Ngành Tài chính: Trên đà thắng lợi

PV.

(Tài chính) Mục tiêu của Ngành Tài chính năm 2015 là: Huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, từng bước cơ cấu lại NSNN, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp, công tác tài chính - NSNN năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực. Thu NSNN đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Căn cứ Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN đã được Quốc hội quyết định, đồng thời, thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Bộ Tài chính đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015 như sau:

Công tác thu - chi ngân sách:

1. Về thu NSNN: Dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 Quốc hội quyết định 911,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó: (i) thu nội địa 638,6 nghìn tỷ đồng; (ii) thu dầu thô 93 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở sản lượng 14,74 triệu tấn, giá bình quân 100 USD/thùng); (ii) thu cân đối từ hoạt động XNK 175 nghìn tỷ đồng (tổng số thu 260 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế GTGT 85 nghìn tỷ đồng); (iv) thu viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng. Căn cứ dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn dự toán giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.

2) Về chi NSNN: Dự toán chi NSNN năm 2015 Quốc hội quyết định 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,4 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu), đòi hỏi phải phân bổ, quản lý, sử dụng hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội quy định các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định; không ứng trước dự toán ngân sách năm sau, trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBTVQH quyết định; trường hợp vốn ODA giải ngân vượt dự toán, phải báo cáo UBTVQH trước khi thực hiện; rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ xem xét xử lý chuyển nguồn đối với những khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết.

3) Bội chi NSNN: Quốc hội đã quyết định mức 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5%GDP. Nhiệm vụ huy động vốn năm 2015 là rất nặng nề, ngoài việc huy động để bù đắp bội chi NSNN 226 nghìn tỷ đồng; còn thực hiện phát hành TPCP 85 nghìn tỷ đồng cho đầu tư và đảo nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

 Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2014 và dự toán NSNN năm 2015, ngành Tài chính dự kiến kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội như sau:

(1) Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN bình quân khoảng 21%GDP, khá sát với yêu cầu Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP). Việc giảm tỷ lệ huy động (từ mức 24,9%GDP năm 2011 xuống 19,7%GDP năm 2014), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh; tuy nhiên ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách.

(2) Tỷ trọng chi NSNN so GDP giai đoạn 2011-2015 khoảng 28,4%GDP (giai đoạn 2006-2010 khoảng 32,5%GDP), nếu tính cả TPCP và XSKT thì đạt khoảng 30,4%GDP. Trong đó đã thực hiện tăng chi cho con người, thực hiện các chính sách ASXH, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngân sách.

(3) Bội chi NSNN cao hơn mục tiêu đến năm 2015 bội chi NSNN ở mức 4,5%GDP. Bên cạnh đó, giai đoạn 2011-2015 phát hành 335 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển (gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010). Mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép, song dư nợ công tăng (dự kiến đến 31/12/2015, dư nợ công khoảng 64%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,6%GDP), xuất hiện một số yếu tố ảnh hưởng đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia cần phải nghiên cứu ứng phó.

Bước vào năm mới:

Năm 2015 dự báo có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tăng trưởng kinh tế phấn đấu khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: SX-KD phục hồi chậm, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; áp lực của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước; diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết, thiên tai; nguy cơ dịch bệnh bùng phát...; đặc biệt là giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm mạnh, điều này sẽ tác động đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và cân đối thu, chi NSNN năm 2015. Mặt khác, năm 2015 cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia.. . do đó, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực hơn nữa, phát huy thắng lợi của năm 2014, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thu – chi ngân sách của năm 2015.