Nền kinh tế cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát năm 2013

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 nhận định: Với kết quả 9 tháng và xu hướng 3 tháng còn lại của năm 2013 nền kinh tế nước ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Nền kinh tế cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát năm 2013
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Nguồn: internet

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%) và là mức tăng hợp lý; tạo việc làm mới xấp xỉ đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao khoảng 15,7%, ước cả năm 2013 nhập siêu khoảng 500 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại cải thiện cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng tạo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, tăng ngoại tệ dự trữ ngoại hối, tạo sự  ổn định tỷ giá khá vững chắc. Thị trường tài chính ổn định hơn; mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2-5 % so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động đã giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5%.

Cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn cố gắng thực hiện tăng lương tối thiểu; miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn có xu hướng tăng; hơn 60 nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; việc tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Về giá cả lạm phát, Báo cáo Chính phủ nêu rõ: trong 9 tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ thực hiện quyết liệt, kiên trì các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, đầu tư; có sự phối hợp liên ngành trong điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý (điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế) theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý; và đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ… So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 4,63% là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Theo đánh giá chung của Chính phủ, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo đà tăng trường cho những tháng cuối năm 2013 và năm 2014.

Chính phủ dự báo, trong 3 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng cao hơn so với tốc độ tăng những tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn yếu, năng lực sản xuất dồi dào, các chỉ số tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cho nên dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2013 so với cùng kỳ năm trước sẽ được kiềm chế ở mức tăng khoảng 7% (kế hoạch đề ra là khoảng 8%).

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế- xã hội đất nước năm qua, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cao hơn năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán phục hồi chậm…Xây dựng nông thôn mới còn chậm; chất lượng giáo dục đào tạo được cải thiện chưa rõ nét, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp…

Nhiều khó khăn trong năm 2014

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước năm 2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu đang hồi phục nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 khu vực sản xuất sẽ còn trì trệ, các hoạt động đầu tư và thương mại chưa lấy được đà tăng trưởng tốc độ cao trở lại.

Trên cơ sở kết quả 3 năm qua, dựa trên xu hướng 2 năm còn lại kế hoạch 5 năm, nhất là khó khăn về cân đối thu chi ngân sách nhà nước và vốn đầu tư phát triển, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhận định sẽ khó đạt được nhiều chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 5 năm của Quốc hội.

Nhiệm vụ trong hai năm 2014-2015 còn rất nặng nề, nhất là về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển thị trường vốn, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng; giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang….

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% sẽ là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.

Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13-15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với địa chỉ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như Tờ trình, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô. Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tạo việc làm mới 1,6 triệu người trong bối cảnh một số lượng không nhỏ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; bổ sung chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ thất nghiệp chung của nền kinh tế.