Ngành Hải quan: Đẩy mạnh chống buôn lậu tại các cửa khẩu

PV

(Tài chính) Càng về cuối năm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn càng “nóng” hơn và có những diễn biến phức tạp. Trước tình trạng này, ngành Hải quan luôn phải triển khai quyết liệt nhiều biện pháp ứng phó tại từng đơn vị, địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình, hạn chế buôn lậu…

Diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Hải quan, càng về cuối năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại càng diễn ra phức tạp, vì vậy giai đoạn này cũng là giai đoạn cam go nhất đối với cán bộ hải quan. Có thể nói, hoạt động buôn lậu tại các vùng giáp biên bắt đầu “nóng” dần lên từ quý III cho đến hết Tết Nguyên đán hàng năm. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng quý III/2012, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 5.772 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa ước tính 77,702 tỷ đồng. Các địa bàn trọng điểm là khu vực Móng Cái - Quảng Ninh, cửa khẩu Hữu Nghị Tân Thanh - Lạng Sơn, Tà Lùng - Cao Bằng... Vi phạm tập trung ở nhóm hàng tiêu dùng như thuốc lá, nước giải khát, mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm, đường, gia súc, gia cầm, đồ điện tử... Bên cạnh đó, hiện tượng buôn lậu pháo nổ, pháo hoa xảy ra manh mún, chủ yếu tại địa bàn tuyến biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Các đối tượng mua pháo hoa dạng dàn, dạng bánh và pháo tép từ Trung Quốc rồi dùng thủ đoạn chia nhỏ, cất giấu trong thùng các-tông, bao tải, vùi trong hàng hóa khác để vận chuyển vào nội địa.

Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Đồng Tháp, An Giang... hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường kết tinh cũng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do cầu tiêu thụ của người dân cùng với việc giá đường trong nước cao hơn hơn giá khu vực. Tận dụng thời cơ này, các đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn thay đổi bao bì, nhãn mác đường kính lậu thành đường Việt Nam, sau đó dùng xe gắn máy, ôtô tải vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Đại diện Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu cho rằng, tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu có nhiều thành phần khác nhau. Cầm đầu các hành vi buôn lậu thường không xuất hiện mà mua hàng qua trung gian, thuê người dân địa phương với hình thức khoán gọn trách nhiệm, vật chất với người vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, xé lẻ thuê người mang vác hàng hóa qua đường mòn, đường tắt hai bên cánh gà các cửa khẩu từ Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam sau đó tiếp tục vận chuyển bằng các loại phương tiện để đi sâu vào nội địa. Nhiều đối tượng lợi dụng việc mua lại hàng hóa của cư dân biên giới thuộc diện được hưởng ưu đãi để trộn hàng nhập lậu vào hàng có hóa đơn nên việc kiểm soát, phát hiện rất khó khăn. Mặt khác, đối tượng buôn lậu lại manh động, sẵn sàng kích động tổ chức cướp lại hàng hóa khi bị các lực lượng chức năng ngăn chặn. Thời gian vận chuyển hàng lậu vào nội địa của các đối tượng thường vào buổi trưa, ban đêm đến trước khi trời sáng hoặc vào thời điểm tan tầm, giao nhận ca trực của các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu sử dụng bộ đàm, điện thoại di động canh gác ở ngã ba, ngã tư theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu và báo ngay cho nhau nhằm đối phó, trốn tránh gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát, chống buôn lậu.

Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất hàng hóa để buôn lậu, trốn thuế trên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng. Do khu vực biên giới Trung Quốc tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh thời gian qua thường xuyên rơi vào tình trạng "cấm biên" dẫn đến hàng hóa tạm nhập chuyển hướng tái xuất về khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Qua đó, đã phát hiện dấu hiệu doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập - tái xuất để vận chuyển, tiêu thụ trái phép hàng hóa vào nội địa gây thất thu thuế, ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành giá cả thị trường trong nước.

Triển khai mạnh các biện pháp chống buôn lậu

Ngành Hải quan xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị và càng về cuối năm công tác này càng được đề cao, chủ động, quyết liệt trong hành động. Qua công tác nắm tình hình cho thấy tình trạng xuất nhập lậu sản phẩm động vật hoang dã, lâm sản, hàng điện tử điện lạnh, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trên tuyến đường bộ vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma tuý tuyến đường bộ, đường biển và biên giới trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, Cục Hải quan Quảng Ninh thường xuyên, định kỳ đánh giá, nắm diễn biến tình hình để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả. Tiêu biểu như Đội kiểm soát Hải quan số 1 trong 3 ngày liên tiếp (ngày 9, 11 và 14-9-2012), Đội đã bắt giữ 5.000 kg thiếc thỏi xuất lậu, trị giá ước tính 500 triệu đồng và bắt giữ 5.500 bao thuốc lá điếu KENT xuất lậu. Ngày 20/9/2012, Đội Kiểm soát Hải quan số 2 bắt giữ 4 phương tiện vận chuyển gà con giống dưới 5 ngày tuổi có nguồn gốc từ Trung Quốc, trị giá ước tính 354.000.000 đồng và ngày 21/9/2012, Đội kiểm soát Hải quan số 2 tiếp tục bắt giữ 342 chai rượu Chivas do nước ngoài sản xuất...

Song song với việc củng cố, kiện toàn lực lượng kiểm soát chống buôn lậu. Cục cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) trong công tác đấu tranh, phòng ngừa buôn lậu, gian lận thương mại sát với tình hình từng thời kỳ, giai đoạn để xây dựng các phương án đấu tranh chống gian lận thương mại trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đến nay, Cục Hải quan tỉnh đã bắt giữ 619 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá và vi phạm thủ tục hải quan, trị giá 24,543 tỷ đồng, tăng 19,7% về số vụ và tăng 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó bắt giữ 5 vụ với 8 đối tượng vận chuyển và buôn bán trái phép ma tuý các loại.

Theo ông Hoàng Khánh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn: Từ đầu năm, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, xác định địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để kết hợp trong đấu tranh. Các đơn vị chủ động, tăng cường phối hợp với công an, quản lý thị trường trong đấu tranh chống buôn lậu để không xảy ra điểm nóng. Những tháng giáp Tết nguyên đán, ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm, hoa quả có thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng vận chuyển qua biên giới trái phép, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu đang tiến hành rào dây thép gai, tổ chức lực lượng túc trực 24/24 tại các điểm nóng. Các đơn vị cũng tăng cường giám sát cư dân biên giới qua cửa khẩu chính. Cục Hải quan Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám soát đối với mặt hàng nhập khẩu có tính nhạy cảm, mức độ rủi ro cao.

Tại Chi cục Hải quan Tân Thanh, nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế địa phương cũng đã được triển khai tích cực nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu gian lận thương mại dịp cuối năm. Cụ thể như, tăng cường công tác trinh sát, nắm tình hình, chủ động phối hợp giữa các tổ, đội nghiệp vụ trong đấu tranh, phát hiện, xử lý với các mặt hàng có thuế suất cao, mặt hàng xuất nhập khẩu có điều kiện. Lực lượng chống buôn lậu tại đây đặc biệt lưu ý các trường hợp sử dụng luồng xanh, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn bán, vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, vũ khí, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, để đảm bảo công tác chống buôn lậu cuối năm đạt kết quả tốt, cục hải quan các tỉnh, các chi cục hải quan cửa khẩu và các đội kiểm soát hải quan luôn sẵn sàng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Điển hình như cụ thể hoá các phương án, kế hoạch đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của đơn vị mình phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Trong công tác nghiệp vụ, các đội kiểm soát đặc biệt quan tâm đến tổ chức thu thập thông tin, xây dựng cảnh báo đối với những lô hàng đông lạnh thuộc loại hình tạm nhập, tái xuất mở tờ khai tại các cửa khẩu, cửa cảng… Đồng thời, tăng cường chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Cục Hải quan các tỉnh cũng đã xây dựng cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng sửa chữa tờ khai điện tử để sửa luồng tờ khai, gian lận thương mại... Các đơn vị tăng cường hoạt động thu thập thông tin công khai và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát đối với các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng phế liệu, mặt hàng thuốc lá điếu.

Bên cạnh đó, các lực lượng hải quan còn tăng cường thu thập thông tin, cảnh báo về thủ đoạn cất giấu ma tuý, tiền chất trong hàng hoá nhập khẩu nhằm tập trung “đánh” mạnh vào các phương thức thủ đoạn, hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mới của các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác thu thập thông tin và xây dựng các kế hoạch, lập các chuyên án đấu tranh để công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt kết quả cao. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan chức năng phản ánh kịp thời, khách quan tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm.