Ngành nào góp mặt trong nhóm tăng trưởng năm 2019?

Theo Mộc Miên/reatimes.vn

Dù có thể tăng trưởng chậm lại nhưng ngành ngân hàng và bất động sản vẫn tiếp tục nằm trong những nhóm ngành kỳ vọng tăng trưởng tốt năm 2019. Ngoài ra, ngành bán lẻ, điện, phân bón, cảng, hàng không kỳ vọng cũng sẽ có ấn tượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhóm ngành ngân hàng và bất động sản ra sao năm 2019?

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) xếp nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, thép là 3 trong những nhóm có nhiều triển vọng nhất trong năm 2019.

Ngành ngân hàng còn dư địa tăng trưởng trong năm 2019, dù lãi suất đang gặp những áp lực nhất định. Kết quả kinh doanh các ngân hàng tiếp tục chứng kiến sự phân hoá rõ rệt dựa trên cơ sở chất lượng tài sản và NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống. Kỳ vọng, những tiêu chuẩn an toàn hệ thống được áp dụng sẽ thúc đẩy hệ thống ngân hàng lành mạnh hoá và tăng trưởng thực chất.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam có triển vọng rất tích cực do dòng tiền của các nhà đầu tư FDI được dự báo tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các các công ty Trung Quốc dịch chuyển các xưởng sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nhân công dồi dào với chi phí cạnh tranh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, ngành thép được VCBS dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường xây dựng, sự phục hồi của đầu tư công. Bức tranh thị phần ngành thép sẽ có sự thay đổi khi HPG hoàn thành tăng công suất tại Dung Quất. Giá thép được dự báo giảm nhẹ do chịu áp lực từ biến động thế giới, mức độ giảm giá sẽ ở mức vừa phải nhờ sự hỗ trợ của thuế tự vệ và chi phí sản xuất cao của nhóm lò điện trong nước.

Ở một góc nhìn khác về ngành ngân hàng, quỹ ngoại VinaCapital, nhóm ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng. Lợi nhuận của nhóm này năm nay được ghi nhận tốt nhờ thanh toán trả trước từ các công ty bảo hiểm quốc tế cho ngân hàng trong nước, đổi lấy việc các ngân hàng đó tham gia những thỏa thuận bảo hiểm ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của họ.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu quý I giảm khoảng 100 - 150 điểm cơ bản, tạo lợi nhuận vượt mức tại những ngân hàng chuyên về giao dịch trái phiếu. Lợi nhuận từ thoái vốn trong đầu tư vốn tại công ty con cũng là một yếu tố.

Tuy nhiên, năm 2019, VinaCapital cho rằng, khả năng nhóm ngân hàng sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như năm 2018 khi các yếu tố trên không xuất hiện. Thứ nữa, tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 giảm là tăng trưởng nợ toàn hệ thống có thể giảm từ 16% trong năm nay xuống còn 14%, khiến tăng trưởng EPS lõi lĩnh vực ngân hàng giảm 4%. Các cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với nhóm tăng trưởng lợi nhuận của các công ty phát triển bất động sản Việt Nam giảm từ hơn 100% trong năm nay xuống còn 17% trong năm 2019 do các hoạt động trên thị trường này bắt đầu giảm sau nhiều năm tăng mạnh. Theo thống kê của Savill hay JLL, tổng số dự án nhà ở mới mở bán tại TP.HCM và Hà Nội giai đoạn 2014 - 2017 thường tăng theo chu kỳ: năm sau cao gấp đôi năm trước. Các cổ phiếu bất động sản cũng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhóm ngành bán lẻ và điện sẽ có nhiều điểm nhấn

Ngoài ngân hàng và bất động sản, ngành bán lẻ cũng được các tổ chức dự báo sẽ có động lực tăng trưởng chính từ mức tăng thu nhập bình quân và tỷ lệ đô thị hóa ngày một mở rộng. Xu hướng bán lẻ hiện đại du nhập qua hình thức M&A ngày một phát triển, trong đó hình thức siêu thị mini đang là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn ngành, dần thay thế cho các đơn vị chợ truyền thống và đại siêu thị.

VCBS cho rằng, tăng trưởng ngành điện sẽ có sự phân hóa rõ rệt trong năm 2019 do nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng đều trong khi tổng công suất tăng trưởng chậm hơn và thủy điện dự kiến kém khả quan trong thời gian tới do El Nino. Nhiệt điện, đặc biệt là điện than sắp tới sẽ được huy động hết công suất cùng sự đóng góp từ các dự án điện mặt trời vào năm 2019.

Ngành phân bón được dự báo tăng trưởng vừa phải với nhu cầu phân vô cơ đang có xu hướng chững lại. Khả năng Luật thuế VAT mới cho các sản phẩm phân bón được Quốc hội thông qua vẫn được bỏ ngỏ trong năm 2019. Hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước có thể tạo ra những cơ hội mới trong triển vọng kinh doanh của các công ty trong ngành

Ngành Cảng biển tiếp tục được hưởng lợi nhờ xu hướng tích cực của hoạt động thương mại. Các doanh nghiệp sở hữu Cảng biển tại vị trí thuận lợi, có mối quan hệ lâu năm với khách hàng và đã mở rộng công suất sẽ có triển vọng tăng trưởng kinh doanh cùng với xu hướng chung của ngành.

Ngành hàng không tăng trưởng giảm tốc với tỷ trọng tăng chủ yếu từ thị trường quốc tế. Việc mở rộng quy hoạch, phân bổ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nới lỏng điều kiện gia nhập ngành cho khối tư nhân sẽ khiến bức tranh ngành Hàng không có nhiều biến chuyển và tạo ra sự phân hóa trong triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, với những tập đoàn lớn trong nước đang và sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới như VEA, Lilama, Viglacera…, nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng nguồn tiền lớn sẽ quay lại thị trường trong năm 2019.