Năng suất lao động thấp: Tại công nghệ hay con người?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Năng suất lao động xã hội của nước ta tính theo giá hiện hành bình quân chỉ đạt 74,3 triệu đồng/lao động/năm, khoảng 3.600 USD, chỉ bằng 43% mức năng suất trung bình của các nước ASEAN. Nhưng con số này được cho là không phản ánh được mức độ chuyên cần người lao động Việt Nam có và khả năng làm việc thấp hơn so với người lao động tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Năng suất lao động xã hội của nước ta tính theo giá hiện hành bình quân chỉ đạt 74,3 triệu đồng/lao động/năm. Nguồn: internet
Năng suất lao động xã hội của nước ta tính theo giá hiện hành bình quân chỉ đạt 74,3 triệu đồng/lao động/năm. Nguồn: internet

Năng suất lao động của nước ta còn thấp so với khu vực được Tổng cục Thống kê giải thích là do tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, dù cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động đã có chuyển dịch mạnh. Thứ hai, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý. Thứ ba, trình độ công nghệ còn lạc hậu. Thứ tư, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp, trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012. Ngoài bốn nguyên nhân chính nêu trên, Tổng cục Thống kê còn cho rằng, năng suất lao động thấp do trình độ tổ chức quản lý còn yếu và hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng đã trả lời lý do khiến năng suất lao động của nước ta thấp là do trình độ sản xuất thấp và mức đầu tư cho các hoạt động khoa học còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ người lao động, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giải pháp để nâng cao năng suất lao động.

Để minh chứng cho nhận định này, trường hợp của Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông đã được Bộ trưởng đưa ra. Cụ thể, khi doanh nghiệp nhà nước này đang trên bờ vực phá sản, song nhờ việc thành lập trung tâm nghiên cứu, với sự tập trung của các nhà khoa học hàng đầu về chiếu sáng của Đại học Nông nghiệp, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì chỉ mất 10 năm đã đưa họ trở thành doanh nghiệp hàng đầu nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất nước ta.

Hàng năm, Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông đóng góp cho ngân sách 220 tỷ đồng, tương đương với mức thu ngân sách của 1 tỉnh nhỏ ở miền núi. Và tạo ra một giá trị doanh thu năm vừa rồi 2.800 tỷ đồng, bình quân mỗi công nhân đóng góp cho công ty doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/người, tương đương khoảng 50.000 USD/người. Nói cách khác, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, năng suất lao động tại Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông cao hơn khoảng 15 lần năng suất lao động trung bình của nước ta và cao gấp gần 100 lần so với năng suất lao động trong nông nghiệp.

Theo Chuyên gia cao cấp của ILO tại châu Á - Thái Bình Dương Malte Luebker, năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó. Năng suất lao động của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Bởi vậy, nếu từ các thống kê năng suất lao động mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là chưa chính xác.

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thì điều kiện trước hết vẫn là mỗi người dân, doanh nghiệp phải ý thức được vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ. Trong đó, với mỗi người dân, thay vì tư tưởng được vào làm ở doanh nghiệp quy mô lớn là vinh dự lớn, thì hãy chuyển sang lối nghĩ làm được gì mới hay không mới là quan trọng. Tất nhiên, một điều kiện quan trọng không kém là Nhà nước cần ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy cá nhân, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp có thể đưa ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm kinh doanh, thay vì những đề tài cất vào ngăn kéo như hiện nay.