Nên giảm lãi suất cơ bản còn 4% - 6%/năm?

Theo Người Lao động

Để tránh phụ thuộc nguồn vốn huy động từ tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước VN cần áp dụng nghiệp vụ thị trường mở nhằm giúp các ngân hàng có điều kiện cho vay với lãi suất tối đa 7% - 9%/năm

Trước tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái tại một số khu vực kinh tế quan trọng ở VN, năm 2009 này, nhiều chuyên gia dự báo kinh tế đất nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức; mức tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ đạt 5%, thậm chí có thể thấp hơn nếu thiếu quyết sách thích hợp. Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và phù hợp với các mục tiêu chung.


Mạnh tay “bơm” tiền cho các ngân hàng


Năm 2008, Ngân hàng Nhà nước VN (SBV) điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt, đặc biệt là trong quý IV/2008, lãi suất đã giảm nhanh, được điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng vay của người dân. Năm 2009, chính sách lãi suất cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm sâu hơn nữa. Cụ thể, bên cạnh việc giảm dự trữ bắt buộc, SBV cần giảm lãi suất cơ bản xuống 4% - 6%/năm. Khi đó, vấn đề có thể gây lo lắng là lãi suất tiết kiệm theo đó xuống sâu hơn, người dân sẽ không mặn mà gửi tiết kiệm thì các ngân hàng trong nước lấy đâu nguồn vốn để cung ứng cho các thành phần kinh tế?

Trên thực tế, vấn đề trên là không đáng ngại. Năm 2007, cung tiền cho nền kinh tế tăng 43%, dư nợ tín dụng tăng 54%; song, năm 2008, cung tiền chỉ tăng 16,3%, dư nợ tín dụng tăng 21%. Như vậy, SBV có đủ điều kiện để mở rộng việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Để các ngân hàng không phụ thuộc nguồn vốn huy động tiết kiệm, SBV cần mạnh tay "bơm" tiền cho hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá... với lãi suất thấp để các ngân hàng có điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vay với lãi suất tối đa 7% - 9%/năm. Làm được như vậy, vấn đề vốn của các ngân hàng sẽ được giải quyết.


Nới lỏng đầu ra tín dụng


Việc đưa ra cơ chế lãi suất thỏa thuận là hướng đi đúng nhưng cần có lộ trình. Hiện nay, lãi suất trần cho vay đang khiến các ngân hàng thiếu linh hoạt khi triển khai các dịch vụ như cho vay tiêu dùng, hay hướng đến các đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân vùng sâu, vùng xa... Vì hệ thống ngân hàng chưa phủ kín “sóng” nên một bộ phận khách hàng phải tiếp cận tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng (3% - 5%/tháng). Trong khi đó, để thực hiện và tiếp cận dịch vụ, đối tượng khách hàng nói trên, chi phí sẽ rất lớn nên các ngân hàng ngại đầu tư, dẫn đến bên có nhu cầu vay tiếp tục gặp khó khăn về vốn.

Còn nếu SBV đột ngột bỏ cơ chế lãi suất trần cho vay, thị trường tiền tệ sẽ có diễn biến tiêu cực. Các ngân hàng nhỏ sẽ đua nhau tăng lãi suất huy động vốn, làm tái diễn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng, gây rối thị trường. Từ đó, lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao khiến cả ngân hàng lẫn người vay đều đối mặt với rủi ro. Do đó, SBV nên bật đèn xanh cho các ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng và cho vay cá nhân không quá 200% so với lãi suất cơ bản đối với một số đối tượng kể trên hoặc cho phép các ngân hàng thu phí vay vốn theo quy định của SBV.