Nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với những con số “biết nói”

Minh Hà

(Tài chính) Truyền đạt những con số “biết nói” về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2013 tại buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 11/2013 chiều 2/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, bức tranh chung của nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc.

Tín hiệu vui…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm có dấu hiệu khả quan hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, những chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng 0,34% và 11 tháng tăng 5,5%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Dự báo CPI cả năm 2013 có khả năng thấp hơn năm 2012 (6,81%).
Nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với những con số “biết nói” - Ảnh 1
Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Nguồn: financeplus.vn

Về mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 2 - 3%, lãi suất cho vay giảm 3 - 5%/năm so với đầu năm và được duy trì ổn định trong những tháng gần đây. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh đã được vay với mức lãi suất 6,5 - 7%/năm.

Dư nợ tín dụng tính đến ngày 20/11 ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 3,5%). Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, hoạt động lành mạnh hơn.

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2013 đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%; nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD tăng 16,5% so với cùng kỳ.  Nhập siêu 11 tháng khoảng 96 triệu USD.

Vốn FDI đăng ký đạt gần 21 tỷ USD, tăng 54,2%; thực hiện đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Giải ngân ODA đạt gần 4,04 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng ước đạt 85,6 % dự toán, tăng 10%; chi ngân sách nhà nước ước đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng đầu năm 2013 ước tăng 9,5% và có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng tăng dần qua từng tháng.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 9,3 nghìn, 7 tháng khoảng 10 nghìn, 8 tháng khoảng 10,7 nghìn, 9 tháng khoảng 11,3 nghìn, 10 tháng khoảng 11,75 nghìn và 11 tháng khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, những con số này cho thấy, bức tranh chung của nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc. “Từ những con số đó, chúng ta có thể hình dung ra nỗ lực trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp, đặc biệt là của nhân dân, doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để làm nên kết quả đó. Đó là tín hiệu đáng mừng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Chính phủ, kinh tế vĩ mô tăng trưởng chưa khả quan, lạm phát còn tiểm ẩn, nợ xấu xử lý chưa tốt, chưa đúng theo kế hoạch đề ra; tai nạn giao thông 3 chỉ số có giảm nhưng số người chết vẫn tăng mặc dù chúng ta đã làm nhiều biện pháp để kiềm chế; tệ nạn xã hội còn xảy ra ở một số nơi và một số vụ rất nghiêm trọng…

Bàn luận về nhiều vấn đề “nóng”

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã tập trung bàn luận về nhiều vấn đề “nóng” như: xây dựng cơ bản, thu ngân sách nhà nước, “tam nông”,  thủy điện, rà soát không để nợ đọng văn bản và việc phân cấp, giao việc rạch ròi, trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng cấp.

Trước tiên, đối với vấn đề xây dựng cơ bản, theo Người phát ngôn Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tập trung bàn sâu vào vấn đề này để thúc đẩy xây dựng cơ bản trong mùa khô. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất tập trung huy động các nguồn vốn, trong đó trái phiếu và vốn ODA triển khai nhanh, để có nguồn vốn thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý ứng vốn trước từ ngân sách nhà nước khi cần thiết với những công trình phải đảm bảo.

Nền kinh tế bắt đầu khởi sắc với những con số “biết nói” - Ảnh 2
Bức tranh chung nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc. Nguồn: internet


Đối với vấn đề thu – chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, đến nay Bộ Tài chính báo cáo có khả năng hoàn thành thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, cùng với việc thu đúng, thu đủ ngành Tài chính, các địa phương cần quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế.  Trong chi cần tiết kiệm triệt để, chống lãng phí.

Đối với vấn đề “tam nông”, tại phiên họp Chính phủ lần này, các thành viên Chính phủ có bàn về nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, Chính phủ bàn về việc lo cho người nông dân một cách toàn diện, đặc biệt chú ý đến người nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa. Còn đối với nông nghiệp, chúng ta đã đã đạt được rất nhiều thành tựu, đóng góp cho nền kinh tế, nhưng điều đang lo nhất là vấn đề khoa học kỹ thuật, công nghệ. Xây dựng nông thôn mới đang tiến “bước dài” nhưng hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn, áp lực, chỉ tiêu chưa phù hợp, những xã điểm cũng khó khăn trong nhân rộng, hiện đang rà soát, kiểm tra những tiêu chí phù hợp đảm bảo tính khả thi cao. 

Vấn đề thủy điện các thành viên Chính phủ cũng bàn rất nhiều, Thủ tướng Chính phủ cũng giải trình trước Quốc hội và hiện cũng có rất nhiều ý kiến nhưng Chính phủ muốn nói rằng tiềm năng thủy điện của chúng ta cần được khai thác…

Liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, xem xét, đối chiếu, không để tồn đọng văn bản, bởi vì khi luật ra mà thiếu văn bản hướng dẫn thì không chỉ làm chậm về thời gian mà còn để lại suy nghĩ không hay. Lần này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải quyết tâm đề cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành giải quyết dứt điểm vấn đề này như tinh thần Thủ tướng nói trước Quốc hội.

Ngoài ra, cuộc họp lần này, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận sâu về việc rà soát lại việc phân cấp, giao việc rạch ròi, trách nhiệm từng bộ, ngành, từng cấp, không để tình trạng có việc xảy ra không biết trách nhiệm thuộc về ai. Trong cuộc họp, có ý kiến cho rằng có những cái không thể chỉ đạo sở, ngành vì có cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo nhưng Chính phủ thống nhất là điều chỉnh bằng văn bản pháp luật từ trên xuống chứ không phải can thiệp cụ thể.

Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014

Trong tháng 12/2013 và đầu năm 2014, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp phát huy kết quả đã đạt được, tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 và chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, tăng cường chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu hoàn thành kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013 theo dự toán được duyệt. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì có phương án chủ động, phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết.

Thứ tư, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các công trình cấp bách, cần thiết vào thời điểm cuối năm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đề ra, trong đó chú ý sức mua thường tăng mạnh vào cuối năm, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP năm 2013; xây dựng dự thảo Nghị quyết điều hành năm 2014 của Chính phủ để triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 để đưa ra Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương tổ chức vào cuối tháng 12/2013. Đồng thời chuẩn bị tốt, khẩn trương giao Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 cho các bộ ngành, địa phương theo quy định.