Cần chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức sáng 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành phải thay đổi tư duy chiến lược, hành động mau lẹ hơn trong xuất nhập khẩu để đưa đất nước bứt phá đi lên. “Nếu cứ bình bình như hiện nay, xuất khẩu sẽ khó bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Loại bỏ những điểm nghẽn chính

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, mặc dù hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt những kết quả tích cực song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên, xuất khẩu chuyển từ dựa vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử. Nếu không tính 2 mặt hàng điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn.

Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung xuất khẩu cũng như vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí của nền kinh tế còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Năm 2018 xuất khẩu được đánh giá là tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần các giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, cùng với đàm phán mở cửa và phát triển thị trường phải tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định.

Chú trọng và tăng cường công tác đàm phán với cơ quan đồng cấp trên một số thị trường trọng điểm để giải quyết các vấn đề có liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp nông sản, thủy sản của ta, tận dụng được cơ hội mở ra khi thuế nhập khẩu trên các thị trường này được cắt giảm hoặc xóa bỏ.

Việc xem xét và cho phép nước ngoài được xuất khẩu nông sản vào Việt Nam, nhất là thịt, sữa và hoa quả, cần được tiến hành trên cơ sở có đi có lại, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

 “Hành động mau lẹ hơn”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững, đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam. Việc quản lý chất lượng sản phẩm thời gian qua lại là một vấn đề đáng bàn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “cơ bản sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt thì mới xuất khẩu được nhưng đâu đó, còn mấy con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như cà phê nhuộm than pin. Với trường hợp này, Thủ tướng cho biết đã đề nghị điều tra, khởi tố nghiêm túc và yêu cầu, UBND tỉnh Đắk Nông cần điều ra khởi tố nghiêm túc.

Nêu rõ những giải pháp cho xuất khẩu bền vững thời gian tới, Thủ tướng yêu cấu các cấp, ngành phải thay đổi tư duy chiến lược, hành động mau lẹ hơn trong xuất nhập khẩu, từ đó mới đưa đất nước bứt phá đi lên. Nếu cứ bình bình như hiện nay, xuất khẩu sẽ khó bền vững. Đi liền với đó, phải hợp tác, liên kết cùng phát triển, cùng có lợi.

Phải có ý tưởng xây dựng vùng chiến lược để có “thủ lĩnh” sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh chúng ta có 29 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD… có mặt hàng xuất khẩu đến 45 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu. Việc cần làm trước mắt là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi các Nghị định về công nghiệp phụ trợ… Phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn chính trong xuất khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20% hằng năm.

Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động, độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, phát triển thị trường bền vững. Đặc biệt cần lưu ý đến tính tự chủ đa dạng thị trường mà không phụ thuộc vào một thị trường cố định.