12 dự án nghìn tỷ thua lỗ - Giờ ra sao?

Theo Hồng Loan/daibieunhandan.vn

Chính phủ gửi tới các Đại biểu Quốc hội báo cáo cập nhật kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ trong ngành công thương. Dù có 2 dự án được đề xuất đưa ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả trên bình diện tổng thể, mục tiêu “đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp” khó mà đạt được.

Một góc Dự án Gang thép Thái Nguyên. Nguồn: Internet
Một góc Dự án Gang thép Thái Nguyên. Nguồn: Internet

Đề xuất đưa 2 dự án ra khỏi danh sách

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép đưa Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Lý do là 2 dự án đã cơ bản xử lý được các khó khăn, vướng mắc, hoạt động ổn định và có lãi.

Cụ thể, trong năm 2017, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã chạy máy 265 ngày và lãi 14,8 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi và đạt lợi nhuận cao. Trong quý I, tổng sản lượng ước đạt 60,3 nghìn tấn, giá trị doanh thu ước đạt 547,83 tỷ đồng, lãi 15,8 tỷ đồng (quý I/2017, dự án bị lỗ 37,6 tỷ đồng).

Nhà máy thép Việt Trung năm 2017 cũng đạt 423 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đến hết quý I/2018, lợi nhuận ước đạt 319 tỷ đồng, góp phần giảm số lỗ lũy kế xuống còn 446 tỷ đồng, nộp ngân sách 140 tỷ đồng.

Bốn dự án còn lại trong danh sách 6 dự án đang vận hành sản xuất, kinh doanh (gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS) không có được “những tín hiệu tích cực rõ ràng” mà mới chỉ dừng lại ở chỗ “từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định”.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đến ngày 31/5/2018, nhà máy đã tiêu thụ được 67 tấn sản phẩm. Dự kiến đến tháng 12/2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi.

Còn lại, Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi dự kiến vận hành trong tháng 6 này; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước “đang tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy dự kiến vào quý II/2018”.

Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho thì 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.

Trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang tìm kiếm đối tác đầu tư. Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên cho đến nay vẫn chưa giải quyết được tranh chấp và vướng mắc phát sinh của hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc.

4 dự án có khả năng mất vốn

Cũng theo báo cáo này, hiện nay có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 31/1/2018 là 20.847 tỷ đồng, giảm 193 tỷ đồng so với cuối tháng 2/2017. Trong số đó, nguồn cấp tín dụng trung hạn chiếm 83%, giảm được 190 tỷ đồng; còn lại là cấp tín dụng ngắn hạn, giảm 3 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, báo cáo cho biết, một số dự án có dư nợ cấp tín dụng giảm như Dự án Nhà máy thép Việt - Trung giảm 466 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình giảm 139 tỷ đồng và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai  giảm 117 tỷ đồng. Đối chiếu thông tin này với tổng dư nợ tín dụng của 21 dự án chỉ giảm 193 tỷ đồng, có thể suy ra rằng, một số dự án đã tăng dư nợ cấp tín dụng.

Về các khoản nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nợ phải trả đối tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm trên 45 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016, còn lại 10.626 tỷ đồng.

Đến nay, đa số các dự án, doanh nghiệp đều đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ và điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại của các dự án, doanh nghiệp, ngoại trừ Dự án Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án Nhà máy thép Việt - Trung và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn giữ nguyên nợ nhóm 1, các dự án, doanh nghiệp còn lại có phát sinh nợ xấu.

Riêng đối với 6 dự án có vay vốn của VDB, có 4 dự án bị phân vào nhóm 5 là nợ xấu có khả năng mất vốn, bao gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình được xếp vào nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được xếp vào nhóm 2 là nợ cần chú ý.

Nhiều vướng mắc khó xử lý

Cho đến nay, 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

Đối với 5 dự án, nhà máy có vướng mắc đối với quyết toán hoàn thành dự án, mặc dù các bên đã tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý, tuy nhiên, do các khó khăn, vướng mắc đối với hợp đồng EPC cũng như công tác định giá tài sản nên hiện cũng vẫn chưa xử lý được.

Việc huy động, bảo đảm nguồn lực để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp ngày một gian nan. Một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại. Bên cạnh đó, có những dự án vẫn tiếp tục gặp khó khăn cả về thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguyên vật liệu đầu vào.

Bộ Công thương đặt mục tiêu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp thua lỗ. Tuy nhiên nhìn vào những khó khăn trên đây có thể thấy mục tiêu này khó đạt được.

Dù vậy thì dường như, Bộ Công thương vẫn đang quyết tâm vực dậy những dự án này khi đưa ra kiến nghị: Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ đồng ý chủ trương giao trách nhiệm cho các cổ đông nhà nước tại dự án được chủ động biểu quyết cùng với các cổ đông khác của dự án để tăng vốn, bổ sung nguồn lực cho thực hiện các đề án, phương án sản xuất kinh doanh chi tiết để xử lý đạt hiệu quả đạt cao nhất đối với các dự án.