Ngân hàng trong nước: Chủ động trong sự cạnh tranh

Hồng Nhung

TCTC Online - Kể từ sau khi gia nhập WTO năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Trong đó, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào hệ thống tài chính Việt Nam đã đem lại cho nền kinh tế những bước tiến mới.

Khi mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đã khiến cho sự vân động của nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng và thuận tiện hơn, góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Việc phát triển hệ thống các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đem lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế đất nước. Bởi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định; ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả.

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh toàn cầu của các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Chính vì vậy, mặc dù bối cảnh nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng ngoại vẫn đang tích cực mở rộng thị phần, trong đó chủ yếu tập trung vào các khách hàng cá nhân với công cụ tài chính bán lẻ. Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài đang triển khai các hoạt động tiếp thị, với các chính sách về tín dụng, tiền gửi với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng cá nhân như vay mua nhà, vay tiêu dùng…

Chẳng hạn, Hong Leong Bank cho vay mua nhà thế chấp bằng bất động sản với lãi suất ưu đãi 8,8%/năm trong 3 tháng đầu tiên, giải ngân từ ngày 12/9 đến 11/12/2012; HSBC áp dụng lãi suất 9%/năm cho khách hàng cá nhân trong 3 tháng đầu tiên; lãi suất cho khách hàng vay mua nhà tháng đầu tiên của ngân hàng AZN là 12%/năm… Với nhiều chính sách ưu đãi và cạnh tranh, các ngân hàng nước ngoài đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đỗi với khách hàng trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh nguồn vốn trong nước gần như cạn kiệt, rất cần cơ chế để tăng nguồn vốn ngoại đầu tư vào ngân hàng trong nước. Trong tương lai, khi sức khỏe của hệ thống ngân hàng ổn định, cần mở cửa hoàn toàn lĩnh vực ngân hàng.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng nước ngoài cũng có vai trò quan trọng trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ. Hiện nay, một số ngân hàng trong nước và nước ngoài đang cùng hợp tác phát triển để nâng cao lợi thế cạnh tranh bởi mỗi ngân hàng đều có một chiến lược phát triển và thế mạnh riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển nhanh chóng, các ngân hàng ngoại đang đặt các ngân hàng trong nước vào cuộc cạnh tranh giành thị phần để đạt lợi nhuận cao. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế khi Chính phủ đang cố gắng kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những kinh nghiệm quản trị, công nghệ tiên tiến và nguồn vốn được hỗ trợ từ tập đoàn mẹ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến hệ thống ngân hàng thoát khỏi trì trệ, nâng hạn mức tín dụng hoạt động, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các ngân hàng ngoại từ các ngân hàng trong nước bởi e ngại tình trạng các ngân hàng trong nước bị thâu tóm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, nền kinh tế nước ta vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn nên cổ phiếu ngân hàng bị định giá rất thấp. Nếu nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần của các ngân hàng ngoại, có thể sẽ xảy ra trường hợp ngân hàng ngoại ồ ạt mua lại các ngân hàng trong nước. Và khi nền kinh tế phục hồi, hệ thống ngân hàng đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước có tiền cũng không thể mua lại.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam có thể thực hiện việc tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng mà không phải phụ thuộc vào các nguồn vốn từ bên ngoài.  Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các ngân hàng trong nước là phát huy những lợi thế cạnh tranh của mình qua những mạng lưới rộng khắp thông qua chi nhánh và sở giao dịch với những khách hàng lâu năm, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank, Vietinbank… Bên cạnh đó, ngân hàng trong nước còn có lợi thế hơn ngân hàng ngoại bởi nắm bắt được phong tục tập quán cũng như tâm lý khách hàng nội địa.

Tuy nhiên, để tăng sức mạnh và giành thế chủ động, các ngân hàng trong nước cần có những bước phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Theo chuyên gia kinh tế, các ngân hàng cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng vốn điều lệ: Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước đồng thời với việc hình thành các tập đoàn tài chính ngân hàng quy mô lớn; Tiến hành sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ thành ngân hàng quy mô lớn để phát huy được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tận dụng được những thế mạnh hiện có của bản thân các ngân hàng này về mạng lưới cũng như hệ thống các khách hàng lâu năm.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng: Tách bạch rõ và thực hiện đầy đủ hai chức năng là quản trị điều hành và quản lý kinh doanh giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành; Hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Hội sở chính đến các chi nhánh theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thông lệ quốc tế đi đôi với tiếp tục mở rộng hợp lý mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch và các kênh phân phối khác của ngân hàng; Chú trọng đa dạng hóa các kênh phân phối từ xa và các kênh phân phối điện tử, tự động nhằm giảm các chi phí

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hóa công nghệ: Xây dựng và phát triển một đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn cao và trách nhiệm trong công việc; đồng thời gắn trách nhiệm và quyền lợi của từng nhân viên với công việc được giao cũng như trong tập thể. Bên cạnh đó, ngân hàng trong nước cần nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thanh toán và thanh toán liên ngân hàng trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo nên một hệ thống thông suốt và an toàn.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một trong những đề án quan trọng của Chính chủ trong Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng cần có những bước tiến chủ động, không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình mà còn tạo ra thương hiệu riêng để cạnh tranh với những ngân hàng ngoại  vốn chiếm nhiều ưu thế hơn.