Cân nhắc kiện phòng vệ thương mại

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Ngay sau khi Công ty TNHH Posco VST và CTCP Inox Hòa Bình nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải, ThS. luật Thương mại Quốc tế - Trường Luật Bristol, Anh Quốc.

Cân nhắc kiện phòng vệ thương mại
DN Việt Nam nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu điều tra CBPG với sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu. Nguồn: internet
PV: Ông nhận định như thế nào về vụ kiện CBPG đầu tiên của Việt Nam?

Ông Nguyễn Hải: Theo tôi, đây cũng là điều bình thường không có gì quá đặc biệt, thế giới đã làm bao lâu nay. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu chịu áp lực cạnh tranh lớn khi thuế suất thuế nhập phải cắt giảm theo lộ trình.

Chính vì vậy, để bảo vệ mình, DN phải tìm đến các biện pháp khác và phòng vệ thương mại (PVTM) trở thành công cụ hợp pháp DN có thể sử dụng. Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành 3 vụ kiện PVTM, 2 trong số này là biện pháp tự vệ và mới nhất là CBPG.

Đây là con số khiêm tốn nếu so với các nước khác trong khu vực như Indonesia với 89 cuộc điều tra CBPG, Malaysia và Thái Lan lần lượt tiến hành tổng cộng 43 và 56 cuộc điều tra tính đến năm 2011. Tất nhiên, cái đầu tiên sẽ là mới mẻ. Ngay chính các quy định pháp luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để DN cũng như cơ quan điều tra có thể căn cứ nên sẽ bỡ ngỡ trong vụ kiện đầu tiên này.

Hiện một số DN quan ngại việc áp dụng biện pháp CBPG sản phẩm thép không gỉ cán nguội trong trường hợp này sẽ dẫn đến ảnh hưởng xấu tới thị trường ngành thép không gỉ tại Việt Nam?

 Việc Posco và Hòa Bình nộp đơn yêu cầu điều tra CBPG đã kéo theo các luồng dư luận khác nhau. Trong đó có ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp này chỉ làm lợi một số ít DN trong khi nhiều DN sử dụng thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào có khả năng bị thiệt hại do giá nguyên liệu có thể bị đội lên.

Vấn đề xung đột lợi ích giữa các thành phần khác nhau liên quan đến một vụ kiện PVTM rất phổ biến, thuộc về bản chất của các biện pháp PVTM. Vấn đề xung đột lợi ích này ít nhiều đều phát sinh tại mọi quốc gia áp dụng biện pháp PVTM.

Do đó, vấn đề ở đây không phải vì có những tác động ngược nên không tiến hành vụ việc, mà gánh nặng đặt lên vai cơ quan điều tra là phải cân đo đong đếm lợi ích các bên để bảo đảm việc áp dụng biện pháp PVTM (nếu có) sẽ không gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.

Cũng phải nói thêm trong điều tra để áp thuế CBPG, thông thường cơ quan điều tra sẽ xem xét lợi ích công cộng. Lợi ích công cộng có nghĩa là việc áp thuế CBPG không được ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế - xã hội. Lợi ích công cộng cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa các nước trong WTO và hiện nay vẫn chưa thống nhất được.

Luật pháp WTO không bắt buộc các nước trong điều tra CBPG và trước khi ra quyết định phải xem xét lợi ích công cộng, mà tự các nước có quyền xem xét. Song, một số nước (trong đó có Việt Nam) có quy định việc áp thuế CBPG phải phù hợp với lợi ích cộng đồng. Trên thế giới, cũng có một số nước đã xem xét lại việc đánh thuế CBPG.

Chẳng hạn, Canada trong vụ việc vào năm 2000 với dây thép không gỉ. Biên độ phá giá ban đầu là 181% nhưng sau khi xem xét việc bảo vệ lợi ích công cộng, cơ quan điều tra quyết định giảm thuế chống bán phá giá xuống còn 35%, trên cơ sở những lo ngại việc áp thuế giảm đáng kể môi trường cạnh tranh mặt hàng ấy của các nhà sản xuất trong nước.

Hiện khung pháp lý của Việt Nam chưa thực sự đầy đủ. Vậy ông có lời khuyên nào cho các DN trong các vụ kiện CBPG nói riêng và kiện PVTM nói chung?

-Vấn đề khung pháp lý không chỉ bất lợi cho DN mà còn cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu bởi các nước khác, nhất là các nước phát triển, pháp luật của họ có hàng chục năm để hoàn thiện. Với Việt Nam, chúng ta có thể đi theo con đường khác nhanh hơn: thu thập kinh nghiệm qua những vụ cụ thể, cùng với đó là việc học hỏi luật pháp các nước khác để hoàn thiện luật pháp của mình.

Còn về phía DN, trong thời kỳ sơ khởi như thế này, cách tốt nhất và có thể duy nhất là DN nên tìm đến các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm về vấn đề này, đặc biệt các hãng tư vấn có kinh nghiệm tranh chấp ở WTO. Các đơn vị này có kinh nghiệm hướng dẫn DN làm thế nào cho đúng với các quy định của WTO. Việt Nam là thành viên của WTO nên điều tra, áp thuế phải tuân thủ luật WTO. Bởi nếu không tuân thủ, bên bị đơn có thể thông qua chính phủ của mình kiện Việt Nam ra WTO.

Xin cảm ơn ông.