Ngành bán lẻ Việt gặp thách thức từ đại gia ngoại

Nguyễn Lộc

(Tài chính) Từ tháng 1/2015, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây Việt Nam được xem như một trong những thị trường tiềm năng, có sức hút mạnh đối với nhiều tập đoàn nước ngoài.

Cạnh tranh bán lẻ đang từng ngày đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước. ảnh internet
Cạnh tranh bán lẻ đang từng ngày đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước. ảnh internet

Mới đầu năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến thêm một thương vụ mua bán, sáp nhập, đó là hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã bán 49% cổ phần cho một công ty con thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan - Central Group. Nguyễn Kim là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam về điện máy, trên 20 cửa hàng ở các tỉnh thành phố, Nguyễn Kim đã xây dựng được thương hiệu ở thị trường nội địa.

Với việc tham gia vốn vào Nguyễn Kim, Central Group chính thức mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy ở thị trường Việt Nam sau khi đã phát triển hệ thống cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance; trung tâm thương mại thời trang Robins; cửa hàng thời trang của Anh Marks & Spencer tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi, TP. Hồ Chí Minh. Như vậy Central Group là đơn vị nối tiếp Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thâu tóm các hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc Central Group thì Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. Vì thế, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Central. Trước đó, các đại gia Thái Lan cũng liên tục tăng cường hiện diện trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Khởi đầu là những công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, sự lấn sân đã tiến dần sang mạng lưới phân phối. Berli Jucker của Thái đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart), tiếp đến là thương vụ mua lại thị Metro… và người Thái còn nhiều tham vọng nữa ở thị trường Việt.

Không chỉ các ông chủ Thái, đầu năm 2014, đại diện tập đoàn Aeon – tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương của Nhật Bản cho biết sẽ có kế hoạch mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 1,5 tỉ USD, trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, AEON đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop.

Hiện tại đơn vị này đã rót 500 triệu USD vào Việt Nam cho 3 trung tâm mua sắm tại TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương. Ngoài ra, đơn vị này cũng hợp tác với Citimart, đầu tư vào chuỗi siêu thị Fivimart gồm 15 siêu thị ở phía Bắc. Như vậy, Aeon đang chứng tỏ mình là một tay chơi có nghề trong sân chơi bán lẻ sôi động đang phần nào trở nên chật chội ở Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực thực phẩm, thức ăn nhanh cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật. Vào cuối tháng 7/2014, 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản, công nghiệp thực phẩm đã có buổi kết nối với DN Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Tận dụng tâm lý tin cậy và thích dùng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. Đối tượng hướng đến là các gia đình trẻ chứ không hẳn người giàu có, bởi theo lí giải của người Nhật, với trên 90 triệu dân trong đó được đánh giá dân số trẻ thì nhu cầu mua sắm của đối tượng này rất lớn, và người Nhật sẽ thành công khi nhắm đến đối tượng này.

Cũng ở lĩnh vực bán lẻ, thời gian gần đây Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Với vị thế dẫn đầu, Lotte Mart của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn trên nhiều tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng những trung tâm thương mại được xây dựng theo phong cách hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020, Lotte Mart sẽ có 60 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh thành Việt Nam với 90 - 95% hàng hoá nội địa.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống trung tâm thương mại, Lotte Mart Việt Nam trong tương lai cũng sẽ phát triển đa dạng loại hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam như phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ, hiện hệ thống K-Mart và E Mart cũng đang tìm cơ hội để tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) từng cho biết, Việt Nam có tiềm năng về nông sản, có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, với lợi thế là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ rất đông, người Việt có chi phí ăn uống, mua sắm, tiêu dùng mạnh mẽ hơn hẳn các nước khác trong khu vực. Khi Hiệp định thương mại tư do (FTA) song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết vào đầu quý II-2015 thì khả năng Việt Nam sẽ "mở cửa" rộng hơn thị trường bán lẻ cho doanh nghiệp Hàn Quốc rất lớn.

Như vậy, có thể khẳng định, năm 2015 là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh quy đinh cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO, thì năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối.

Đặc biệt, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Tác động của hiệp định FTA, TPP cũng thúc đẩy xu hướng mua bán, sáp nhập trong ngành công nghiệp bán lẻ. Sức ép cạnh tranh bán lẻ đang từng ngày đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước. Do đó, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ của chúng ta sẽ còn phải làm nhiều việc để chiếm lĩnh “sân nhà” rộng và sâu hơn nữa.