Ngành xi măng không còn nỗi lo cung vượt cầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kết thúc năm 2014, ngành xi măng tiêu thụ đạt 70 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2013; xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm trước; lượng xi măng tồn kho giảm mạnh, chỉ còn khoảng 600.000 tấn. Nối tiếp những kết quả đó, trong năm 2015, nhiều chuyên gia tin tưởng, nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục được cải thiện, không còn lo tình trạng cung vượt cầu.

Ngành xi măng không còn nỗi lo cung vượt cầu
Trong năm 2015, nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục được cải thiện, và ngành xi măng không còn lo tình trạng cung vượt cầu. Nguồn: internet
Trong những năm qua, ngành xi măng nước ta luôn phải đối diện với nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nhất là khi hàng loạt dây chuyền sản xuất được đưa vào hoạt động. Và hệ quả là ngành xi măng luôn ở trong tình trạng khó khăn, với nỗi lo cung tăng, cầu giảm; điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng lâm vào cảnh nợ nần, phá sản; giá bán giảm sút mạnh... Tính đến đầu năm 2015, cả nước có 74 dây chuyền sản xuất xi măng đang vận hành, tăng 3 dây chuyền so với thời điểm đầu năm 2014, với tổng công suất thiết kế là 77,35 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm 2014, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ đạt hơn 70 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2013; xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm trước; lượng xi măng tồn kho giảm mạnh, chỉ còn khoảng 600.000 tấn. Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng Lê Văn Tới, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm 2014 đều vượt kế hoạch đề ra là dấu hiệu chuyển biến tích cực của thị trường xi măng. Những chuyển biến này được tác động bởi khối lượng xây dựng của cả nước đã có sự tăng trưởng khi thị trường bất động sản ấm lên. Các công trình hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được Nhà nước chú trọng đầu tư nên tiêu thụ xi măng trong nước đã khá hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xi măng cũng đã chú trọng tới việc mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Từ những kết quả đạt được của ngành xi măng năm 2014, nhiều chuyên gia tin tưởng, trong năm 2015, nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục được cải thiện, và ngành xi măng không còn lo tình trạng cung vượt cầu. Theo phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), Nguyễn Hoàn Cầu, năm 2015, ngành xi măng sẽ tập trung tiêu thụ chủ yếu ở khu vực đầu tư công với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn và khu vực nhà ở dân sinh. Trong khi đó, lượng cung sẽ tăng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân do, vừa qua Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 5 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch; đồng thời, hoãn thực hiện 9 dự án đến giai đoạn sau năm 2015. Như vậy, dự kiến năm 2015 chỉ có 1 dây chuyền xi măng mới được đưa vào sản xuất, điều này góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu. Bộ Xây dựng tính toán, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2015 sẽ đạt khoảng 71 - 73 triệu tấn, tăng 4 - 7% so với năm 2014; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 52 - 53 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 19 - 20 triệu tấn.

Còn về khối lượng xi măng tồn kho năm 2014, mặc dù là 600.000 tấn nhưng sẽ không gây ra nhiều trở ngại đối với các doanh nghiệp. Nguyên nhân do phần lớn lượng hàng tồn kho dưới dạng clinker (nguyên liệu để sản xuất, nghiền thành xi măng) nên có thể lưu kho lâu hơn, để đến giữa năm 2015 vẫn tiêu thụ được. Lượng hàng tồn kho này chỉ làm doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa chậm đi, nhưng không đáng lo khi các doanh nghiệp vẫn giữ vững những thị trường tiêu thụ truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2015, ngành xi măng phải vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, như: giá bán khó tăng, trong khi giá thành sản xuất xi măng sẽ phải tăng chi phí khi giá điện đã tăng; chi phí vận tải cũng bắt đầu tăng khi giải pháp kiểm soát tải trọng xe được đưa vào thực hiện... Những điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng của doanh nghiệp. Các chuyên gia khuyến nghị, các đơn vị sản xuất xi măng cần tập trung triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Hoàn thiện mạng lưới kinh doanh xi măng, nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng; đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các dự án tận dụng nhiệt thải lò nung trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện. Tận dụng nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường...