Nên ưu tiên bán trái phiếu chính phủ cho người dân

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong kiến nghị gửi đến Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nên ưu tiên bán trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho người dân trước, nhằm huy động nguồn lực trong dân để đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra công ăn việc làm, góp phần phát triển nền kinh tế- xã hội. Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp cần, sẽ tính đến phát hành thêm qua phương thức bán lẻ trái phiếu, như chương trình phát hành công trái năm 2005 để đầu tư cho giáo dục và y tế.

Trong trường hợp cần, Bộ Tài chính sẽ phát hành thêm theo phương thức bán lẻ trái phiếu để đầu tư cho y tế, giáo dục. Nguồn: internet
Trong trường hợp cần, Bộ Tài chính sẽ phát hành thêm theo phương thức bán lẻ trái phiếu để đầu tư cho y tế, giáo dục. Nguồn: internet

Chủ yếu phát hành TPCP cho tổ chức

Thuộc phạm vi quản lý của mình, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật (Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Thông tư số 17/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước), việc phát hành TPCP được thực hiện theo 4 phương thức.

Đó là: Đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; Đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành. Trong đó, 2 phương thức đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành chủ yếu dành cho nhà đầu tư có tổ chức; còn 2 phương thức đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành chủ yếu dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ (người dân).

Thực tế triển khai từ năm 1990 đến nay, việc phát hành TPCP trong giai đoạn đầu được thực hiện theo phương thức bán trực tiếp cho người dân, sau đó chuyển dịch dần sang phương thức bán cho nhà đầu tư tổ chức cùng với sự phát triển của thị trường tài chính.

Từ năm 2000 đến nay, Bộ Tài chính chủ yếu phát hành TPCP cho nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư).

Việc Bộ Tài chính không phát hành TPCP theo phương thức bán lẻ chủ yếu là do người dân không có nhu cầu đầu tư vào TPCP. Lý do xuất phát từ việc TPCP thường có kỳ hạn dài trên 2 năm và không có chương trình rút trước hạn.

Bên cạnh đó, lãi suất không hấp dẫn so với các kênh tiết kiệm hoặc đầu tư khác. Ví dụ lãi suất TPCP kỳ hạn 1 năm tại thời điểm tháng 1/2014 là 6,04%/năm, trong khi đó lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại kỳ hạn 12 tháng là 7,50%/năm.

Thêm một lý do nữa khiến người dân không mấy “mặn mà” đầu tư vào TPCP đó là, mức độ linh hoạt kém hơn so với các sản phẩm tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, đứng từ giác độ của tổ chức phát hành, phương thức phát hành bán lẻ có chi phí rất cao cho nhà nước (chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản ấn chỉ, tổ chức phát hành), trong khi khối lượng phát hành trái phiếu qua phương thức bán lẻ rất nhỏ.

Phương thức bán lẻ không thành công

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2009-2010 phát hành TPCP dưới phương thức bán lẻ không thành công, chỉ huy động được 900 tỷ đồng vào năm 2009, tương đương với 4,7% tổng khối lượng phát hành TPCP năm 2009.

Về kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia trên thế giới đều tập trung vào việc phát hành TPCP cho các nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm), khối lượng huy động TPCP từ người dân hạn chế.

Xuất phát từ thực tế phát hành và kinh nghiệm quốc tế, việc phát hành như hiện nay (đấu thầu) là vừa đảm bảo cho Chính phủ huy động vốn hiệu quả (đạt khối lượng cao với mức chi phí phát hành thấp) vừa vẫn đảm bảo người dân có thể đầu tư gián tiếp vào TPCP thông qua khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (các ngân hàng đầu tư vào TPCP).

Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp cần huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân, ví dụ cho các dự án có tính chất xã hội cao, trên phạm vi toàn quốc, Bộ Tài chính sẽ phát hành thêm qua phương thức bán lẻ trái phiếu, như chương trình phát hành công trái năm 2005 để đầu tư cho giáo dục và y tế.

Về huy động vốn trong năm 2014, Bộ Tài chính cho biết, mức phát hành TPCP cho đầu tư năm 2014 là 100.000 tỷ đồng, cộng với huy động cho bù đắp bội chi (224.000 tỷ đồng) và đảo nợ (70.000 tỷ đồng), thì tổng số phải huy động trong năm 2014 tăng gần 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2013. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2014.

Trong số 100.000 tỷ đồng, có 60.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch giai đoạn 2011/2015 và thêm 40.000 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2014-2016. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã ra Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014/2016, theo đó phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng để đầu tư: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên 61.680 tỷ đồng; Các dự án, công trình dở dang đã có trong danh mục vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 sau khi rà soát nhưng còn thiếu vốn 73.320 tỷ đồng; Chương trình Mặt trận Quốc gia nông thôn mới 15.000 tỷ đồng; Vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA 20.000 tỷ đồng.