Cần quyết liệt và đồng bộ

Theo Hà Thủy/daibieunhandan.vn

Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong 3 tháng đầu năm 2018 vẫn bội chi ở mức đáng báo động. Nguyên nhân là việc tăng số lượt điều trị nội trú, tăng chi phí bình quân điều trị ngoại trú tại một số địa phương... Đây là những tăng chi không mới, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc hạn chế và quản lý giảm chi quỹ BHYT.

Cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền, tư vấn chính sách bảo hiểm cho người lao động. Nguồn: Internet
Cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền, tư vấn chính sách bảo hiểm cho người lao động. Nguồn: Internet

Các tuyến đều tăng chi

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, số lượt khám, chữa bệnh tăng cao nhất tại tuyến huyện với 12,8 triệu lượt, tăng 17,9 % so với cùng kỳ năm 2017. Chi phí khám, chữa bệnh tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với 1.209 tỷ đồng, tăng 20,12%. Trong khi tỷ lệ bình quân người bệnh điều trị nội trú chỉ chiếm 9,0% số người đến khám, chữa bệnh của cả nước, thì tại 84 bệnh viện đa khoa tuyến huyện tỷ lệ này lên đến 40%.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang), tỷ lệ là 54%, Bệnh viện đa khoa huyện Ðồng Văn là 53% (Hà Giang), Bệnh viện đa khoa Sốp Cộp (Sơn La) là 52%, Trung tâm y tế huyện Ðà Bắc (Hòa Bình) là 42,75%. Tình trạng có một nửa số người đến khám được chỉ định điều trị nội trú như nêu trên là một bất thường, không phản ánh đúng xu hướng bệnh tật và gây lãng phí quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, quỹ BHYT phải chi trả những vật tư y tế, thuốc có giá trúng thầu chênh lệch cao, những dịch vụ y tế được xây dựng với giá cao chưa hợp lý. Trong 2 tháng đầu năm 2018, quỹ đã chi 124 tỷ đồng cho vật tư y tế stent mạch vành, với mức giá trúng thầu dao động từ 35 đến 73,8 triệu đồng/chiếc; kim luồn tĩnh mạch chênh lệch từ hơn 12 đến hơn 23 nghìn đồng/chiếc.

Khoảng 50 dịch vụ y tế có giá không đúng chi phí thực tế, làm tăng tiền chi trả của quỹ BHYT. Ðơn cử như giá chụp PET/CT trong điều trị ung thư, quỹ BHYT chi trả mức giá của bốn giờ thực hiện nhưng theo đánh giá thực tế của BHXH Việt Nam thì thời gian thực hiện chỉ khoảng 30 phút/người bệnh.

Chưa vào cuộc quyết liệt...

Thời gian qua, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để kiểm soát quỹ BHYT như tăng cường kiểm tra đột xuất trường hợp điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh; yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh giải trình lý do tăng điều trị nội trú bất bình thường; liên thông cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện và cơ quan BHXH; đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia… Tuy nhiên, tình trạng lãng phí quỹ vẫn diễn ra như nêu trên là do thiếu giải pháp đồng bộ trong việc ban hành, sửa đổi các quy định chưa phù hợp.

Theo các chuyên gia, sự tăng chi một phần do Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Bởi vậy,  cần được sửa đổi sớm, trong đó, tập trung điều chỉnh giảm những dịch vụ có giá quá cao so với thực tế chi phí như giá giường bệnh, khám bệnh, xét nghiệm y học cổ truyền, phục hồi chức năng và một số dịch vụ nội soi; điều chỉnh tăng những dịch vụ có giá còn thấp. Giá dịch vụ được xây dựng phù hợp sẽ hạn chế hiệu quả tình trạng chỉ định điều trị bất thường, quỹ BHYT sẽ được kiểm soát hiệu quả hơn so với những giải pháp tình thế hiện nay.

 Bên cạnh đó, danh mục thuốc tại Thông tư 40/2014/TT-BYT cũng cần được rà soát để loại những thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị ra khỏi danh mục thuốc do BHYT chi trả, giảm gánh nặng cho quỹ BHYT và tập trung vào các thuốc điều trị.

Ngoài ra, từ hiệu quả đấu thầu mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia thời gian qua, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cần nghiên cứu tổ chức đấu thầu tập trung một số loại vật tư y tế có giá trị cao và có mức giá khác nhau như stent, thủy tinh thể nhân tạo, khớp gối nhân tạo… để đưa giá về mức thống nhất, tránh tình trạng loạn giá như hiện nay.