Bán nợ xấu khó từ đâu?

Theo Nguyễn Thoan/nhadautu.vn

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã chính thức có hiệu lực được hơn 3 tháng. Vậy, cho đến thời điểm hiện tại nợ xấu đang được xử lý ra sao tại VACM và các TCTD?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngân hàng, VAMC "ôm" nợ xấu vẫn "thét" giá cao

Ngày 2/11 vừa qua, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp tục gửi đi thông báo bán đấu giá tàn sản lần 8 là tàn sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Xi măng Puzơlan Gia Lai với giá bán khởi điểm là hơn 23 tỷ đồng.

Đây là tài sản được VAMC thông báo bán đấu giá nhiều lần và mỗi lần giá bán khởi điểm đều đã giảm hàng tỷ đồng.

Việc đấu giá mãi không bán được một khoản nợ đặt ra câu hỏi tại sao lại chưa thể bán khoản nợ xấu trên? Là do không tìm được nhà đầu tư quan tâm hay do khâu định giá có vấn đề, quá cao so với giá trị thị trường?

Tài sản bán đấu giá nêu trên là toàn bộ máy móc thiết bị thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai và toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai gắn liền với 44.814 m2 đất tại xã La Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Trong thông báo bán đấu giá không nêu rõ giá trị gốc và lãi của khoản nợ trên tại ngân hàng, nên khó để biết được khoản nợ trên được đấu giá với giá khởi điểm bằng bao nhiêu % giá trị khoản nợ gốc. Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số trường hợp đấu giá các khoản nợ gần đây tại các NHTM có thể thấy đa số các khoản nợ xấu đang được bán đấu giá với giá khởi điểm khá cáo, thường là bằng giá trị sổ sách, giá trị gốc của khoản nợ.

Ngày 30/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM vừa phát đi thông báo lựa chọn Tổ chức bán đấu giá tài sản với tài sản bán đấu giá là Quyền thu hồi các khoản nợ của Công ty CP Thành Vũ Tây Ninh và Công ty TNHH Fujisan với giá trị khoản nợ lên tới trên 205,7 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là trên 169,4 tỷ đồng, nợ lãi là trên 36 tỷ đồng gộp bán cùng lúc.

Điểm đáng lưu ý của thông báo trên là yêu cầu giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tối thiểu bằng nợ gốc.

Đây không phải là trường hợp khoản nợ duy nhất và ngân hàng duy nhất "đòi" bán nợ xấu với giá cao. 

Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) là một trong những ngân hàng tỏ ra khá tích cực trong việc triển khai mua bán nợ xấu theo Nghị quyết 42. Gần đây nhất, ngày 30/11, Agribank phát đi thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất diện tích 330 m2 tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội với giá khởi điểm là gần 11 tỷ đồng, rơi vào khoảng 33 triệu/m2.

Theo khảo sát giá bất động sản tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội được rao bán trên thị trường hiện tại rơi vào khoảng từ 29 triệu/m2 trở lên. Như vậy, có thể thấy giá trị khoản nợ xấu được định giá gần sát với giá bán tài sản cùng loại trên thị trường.

Trong thông báo của Agribank không cho biết giá trị gốc của khoản nợ bao nhiêu, nên không thể biết nó đang được rao bán thấp hơn hay cao hơn giá trị gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, nếu đã là nợ xấu tồn tại tới thời điểm hiện tại thì khoản nợ thường là khó xử lý, đang gặp vướng mắc nào đó khó giải quyết và như vậy mà được giá tương đương với giá thị trường chung thì e rất ít nhà đầu tư tỏ ra mặn mà.

Có hay không vai trò của các tổ chức định giá nợ xấu?

Nghị quyết 42 được Quốc hội chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Đây là nghị quyết dành riêng để xử lý nợ xấu, tín dụng phát sinh trước ngày 15/8/2017 với nhiều kỳ vọng lớn rằng đây sẽ là "cây gậy" quyền lực để xử lý được cục máu đông của nền kinh tế.

Nghị quyết 42 mới có hiệu lực hơn 3 tháng, nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định "bước đầu đã thấy những hiệu quả tích cực từ nghị quyết như việc VAMC, các TCTD thu giữ được các tài sản bảo đảm lớn hay có trường hợp con nợ đã chủ động trả nợ ngân hàng để xử lý nợ xấu, giữ lại tài sản bảo đảm".

Tuy nhiên, cho tới hiện tại chưa thấy một con số cụ thể nào chứng minh cho khẳng định trên, cho thấy Nghị quyết 42 đang làm được điều nhà quản lý kỳ vọng, phán đoán. Dường như con đường biến nợ xấu thành tiền tươi, thóc thật để đưa vào bảng cân đối của các ngân hàng còn là quãng đường dài, mà nguyên nhân lần này dường như xuất phát từ chính bản thân các TCTD trong quá trình định giá nợ xấu.

Nghị quyết 42 đã đồng ý cho các ngân hàng, VAMC bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhưng tại sao hiện nay các khoản nợ xấu vẫn được định giá cao như vậy?

Theo kinh nghiệm mua bán nợ xấu ở nhiều quốc gia thì khoản nợ thường chỉ được định giá ở mức 50% giá trị gốc, thậm chí là 20, 30%, còn ở ta nợ xấu vẫn bán đấu giá với mức giá khởi điểm bằng giá trị nợ gốc.

Vai trò của tổ chức định giá nợ xấu hiện đang nằm ở đâu trong những quá trình mua bán nợ xấu tại VAMC cũng như các TCTD?