Nền kinh tế: Đã ấm lên rồi, tăng tốc đi thôi

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết thúc năm 2013, dù nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng để phát triển bền vững, trong năm 2014 vẫn còn nhiều nút thắt cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Nền kinh tế: Đã ấm lên rồi, tăng tốc đi thôi
Năm 2014 vẫn còn nhiều nút thắt cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Nguồn: internet
Rốt ráo xử lý nợ xấu, giảm lãi suất

Báo cáo tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2014 và 2015 sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 2.200-2.300 USD vào năm 2015. Theo các chuyên gia, kinh tế 2014 vẫn còn dư địa tăng trưởng nếu tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội, giải quyết một số động lực tăng trưởng.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, chính sách tiền tệ năm 2013 đã không thành công trong việc cung ứng đủ vốn với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp ổn định hoạt động. Kết thúc năm 2013, có tới hơn 60.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, điều này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế đáng lo như thế nào. 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong năm 2014, việc quan trọng cần làm là phải rốt ráo xử lý nợ xấu. Thời gian qua chúng ta đang tạm hoãn theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước; tuy nhiên, tới đây chúng ta sẽ phải sắp xếp, chuẩn hóa lại nợ xấu theo chuẩn nợ thế giới. Nếu theo chuẩn nợ thế giới, nợ xấu của ta sẽ theo chiều hướng nặng nề hơn, trong khi khả năng trả nợ chưa rõ ràng. Đây là áp lực lớn nhất trong năm 2014 cần phải giải quyết.

Cũng theo ông Thành, trong năm 2014, có 2 việc nhà nước cần làm gấp. Thứ nhất là giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất vay để doanh nghiệp cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước trong khu vực bởi lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thành cũng cho rằng, sau lãi suất, Nhà nước cũng cần thay đổi chính sách về thuế. Có mặt hàng vẫn giữ 10% thuế giá trị gia tăng, nhưng có mặt hàng 5% và thậm chí có mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế lúc này thì nên giảm thuế giá trị gia tăng về 0%.

Trong năm 2014, nhà nước cần chú trọng chính sách hỗ trợ tăng xuất khẩu. Nếu công tác điều tiết tiền của Ngân hàng Nhà nước tốt, chính sách tài khóa tốt hơn, bức tranh kinh tế năm 2014 mới có hy vọng sáng sủa hơn.

Tập trung giải cứu doanh nghiệp

GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, trong năm 2013, phải tập trung các giải pháp để giải cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng khá nhiều giải pháp như giảm, miễn thuế, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi... tuy nhiên tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.

Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng cao. Theo ông Mại, việc giải cứu doanh nghiệp lúc này cũng như chữa bệnh, phải tùy bệnh mà cho thuốc. "Phải nắm rõ thực trạng của doanh nghiệp mới đề ra giải pháp hữu hiệu đối với trạng thái của từng loại doanh nghiệp”, ông Mại nói.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, để nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới, có hai nhóm giải pháp lớn cần thực hiện là đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước và xây dựng một chương trình gia tốc để cải thiện môi trường đầu tư.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cần nhanh chóng cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm cho khu vực này hoạt động hiệu quả hơn. Việc tiếp tục ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này và cả nền kinh tế. 

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao và chưa có sự chuyển biến lớn. Đây là điều đáng lo ngại. Đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực và thế giới đang và sẽ có những thay đổi nhanh chóng. "Do vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ xây dựng và thực hiện một chương trình tăng tốc để trong vòng 5 năm tới, Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu của khu vực ASEAN về sự thông thoáng và hấp dẫn của môi trường đầu tư”, ông Lộc nói. 

Kích hoạt hơn nữa thị trường bất động sản

Đó là khẳng định của GS., TSKH. Nguyễn Mại. Theo ông Mại, nhà nước cần phải kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản trong năm. Cho đến nay, câu chuyện 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản vẫn chưa đưa lại hiệu quả mong muốn, gần 9 tháng mới giải ngân chưa đầy 1% con số đó, làm giảm lòng tin của các chủ đầu tư cũng như người mua. 

Phải tìm cho trúng nguyên nhân để năm 2014 gỡ được "nút thắt” cả ở thủ tục và điều kiện cho vay để 30.000 tỷ đồng được thực hiện đúng mục đích và đúng đối tượng khi điều kiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển động, tuy còn chậm. Nếu khôi phục được một phần đáng kể hoạt động của thị trường bất động sản trong năm 2014, có thể gia tăng tốc độ tăng trưởng, bởi vì không chỉ nhà và đất, mà hàng loạt ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với bất động sản (như xi măng, sắt thép, gạch đá, cát sỏi, nội thất, dịch vụ môi giới…) cũng có cơ hội phục hồi.

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá vẫn ở mức cao so với thu nhập chung của người dân. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cung – cầu khó có thể bắt nhịp. Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp được đánh giá hết sức quan trọng, đó là điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới.

Trong đó, đáng chú ý có biện pháp tăng tỉ lệ nhà ở chung cư cao tầng lên trên 80% tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự; căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới. Không triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị, thực hiện quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án.