Nền kinh tế còn dư địa để tăng trưởng cao hơn nữa

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn/nhadautu.vn

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đạt 6,98%, là mức cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Với kết quả này, tăng trưởng GDP cả năm sẽ vượt mục tiêu 6,7% đã được Quốc hội thông qua và có khả năng đạt tới 6,9%.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đạt 6,98%. Nguồn: internet
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đạt 6,98%. Nguồn: internet

Đó là những con số rất đáng khích lệ, song nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao hơn nữa, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tăng trưởng vượt chỉ tiêu 6,7%

Nhìn lại cả 3 quý đầu năm, có thể thấy nền kinh tế tăng trưởng không theo quy luật “quý sau cao hơn quý trước” như mọi năm. Quý I tăng rất ấn tượng, đạt 7,45%; quý II tăng 6,73% và quý III tăng 6,88%. Song nếu chỉ nhìn trong hai quý gần đây thì lại chưa đủ cơ sở để cho rằng, quy luật nói trên đã bị phá bỏ, bởi quý III tăng trưởng cao hơn quý II. Hơn thế nữa, ở thời điểm hiện tại có nhiều yếu tố cho phép dự báo lạc quan về tăng trưởng của nến kinh tế trong quý IV. Đó là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo đang tiếp tục đà tăng trưởng cao, nông nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, một số lĩnh vực đang tăng tốc trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ, nhất là vận tải, xây dựng, thương mại…; giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và vốn tín dụng cũng đang được đẩy nhanh hơn sau khi tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp trong những tháng đầu năm.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm mà Quốc hội đã thông qua thì quý IV chỉ cần tăng trưởng 6,14%. Với đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực chính yếu nói trên, với khả năng quay lại của quy luật “quý sau tăng cao hơn quý trước” và với thực tế là trong 5 năm gần đây chưa bao giờ GDP quý IV tăng trưởng dưới 6,5%, có thể khẳng định rằng, nền kinh tế chắc chắn sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra.

Mới đây, ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8-6,9% trong năm nay và đó là một con số dự báo không phải không có cơ sở.

Dư địa tăng trưởng còn lớn

Bàn về tăng trưởng kinh tế, một số chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Điều đó là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng và “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, không tăng trưởng bằng mọi giá…

Song cũng cần nhắc lại rằng, cho dù đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2018  thì quy mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bé và GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiện hữu nếu Việt Nam không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm.

Do vậy, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững là hai nhiệm vụ song song được đặt ra và là bài toán khó song không phải không có lời giải.

Thực tế cho thấy, dư địa tăng trưởng của nền kinh tế còn lớn và rất cần được khai thác một cách hiệu quả. Trước hết, đó là dư địa về cơ chế chính sách. Mặc dù trong những năm qua, hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư- kinh doanh của nước ra đã không ngừng được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển, thậm chí vẫn còn những cơ chế và quy định trói buộc, kìm hãm phát triển. Đơn cử việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh của một số bộ, ngành cho đến nay vẫn mang tính hình thức và còn cách xa so với mục tiêu định lượng đã được Chính phủ đề ra. Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ triển khai chậm so với tiến độ như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;  Nghị quyết 35-2017 của Chính phủ về  hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 01-2018  về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết 98-2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành nhưng rất chậm đi vào cuộc sống, chẳng hạn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành năm 2017,  trong đó có quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhưng do các luật về thuế chưa được sửa đổi nên chính sách vẫn nằm trên giấy. Nếu chờ Quốc hội sửa các luật về thuế thì nhanh nhất phải đến 2020 các DNVVN mới được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.. Trong thời đại công nghiệp 4.0 với những biến đổi mau lẹ của thế giới, việc DNVVN của Việt Nam phải chờ tới vài ba năm để được thụ hưởng chính sách uu đãi đã được Nhà nước thông qua là quá dài và chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp sẽ không đủ sức để tồn tại đến ngày đó.

Cũng do sự trói buộc của cơ chế chính sách, nhiều nguồn lực trong và ngoài nước chưa được huy động cho đầu tư phát triển. Đơn cử, cho đến nay chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức PPP, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này là rất lớn và tiềm lực trong nước rất hạn hẹp, vốn ODA đang ngày càng thu hẹp. Nếu không thay đổi tư duy để có các quy định về bảo đảm đầu tư một cách chắc chắn hơn, thực hiện bảo lãnh ngoại tệ và rủi ro cho những dự án đặc biệt quan trọng, thì chắc chắn tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn và mục tiêu tạo đột phá về kết cấu hạ tầng GTVT chỉ dừng lại ở ý chí chủ quan. Hệ lụy là rất lớn về nhiều mặt, cả về kinh tế - xã hội, bởi giao thông không thể không “đi trước một bước” nếu muốn nền kinh tế phát triển.

Lịch sử đổi mới kinh tế ở nước ta trong hơn 30 năm qua cho thấy, đổi mới tư duy  và cởi trói về cơ chế luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cơ chế kinh tế hiện nay đang còn nhiều trói buộc và nền kinh tế đang đòi hỏi cần tiếp tục được “cởi trói”.

Dư địa thứ hai là về giải ngân vốn đầu tư. Các số liệu thống kê cho thấy, tiến độ giải ngân của nguồn vốn đầu tư phát triển rất chậm. Về vốn ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế đến ngày 15/9/2018 chi đầu tư phát triển mới đạt 48,2% dự toán cả năm. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, giá trị giải ngân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 1.447 triệu USD, chỉ bằng 31% kế hoạch năm. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 13,25 tỷ USD mặc dù tăng 6% so cùng kỳ năm trước, nhưng rất thấp so với vốn đăng ký (25,37 tỷ USD). Đặc biệt, cho đến nay trong tổng vốn FDI đăng ký là 334 tỷ USD mới giải ngân được 184 tỷ USD có nghĩa là còn tới 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký chưa được giải ngân.

Trong khi yếu tố vốn đang đóng góp khoảng 50% vào tăng trưởng, một khối lượng lớn vốn đầu tư chưa được giải ngân nói trên là dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng đối với việc duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Dư địa thứ ba là sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là từ sau NQ10 BCH TW Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù còn phải cần thời gian để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được đề ra trong NQ10 và trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết, nhưng quan điểm đổi mới của Đảng về vai trò và nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân đã củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về tương lai phát triển lâu dài của họ. Lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế tư nhân nhận xét rằng, Nghị quyết đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống kinh tế  - xã hội và hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân đang trở nên năng động hơn bao giờ hết trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế.

Sau thành công của lĩnh vực bất động sản, y tế, giáo dục, bán lẻ, nông nghiệp công nghệ cao…Vingroup đang bước vào lĩnh vực sản xuất ô tô với quyết tâm tạo dựng thương hiệu Ô tô Việt Vinfast và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn Sungroup đã hoàn thành việc xây dựng sân bay Vân Đồn – sân bay đầu tiên được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.  Cùng với việc phát triển các sản phẩm mới chất lượng cao ở trong nước, TH True MILK, Vinamilk và nhiều doanh nghiệp khác đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tiết kiệm chi phí vận tải và tranh thủ nguồn tài nguyên của các quốc gia khác cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã dũng mãnh cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia danh tiếng như Coca-cola để nâng dần thị phần của mình trên thị trường nước giải khát Việt Nam và một số nước khác. … Phong trào khởi nghiệp đang dấy lên khắp mọi nơi với sự góp mặt của đội ngũ doanh nhân trẻ, trong đó có nhiều người được đào tạo  bài bản, có trình độ, kiến thức và sự nhanh nhạy, sẵn sàng thích ứng với đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế.

Có thể kể ra những dư địa khác cho tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian tới như tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch chưa được khai thác triệt để và hiệu quả. Ngay cả hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển đang vừa là rào cản phát triển, nhưng đồng thời là dư địa để đầu tư phát triển. Thu hút được dòng vốn đầu tư vào xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng vừa tác động trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng, vừa mở đường cho phát triển các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ai cũng có thể nhìn thấy, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ và giao thông đô thị một cách đồng bộ sẽ mở đường và tạo đột phá cho ngành công nghiệp ô tô và các dịch vụ liên quan.

Giải pháp chính yếu

Đã có vô số nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững đã được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và  Chính phủ. Riêng Nghị quyết 19 – 2017/NQ-CP đã có tới 250 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, giải pháp bao trùm, chính yếu và quan trọng nhất là hành động để thực thi đầy đủ  và có hiệu quả các giải pháp đó, sớm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống.

Đặc biệt, cần rà soát đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 19 – 2017; NQ35-2017; Nghị quyết 01-2018 và Nghị quyết 98-2017/NQ-CP của Chính phủ.

Qua theo dõi, có thể thấy nhiều nhiệm vụ đã được đề ra trong các Nghị quyết nói trên triển khai rất chậm so với tiến độ đề ra. Kết quả rà soát phải chỉ rõ nguyên nhân  và trách nhiệm của các bộ, ngành và hướng khắc phục; công khai kết quả rà soát việc thực hiện các nghị quyết  để các đại biểu Quốc hội và người dân hiểu rõ ý thức trách nhiệm và khả năng thực thi công vụ của người đứng đầu các bộ, ngành, qua đó  đánh giá đúng cán bộ thông qua lá phiếu tín nhiệm.

Đối với các luật đã được ban hành  nhưng chưa đi vào cuộc sống như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần đẩy nhanh việc sửa đổi các luật liên quan, ban hành các nghị định hướng dẫn và/ hoặc có cơ chế đặc thù để tháo gỡ ách tắc trong việc thực thi.

Đối với việc chậm trễ giải ngân các nguồn  vốn đầu tư phát triển, cần có giải pháp mạnh tay hơn, quy rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương và nghiêm túc xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, cũng như sửa đổi cơ chế để khắc phục tình trạng giải ngân chậm vốn dễ tồn tại từ nhiều năm nay. Đặc biệt, đối với nguồn vốn FDI rất lớn chưa được giải ngân, cần giao các địa phương khẩn trương rà soát lại các dự án đã được cấp phép, kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng triển khai để dành đất đai cho các dự án mới, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc tháo gỡ ách tắc  trong triển khai dự án đối với những dự án có tính khả thi. Bên cạnh đó, cần sửa đổi cơ chế, chính sách để thu hút các dự án FDI  chất lượng cao vào các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư như công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp hiệu quả, kết cấu hạ tầng và các ngành dịch vụ.

Đối với kinh tế tư nhân, ngoài các nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 98 của Chính phủ, cần nghiên cứu ban hành chiến lược và chính sách hỗ trợ phát triển tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu đàn và tổ chức hệ sinh thái doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ … Đồng thời, cần rà soát lại các số liệu thống kê để có đánh giá đúng về vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế này.

Tóm lại, dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Vấn đề là phải hành động để khai thác các dư địa đó nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.