Năng lượng tái tạo giúp giải quyết thiếu điện

Ngọc Thọ

(Taichinh) - Theo nhận định của nhóm chuyên gia nước ngoài có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng của Việt Nam thì năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phù hợp nhất để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn.

Cần ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo (trong ảnh là Dự án điện gió Bạc Liêu). Ảnh: Ngọc Thọ
Cần ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo (trong ảnh là Dự án điện gió Bạc Liêu). Ảnh: Ngọc Thọ

Cung ứng điện: Cải thiện nhưng thách thức nhiều

Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu lĩnh vực điện và năng lượng Việt Nam thì trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra là đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng yêu cầu hoạt động chính trị - xã hội, sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là ở khu vực miền Nam. Tính riêng 5 tháng năm 2015, sản lượng toàn hệ thống đạt 64,17 tỷ kWh, tăng 11,87% so với cùng kỳ năm 2014. Công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia trong tháng 6 vào khoảng từ 26.000 - 28.200MW (bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện than dự phòng, đang thí nghiệm, chưa tính mua điện Trung Quốc và các tổ máy nhiệt điện chạy dầu). Hệ thống điện đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng tương đối.

Dù cung ứng điện đã được cải thiện nhưng trong tương lai gần khi mà các dự án nhiệt điện vướng khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, vốn…khu vực phía Nam vẫn gặp khó để tăng nguồn phát. Đặc biệt, trong bối cảnh kế hoạch chuyển hướng từ thủy điện sang nhiệt điện than cho đến nay vẫn chưa thực hiện được một cách hiệu quả, vì các nhà máy nhiệt điện than mới chưa thể hòa lưới điện trong “một sớm một chiều”, chưa kể chúng ta đang trở thành nước nhập khẩu than ròng sớm hơn dự tính. Nhu cầu điện năng dự kiến sẽ vẫn tiếp tục tăng nhanh với tốc độ 2 con số cho đến năm 2020. Khi tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, các nhà máy thủy điện lớn đã gần như đạt hết công suất và được khai thác hoàn toàn, các nguồn khí đốt thiên nhiên và năng lượng hạt nhân tuy có nhiều tiềm năng nhưng tiến độ triển khai có thể thay đổi, phải lùi lại.

“Chúng tôi có lo ngại rằng nguồn cung năng lượng có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng vào mùa cao điểm, nhất là ở khu vực phía Nam và vào mùa khô. Chúng tôi tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như một giải pháp cho việc đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn về năng lượng của Việt Nam, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ Công thương, Chính phủ trong việc đề xuất và đưa ra các giải pháp về năng lượng cho Việt Nam dựa trên những mô hình đã thực hiện ở các nước khác” - ông John Rockhold, Trưởng nhóm Công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho hay.

Cần cơ chế thúc đẩy năng lượng sạch

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phù hợp nhất để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn do có khả năng điều chỉnh linh hoạt và mở rộng trong thời gian ngắn (2 năm), trong đó điện gió sẽ đóng vai trò chủ đạo, tiên phong dựa trên mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có (với trên 4,4 GW công suất lắp đặt của các dự án đã đăng ký) và chính sách hỗ trợ ưu đãi hiện nay của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng một môi trường thuận lợi và thu hút đầu tư để ngành này phát triển. Cụ thể, phải tăng mức giá bán áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng điện gió đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy trình áp dụng và triển khai hay như áp dụng biểu giá khuyến khích cho năng lượng sinh khối.

“Để cải thiện môi trường đầu tư cho điện mặt trời, cần có các biện pháp hỗ trợ tài chính như tăng cường ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hồi vốn đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời trong 2 năm sau khi đầu tư đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng” - ông John Rockhold khuyến nghị.

Thực tế, năng lượng tái tạo có khả năng điều chỉnh linh hoạt về quy mô, có thể điều chỉnh tăng quy mô cung cấp năng lượng tái tạo khi hòa lưới điện quốc gia. Do vậy, rất cần để hiện đại hóa lưới điện cũng như các nỗ lực để lưới điện có thể sẵn sàng kết nối với các nguồn cung năng lượng tái tạo quy mô lớn, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng cuối cùng.

Rào cản lâu nay thường được nhắc đến là giá điện Việt Nam vẫn duy trì mức thấp so với khu vực. Hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa cao. Điều này hạn chế vốn đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hệ thống lưới điện đồng thời giảm nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khách hàng. Vì vậy, chỉ có cách tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá điện theo thị trường mới giúp phát triển năng lượng bền vững. Việc tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện với hoạt động công ích sẽ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận theo thông lệ quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của người sử dụng điện cuối cùng. Việc điều chỉnh giá điện làm cho thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh và giúp nâng cao độ ổn định, tin cậy và chất lượng điện năng.

“Các doanh nghiệp FDI không lo ngại về giá điện tăng, họ sẵn sàng bỏ thêm 15% mỗi năm cho chi phí điện năng. Nhưng các doanh nghiệp lại rất lo ngại nguồn điện thiếu ổn định. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn tăng giá điện với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện năng lớn, nhưng phải đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định” - Nhóm công tác Điện và Năng lượng của VBF chung quan điểm.

“Từ 2015 sẽ thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho đến năm 2020, bắt đầu từ 2021 sẽ bắt đầu thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như nhiều nước trên thế giới đã làm. Với lộ trình này, ngành điện Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.