Bẫy thanh khoản và Suy kiệt tín dụng?

Nguyễn Huyền Dịu - Nguyễn Thị Thanh Huyền

(Tài chính) Những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm mặt bằng lãi suất và nhiều biện pháp khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh liên tục và ổn định ở mức thấp nhưng tín dụng vẫn tăng thấp so với mục tiêu đề ra, phản ánh sự chuyển tải chính sách tiền tệ (CSTT) qua kênh lãi suất và tín dụng đang gặp khó khăn. Hiện tượng này đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới khiến nhiều người liên tưởng hiện tượng này có liên quan đến hai hiện tượng kinh tế học là “Bẫy thanh khoản” (Liquidity Trap) và “Suy kiệt tín dụng” (Credit Crunch) do có những đặc điểm chung là hệ thống ngân hàng không còn phát huy được vai trò trung gian tài chính của nền kinh tế. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu tổng quan về hai hiện tượng này cũng như mối liên hệ thực tế giữa chúng ở các nền kinh tế trên thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Khái niệm "Suy kiệt tín dụng" và "Bẫy thanh khoản"

Theo quan điểm Keynesian truyền thống, “bẫy thanh khoản” là một hiện tượng mà lãi suất danh nghĩa ngắn hạn đạt ngưỡng rất thấp, thậm chí 0%. Theo mô hình IS-LM, chính sách tiền tệ mở rộng sẽ vận hành thông qua việc giảm lãi suất và kích thích chi tiêu đầu tư. Nhưng khi lãi suất đã giảm đến mức 0% thì CSTT có thể sẽ không còn tác dụng nữa. Vì khi lãi suất giảm tới 0% thì CSTT mở rộng sẽ làm tăng cung tiền để tăng thanh khoản cho nền kinh tế nhưng do lãi suất không thể giảm hơn nữa nên thanh khoản tăng thêm sẽ không có tác dụng kích cầu. Do đó tổng cầu, sản xuất và việc làm sẽ không tăng (Mankiw, 2003, tr. 303). Quan điểm hiện đại về “bẫy thanh khoản” mở rộng hơn, theo đó tại mức lãi suất bằng 0%, CSTT nới lỏng vẫn có thể có hiệu quả miễn là CSTT vẫn có thể làm giảm kỳ vọng lãi suất thực trong tương lai thông qua tăng kỳ vọng lạm phát (Adam và Billi, 2006).

Trong khi đó có 3 luồng quan điểm khác nhau về định nghĩa "Suy kiệt tín dụng". Bernanke và Lown (1991) định nghĩa “Suy kiệt tín dụng” là “sự dịch chuyển rất mạnh sang trái của đường cung tín dụng ngân hàng trong điều kiện lãi suất thực an toàn và chất lượng người đi vay tiềm năng không đổi”, hàm ý tín dụng phải suy giảm "rất mạnh" và giảm ngay cả khi lãi suất cho vay cũng như tiêu chuẩn của người đi vay tốt. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế lại cho rằng "Suy kiệt tín dụng" là giai đoạn mà các ngân hàng từ chối cho vay ngay cả khi người vay đủ điều kiện và sẵn sàng trả lãi suất cao, hay còn gọi là sàng lọc tín dụng phi lãi suất (Owens và Schreft, 1993; Friedman, 1991; Green và Oh, 1991; Bermuer và Koubi, 2002); Luồng quan điểm thứ ba dung hòa hai luồng quan điểm trên, theo đó "Suy kiệt tín dụng" là tổng hợp của việc thu hẹp cung tín dụngsàng lọc tín dụng phi lãi suất (Boever, 2009; Hubbard, 2008; Ding và đồng sự, 1998; Hội đồng các nhà cố vấn kinh tế, 1991).

Như vậy, có thể thấy biểu hiện rất giống nhau của hiện tượng “Bẫy thanh khoản” và “Suy kiệt tín dụng” là kênh tín dụng bị “đông cứng”, nền kinh tế gần như thiếu đi nguồn vốn cho tăng trưởng và phát triển, hiệu quả của chính sách tiền tệ bị hạn chế, nếu kéo dài thì kinh tế sẽ suy thoái trầm trọng. Tuy nhiên, hai hiện tượng này khác nhau về bản chất. “Suy kiệt tín dụng” là sự sụt giảm mạnh nguồn cung tín dụng trong khi cầu tín dụng vẫn có thể có và không được đáp ứng. Trong khi  đó, hiện tượng “Bẫy thanh khoản” thường nói đến sự sụt giảm mạnh cầu tín dụng và thường xảy ra khi nền kinh tế đã trong giai đoạn suy thoái trầm trọng, kéo dài, khi đó các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các hộ gia đình đều mất niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế. Ngoài ra, trong hiện tượng “bẫy thanh khoản” lãi suất thường ở mức rất thấp, sát 0% trong khi trong hiện tượng “Suy kiệt tín dụng” lãi suất thường ở mức cao. Đáng chú ý là nếu hiện tượng “Suy kiệt tín dụng” không được khắc phục kịp thời thì sau một thời gian có thể chuyển thành hiện tượng “Bẫy thanh khoản”. Vì sao lại như vậy?

Bằng chứng thực nghiệm cho thấy “Suy kiệt tín dụng” thường xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế khiến rủi ro gia tăng, dẫn đến các NHTM tăng chi phí cho vay hoặc không sẵn lòng cho vay ra. Khi đó, NHTW có nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì hiệu quả của nó sẽ bị hạn chế do kênh tín dụng không còn vận hành bình thường, cản trở quá trình hồi phục kinh tế, thậm chí có thể làm tê liệt nền kinh tế. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (Ding và đồng sự, 1998) chỉ ra hai kênh tác động chính của "Suy kiệt tín dụng" tới nền kinh tế. Một là tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp. Khi tín dụng khan hiếm, chi phí huy động vốn của doanh nghiệp tăng lên có thể do lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp bị giảm (phí bù rủi ro tăng) hoặc các ngân hàng quyết định nâng lãi suất cho vay thay vì nâng lãi suất tiền gửi để xử lý vấn đề khan hiếm nguồn tiền. Hai là sẽ có hiện tượng sàng lọc các điều kiện cho vay mà bản chất là sàng lọc các đối tác chất lượng (flight - to - quality). Các ngân hàng sẽ chọn lọc những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, hoặc dịch chuyển vào các tài sản phi rủi ro. Như vậy, “Suy kiệt tín dụng” có thể dẫn đến những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh. Tình trạng này nếu kéo dài nhiều năm và CSTT nới lỏng nhưng vẫn không có tác dụng khơi thông tín dụng thì có thể dẫn đến "bẫy thanh khoản" (theo định nghĩa truyền thống).

Chẳng hạn, cuối giai đoạn 1929, nước Mỹ rơi vào Đại suy thoái sau khi bong bóng tài sản vỡ, các NHTM dường như khép chặt cánh cửa cho vay ra nền kinh tế vì lo ngại rủi ro, sau đó nền kinh tế trải qua giai đoạn "bẫy thanh khoản" khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại. Các chỉ số kinh tế đều suy giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 25,2% trong năm 1933 và vẫn ở mức 14,6% năm 1940. Từ năm 1934 cho tới tháng 8/1939, lãi suất qua đêm ở mức 0%, lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp hơn 0.25%, lãi suất dài hạn trên 0% một chút nhưng vẫn không có tác dụng tới nền kinh tế. Hiện tượng này lặp lại vào giai đoạn 2009-2011, sau cuộc khủng hảng tài chính và nhà đất bắt nguồn từ năm 2007, khi đó rất nhiều NHTM phá sản, mất vốn nên đã thắt chặt tín dụng mạnh mẽ. Kinh tế Mỹ sau đó đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng, tỉ lệ thất nghiệp cao ở mức trung bình 9%. Fed liên tục thực hiện các gói nới lỏng định lượng (QE1, QE2, QE2,5 và QE3) và duy trì lãi suất 0-0,25%, nhưng kết quả không mấy khả quan. Nhật Bản đã trải qua "bẫy thanh khoản" từ năm 1996 cho tới gần đây. Lãi suất chiết khấu giảm tới mức thấp nhất là 0.5% trong năm 1995 và giữ mức này cho tới năm 2001, lãi suất qua đêm gần bằng 0% (2002 là 0.001-0.002%). Tuy nhiên, không có nhiều ảnh hưởng lên mức lạm phát của Nhật.

Nguyên nhân nào đưa các nền kinh tế tới "Suy kiệt tín dụng"?

Quan sát kinh nghiệm của các nước đã từng xảy ra hiện tượng này có thể thấy 4 nhóm nguyên nhân chính:

(i) Nguồn vốn để cho vay của các ngân hàng thương mại giảm mạnh và đột ngột, khiến đường cung tín dụng dịch chuyển mạnh sang trái. Tình trạng này thường diễn ra sau khi NHTW nâng tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức cao trong thời gian ngắn, các ngân hàng phải nhanh chóng điều chỉnh giảm các tài sản rủi ro trong đó có tín dụng để đáp ứng yêu cầu về chỉ số CAR. Hoặc khi nền kinh tế suy thoái, ngân hàng bị mất vốn do không thu hồi được nợ cũng dẫn tới phải cắt giảm tín dụng mạnh mẽ. Suy kiệt tín dụng đã diễn ra ở Mỹ giai đoạn 1990-1991, dư nợ tín dụng ở tất cả các tổ chức tài chính Mỹ giảm mạnh 3,6% trong năm 1990, nguyên nhân chính là qui mô vốn tự có sụt giảm nhanh và mạnh sau khi nợ xấu tăng đi kèm với những thua lỗ về bất động sản;

(ii) Rủi ro tín dụng tăng mạnh, dẫn đến việc các NHTM trở nên thận trọng quá mức bằng cách tăng quá cao lãi suất cho vay hoặc là hạn chế cho vay hoặc là thực hiện đồng thời cả hai. Khi phí bù rủi ro gia tăng thì lãi suất thị trường cũng gia tăng, ngoài ra vấn đề thông tin bất cân xứng và sự lựa chọn ngược cũng có thể khiến các ngân hàng có thể hạn chế tín dụng quá mức. Tại Hàn Quốc giai đoạn 1997-1998, rủi ro của doanh nghiệp tăng do gánh nặng nợ nần, khiến lợi suất trái phiếu 3 năm tăng lên 22% trong tháng 1/1997 so với mức 12% cùng kỳ năm trước, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu công ty với trái phiếu chính phủ tăng mạnh từ 100 điểm phần trăm trong tháng 10/1997 lên 899 điểm phần trăm tháng 12/997, các ngân hàng dịch chuyển từ cho vay sang nắm giữ các tài sản phi rủi ro.

(iii) Chi phí tài trợ vốn vay tăng cao đột biến khiến NHTM cũng phải điều chỉnh tăng mạnh lãi suất cho vay tương ứng như chính sách tiền tệ bị thắt chặt đột ngột với liều lượng nhanh và mạnh (lãi suất, dự trữ bắt buộc tăng mạnh). Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện đại không phải lo ngại nhiều về vấn đề này vì các NHTW thường đi theo chiến lược điều hành CSTT thận trọng và linh hoạt.

Các quan điểm khác nhau về cách thức xử lý "Bẫy thanh khoản" và "Suy kiệt tín dụng"

Đối với “Suy kiệt tín dụng”, các nghiên cứu đều gợi ý một số giải pháp vi mô ngắn hạn để thúc đẩy động lực cho vay của các ngân hàng như:

(i) NHTW giảm dự trữ bắt buộc nhằm giảm chi phí huy động vốn cho các NHTM và doanh nghiệp;

(ii) Tăng cường thông tin về những người vay có uy tín để khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng (Agung và đồng sự, 2001);

(iii) Tạm hoãn thực hiện quy định về an toàn để giảm bớt gánh nặng cho các ngân hàng khi các điều tài chính mới phục hồi nhưng cần phải tính đến vấn đề rủi ro đạo đức và uy tín của NHTW (lưu ý từng đối tượng đi vay) và phải được quản lý chặt chẽ trở lại khi nền kinh tế trở lại bình thường;

(iv) Xây dựng chương trình bảo lãnh tín dụng cho các DNVVN để giảm bớt sự miễn cưỡng của các NHTM trong việc cho vay. Ngoài ra, các giải pháp dài hạn luôn cần được chú trọng như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng tăng tỉ trọng vốn tự có, giảm đòn bảy tài chính; đồng thời thực hiện chính sách vốn dự phòng đối chu kỳ (anti-cylical capital buffers), nghĩa là các ngân hàng sẽ duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với quy định (8%) trong giai đoạn kinh tế hưng thịnh và có thể giảm mức tỷ lệ an toàn vốn trong giai đoạn kinh tế suy thoái.

Đối với trường hợp "Bẫy thanh khoản", việc mất niềm tin vào triển vọng kinh tế là nguyên nhân khiến chính sách tiền tệ mất hiệu quả, do đó cần có các biện pháp mạnh, thậm chí là phi truyền thống nhằm mục tiêu khôi phục niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các nghiên cứu chủ yếu đề cập đến các giải pháp vĩ mô để khắc phục tình trạng này.

Thứ nhất, chính sách tài khóa nới lỏng là lựa chọn thông dụng nhất vì CSTK có thể làm tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng chi tiêu Chính phủ hoặc trợ cấp trực tiếp cho người dân để tăng tiêu dùng tư nhân;

Thứ hai, chính sách tiền tệ phi truyền thống như "nới lỏng định lượng" là một lựa chọn gần đây của NHTW Mỹ và Nhật Bản. Về lý thuyết, các NHTW kỳ vọng các gói "nới lỏng định lượng" sẽ bơm tiền làm tăng lượng thanh khoản trong nền kinh tế, giảm lãi suất dài hạn thông qua tác động lên bảng cân đối tài sản (Bernanke và Reinhart, 2004);

Thứ ba, tác động lên kỳ vọng lạm phát. Kỳ vọng lạm phát tăng khiến mức lãi suất dài hạn tự nhiên tăng lên trên 0% (Auerbach và Obstfeld, 2003; Eggertsson và Woodford, 2003; Krugman, 1998).

Thứ tư, một số tác giả gợi ý rằng tỷ giá là một công cụ để khắc phục tình trạng bẫy thanh khoản (Coenen và Wieland 2003; McCallum 2000; Svensson 2001, 2003). Việc phá giá tiền tệ có thể kích thích xuất khẩu nhưng có thể tạo ra một cuộc chạy đua phá giá tiền tệ trên thế giới;

Thứ năm là giải pháp thuế Gesell, giống như tạo ra lạm phát một cách trực tiếp và có thể khắc phục tình trạng bẫy thanh khoản theo cách tương tự như làm tăng kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, thuế tiền tệ Gesell thường không khả thi trong thực tế.