanh nghiệp phải nộp bổ sung tăng lên và kết quả là tỷ lệ doanh nghiệp ở tỉnh trung vị phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc chính thực hoạt động đã tăng từ 19,35% năm 2009 lên 24,39% vào năm 2010. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng tăng từ 4,44% lên 5,77% trong cùng thời gian trên.

Minh bạch kém hơn

Ngược lại, một số lĩnh vực có chuyển biến chưa thật rõ nét tại điều tra PCI năm nay, bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí không chính thức. Đáng lo ngại là các lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian có xu hướng giảm điểm.

Điều này cho thấy gánh nặng về tuân thủ các quy định pháp lý ngày càng tăng đối với doanh nghiệp. Điểm số về tính minh bạch giảm mạnh so với năm trước gây khó khăn cho các quyết định đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp.

Cụ thể là chỉ số tính minh bạch thể hiện sự sụt giảm mạnh. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với năm 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch cũng như văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đều có xu hướng giảm.

Với thang điểm đánh giá từ 1 đến 5, trong đó 1 là không thể tiếp cận và 5 là Rất dễ tiếp cận, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch có điểm trung bình là 2,31%, giảm so với 2,44% của năm 2009 và xuống mức thấp nhất trong 6 năm tiến hành điều tra PCI. Khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật được đánh giá trung bình là 3,05 điểm so với 3,11 điểm của năm 2009, giảm xuống gần với mức năm 2007.

Để tiếp cận các thông tin, tài liệu kế hoạch theo đánh giá của doanh nghiệp thì việc sử dụng mối quan hệ đang tăng lên. Có đến 78,64% doanh nghiệp qua điều tra PCI 2010 cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin của tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 6 năm qua của chỉ tiêu này.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia góp ý về các chính sách quy định của nhà nước cũng có xu hướng giảm trong năm 2010 (22,37% so với 25,21% của năm 2009). Điều này có nghĩa gần 4/5 doanh nghiệp chưa từng tham gia góp ý về các quy định, chính sách của nhà nước.

Theo VCCI, chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chỉ số này tác động lớn nhất đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và là một trong hai chỉ số có trọng số cao nhất trong hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.

Doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn”

Cũng theo báo cáo, có đến 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Với khối FDI, 18% số doanh nghiệp cho biết có tiến hành “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh.

Nhưng việc chi trả hoa hồng trong đầu thầu còn xảy ra phổ biến hơn khi các hợp đồng của Chính phủ thường rất hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể sẵn lòng mở hầu bao nếu họ biết cán bộ đấu thầu cũng “có thiện trí”.

Phân tích theo ngành của VCCI cũng cho thấy, tham nhũng đặc biệt tập trung ở các ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao. Điều này góp phần minh chứng nhận định của nhiều nghiên cứu quốc tế cho rằng tham nhũng có xu hướng tập trung ở những nơi nhiều lợi nhuận và quy định khắt khe hơn.

Trong khi ấy, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng, theo quan điểm của đa số doanh nghiệp. Đáng chú ý, năm 2010 tình trạng cắt điện diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dân và gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình quân số giờ cắt điện mỗi doanh nghiệp mỗi tháng gần nhất với thời gian tiến hành điều tra PCI 2010 (tháng 6/2010) tăng từ 50 giờ năm 2009 lên 89 giờ năm 2010, mức tăng 1,78 lần. Giá điện bình quân cũng tăng từ 796,24 VND/kWh năm 2009 lên 916,24 VND/kWh năm 2010.

Mặc dù số lần doanh nghiệp được thông báo trước về tình trạng cắt điện có tăng từ 50% lên 59%, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp và gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất, giảm giờ làm của công nhân, hỏng thiết bị máy móc…