Thứ trưởng Phùng Đức Tiến:

Ngành nông nghiệp chuyển sang thể chủ động trước dịch bệnh Covid-19

Theo Phương Linh/nhadautu.vn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới, nông sản xuất khẩu chính ngạch vẫn đảm bảo bình thường.

 Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đến thăm trại nuôi gà đẻ của Dabaco để kiểm tra, nắm bắt tình hình chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: K. Lực
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đến thăm trại nuôi gà đẻ của Dabaco để kiểm tra, nắm bắt tình hình chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: K. Lực

Năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu, đặc biệt lại chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi.

Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là 341.957 tấn.

Hiện đã có hơn 8.000 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc hơn 600 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày. Cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Như vậy, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả.

Mới đây, trong buổi tiếp đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - những người trực tiếp nghiên cứu và tạo ra một chủng virus nhược độc có hiệu quả tốt chống lại chủng virus dịch tả lợn châu Phi đang gây ra các ổ dịch tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á hiện nay. Qua đó, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã đề nghị phía Hoa Kỳ chuyển giao chủng virus đã nghiên cứu thành công và cắt bỏ gien độc (ASFV-G-ΔI177L) cho Việt Nam để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Dù vẫn trong quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp Việt lại phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến về thực trạng dịch bệnh cũng như công tác phòng chống của Bộ NN&PTNT đối với dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, qua kiểm tra thực tế tại một số trang trại của các DN, công tác thú y cũng như công tác phòng dịch hiện nay được triển khai như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cúm gia cầm đang xuất hiện tại 5 địa phương, trong đó có 16 ổ dịch, 14 ở dịch H5N6, 2 ổ dịch H5N1. Có thể nói, hằng năm mùa vụ này thường xảy ra ở những địa phương với tính chất nhỏ lẻ, chưa tiêm vaccine. Tại một số trang trại lớn, cơ sở chăn nuôi tập trung, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phòng cúm gia cầm tương đối tốt, tỷ lệ được tiêm vaccine tương đối cao và khả năng bảo hộ khá tốt.

Trong cả quá trình Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Thú y có một chương trình giám sát, cho thấy tỷ lệ cúm còn rất thấp. Trong dịch cúm gia cầm, chúng ta đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động giám sát và có phương án phòng ngừa hiệu quả.

Để tiếp tục công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng như dịch tả lợn châu Phi, hiện nay Bộ NN&PTNT sẽ có những chỉ đạo tiếp theo như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Có thể khẳng định, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều văn bản. Đồng thời, tiến hành kiểm tra để xem các cơ sở địa phương và các tổ chức thực hiện như thế nào.

Kết quả, dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ 1/2/2019, đến tháng 5/2019 phải tiêu hủy 1,27 nghìn con, nhưng đến tháng 12/2019 chỉ phải tiêu hủy khoảng 38.172 con lợn, tháng 1/2020 chỉ phải tiêu hủy 12.000 con lợn và đến tháng 2/2020 dự kiến tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn. Đây chính là điều kiện rất tốt để các cơ sở chăn nuôi tập trung, cũng như các trang trại có điều kiện tái đàn và tốc độ tái đàn từ tháng 8/2019 đến nay tăng tương đối tốt. Dự kiến kết quả tái đàn sẽ đạt đỉnh cao vào tháng 6/2020 và nguồn cung thực phẩm sẽ đáp ứng trên dưới 4 triệu tấn thịt lợn trong năm 2020.

Thưa Thứ trưởng, trước diễn biến của dịch bệnh, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước áp lực tăng trưởng rất lớn, trong khi việc xuất khẩu kiểm soát rất chặt cũng như giá cả những mặt hàng nông sản đang có chiều hướng giảm. Bộ NN&PTNT có những kịch bản như thế nào để mức tăng trưởng đạt được như kỳ vọng?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ NN&PTNT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới, nông sản xuất khẩu chính ngạch của chúng ta vẫn đảm bảo bình thường. Ví dụ trong những ngày vừa qua, chỉ trong một ngày cửa khẩu Hữu Nghị đã thông quan và cho đi hơn 100 xe nông sản, tại Lào Cai đã cho đi tương đối tốt.

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giúp sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi

Do đó, khi ách tắc 362 xe đầu tiên tại cửa khẩu chúng ta đã xử lý rất kịp thời. Có thể khẳng định rằng, ngoài việc giải quyết nông sản ứ đọng, chúng ta có một loạt các giải pháp khác.

Một là, tạm trữ và chế biến phải tăng cường, vừa qua Bộ trưởng NN&PTNT đã đi kiểm tra các tỉnh có cơ cấu sản xuất và chế biến, yêu cầu tập trung vào tạm trữ và chế biến sâu.

Hai là, kết nối các thị trường trong nước, đặc biệt là các siêu thị, cùng với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức tiêu thụ nội địa với hiệu quả khá tốt.

Ba là, phải tập trung vào xúc tiến thị trường thương mại. Đơn cử, tháng 2/2020 Bộ NN&PTNT sẽ có một đoàn sang Mỹ và Dubai, tháng 3/2020 có đoàn đi Brazil, tháng 4/2020 có một đoàn đi Mỹ. Ngoài ra, còn có các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ. Bộ NN&PTNT sẽ cùng Bộ GTVT mở đường bay trực tiếp tới Ấn Độ xúc tiến nông sản Việt Nam sang Ấn Độ cũng đang được triển khai rất quyết liệt.

Hơn nữa, trên cơ sở tổng quan cần thiết phải áp dụng những tiến bộ KHCN để giảm áp lực nông sản vào những thời điểm cao điểm.

Phải cơ cấu lại toàn bộ các hệ thống sản phẩm để phù hợp với thị trường, đồng thời tăng cường được hạ tầng và chế biến sâu để giá trị gia tăng cao và khi thực thi những FTA thế hệ mới chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường cấp cao.

Như Bộ NN&PTNT nêu, tình trạng dịch bệnh chúng ta đang kiểm soát, vậy Bộ NN&PTNT đánh giá như thế nào về công tác thú y trong suốt thời gian dịch bệnh cũng như nhiều dịch bệnh mới xuất hiện, thưa Thứ trưởng?

Từ đầu Thế kỷ 21 đến nay, khoảng 75% dịch bệnh từ động vật lây sang người, chẳng hạn như bệnh dịch nguy hiểm là Covid-19. Như vậy, trong thời gian vừa qua chúng ta tổ chức chống dịch, ban hành cơ chế chính sách và chỉ đạo rất tốt. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đó là hệ thống thú y ở nhiều tỉnh thành hiện sáp nhập lại thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp.

Do vậy, để làm tốt công việc phòng chống dịch cần tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm của các phòng thí nghiệm, xây dựng được phòng sinh học cấp độ 3. Từ đó, thử được các sản phẩm sinh học cũng như vaccine. Hai là, cấp đầy đủ hệ thống trang thiết bị hóa chất cho các địa phương. Đồng thời, phải khôi phục lại được hệ thống thú y địa phương theo đúng Điều 6 của Luật Thú y. Và trong chỉ thị 34 của Ban Bí thư đã nêu rõ, Nghị quyết 42 của Chính phủ và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội cũng đã khẳng định điều này.

Cho nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương cùng Bộ NN&PTNT trình lên trung ương để làm sao thực hiện đúng chỉ đạo trong Nghị quyết 42, chỉ thị 34 và Nghị quyết 100 của Quốc hội.

Hiện nay giải pháp vaccine đối với gia cầm cũng như dịch tả lợn châu Phi đang được thực hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?

 Trước hết, về vaccine dịch tả lợn châu Phi, khi dịch bệnh xảy ra Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai đề cương và đấy là sản phẩm quốc gia của Bộ KH&CN, được Bộ KH&CN ủng hộ rất cao.

Hiện, một loạt các đề tài như về đặc điểm dịch tễ của virus dịch tả lợn châu Phi, cả về phân tử và hiện trường đều được triển khai.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về vaccine về vô hoạt, tái tổ hợp và nhược độc cũng đã được triển khai một cách đồng bộ. Việc nghiên cứu những chế phẩm để ức chế và xử lý virus gây ra dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chúng ta đã phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và đã có đoàn của Mỹ công bố nghiên cứu về vaccin dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu Hoa Kỳ đang cùng với Bộ NN&PTNT tập trung vào tập đoàn Dabaco để nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi phù hợp với Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu và phát triển trong giai đoạn tới.

Riêng về vaccine cúm gia cầm, trong nhiều năm qua chúng ta đã nghiên cứu và thành công, về dịch H5N1 đang triển khai tổ chức sản xuất cũng như cung ứng, dự trữ để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!