Cảnh báo về xung đột "quốc gia - nhà đầu tư"

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Xu hướng ngày càng tăng của các vụ kiện nhà đầu tư - chính phủ đang tạo nên một làn sóng toàn cầu trong việc đánh giá lại tác động của các hiệp định đầu tư song phương, đặc biệt là với Mỹ.

Cảnh báo về xung đột "quốc gia - nhà đầu tư"
Xu hướng ngày càng tăng của các vụ kiện nhà đầu tư - chính phủ đang tạo nên một làn sóng toàn cầu. Nguồn: internet
Bắt đầu từ những năm 1950, các nhà đàm phán thương mại đã đề ra giải pháp cho một vấn đề gây nhiều tranh cãi: nguy cơ các nước nghèo sẽ thu lại các mỏ dầu và nhà máy của các công ty phương Tây. Câu trả lời là tranh chấp giữa nhà đầu tư và các chính phủ sẽ được giải quyết bằng trọng tài độc lập. Ngày nay có khoảng 3.000 điều ước quốc tế liên quan đến tranh chấp giữa chính phủ - nhà đầu tư quốc tế liên quan đến trọng tài độc lập.

Mới đây, Hãng Philip Morris International đã kiện Chính phủ Úc về các quy định quảng cáo thuốc lá ở Hồng Kông. Công ty này cho rằng Hồng Kông ngăn cản các hoạt động tiếp thị thương hiệu của Philip Morris là vi phạm một hiệp ước thương mại giữa Úc và Hồng Kông.

Công ty Vattenfall, Thụy Điển, vận hành một nhà máy hạt nhân ở Đức, đòi hỏi khoản bồi thường 5,1 tỷ USD vì Chính phủ Đức đột ngột từ bỏ phát triển điện hạt nhân, phá vỡ hiệp ước song phương đầu tư giữa Thụy Điển và Đức.

Chính vì "quyền uy" của các công ty đa quốc gia mà Lori Wallach, Giám đốc Thương mại toàn cầu của Ralph Nader, đã gọi hệ thống trọng tài độc lập là "công cụ đảo chính" của giới nhà giàu.

Trong các tranh luận xung quanh Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Hoa Kỳ - Peru 2007, có rất nhiều cảnh báo liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ - nhà đầu tư, theo đó nhà đầu tư nước ngoài được trao quá nhiều đặc quyền đặc lợi. Các công ty nước ngoài có quyền đòi bồi thường đối với bất kỳ hành động nào của chính phủ - từ sức khỏe, môi trường, quy hoạch, lao động đến những chính sách khác mà họ cho rằng làm tổn hại đến "lợi nhuận mong đợi trong tương lai" của họ.

Renco Group, công ty thuộc sở hữu của một trong những người giàu nhất Hoa Kỳ, đã đồng thời sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp chính phủ - nhà đầu tư theo FTA Hoa Kỳ - Peru để đòi bồi thường 800 triệu USD từ Chính phủ Peru.

Vụ kiện cho thấy những lo ngại trong việc sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước nhận đầu tư.

Thứ nhất, các tập đoàn có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này để gây áp lực cho Chính phủ các nước đối với các chính sách về sức khoẻ và môi trường.

Thứ hai, các tập đoàn đang cố gắng tránh sử dụng tòa án tại nước nhận đầu tư để giải quyết các tranh chấp.

Trong các FTA và các Hiệp ước đầu tư song phương (BITs) ký với Hoa Kỳ, chính phủ nhiều nước đã phải chi hơn 2,5 tỷ USD để đền bù cho các tập đoàn của Mỹ, trong đó 70% số vụ này liên quan đến các chính sách về môi trường, khí đốt và khai mỏ.

Hiện nay, sự bất đồng gay gắt giữa các chính phủ - nhà đầu tư đang cản trở hai hiệp định thương mại tự do lớn có liên quan đến Mỹ: Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Vào tháng 1, trước các lời chỉ trích về điều khoản ký kết, Ủy ban Châu Âu công bố tạm dừng các cuộc đàm phán với Mỹ về các quy định trọng tài độc lập trong TTIP. Ủy ban cho biết họ muốn nghỉ ngơi 90 ngày để "tham vấn cộng đồng", lắng nghe quan điểm của người dân. Mỹ và EU hy vọng kết thúc đàm phán TTIP trong năm nay.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 3, Chính phủ Đức đã yêu cầu loại bỏ nhiều quy định liên quan đến tranh chấp chính phủ - nhà đầu tư trong đàm phán TTIP. "Quy định bảo hộ đầu tư đặc biệt là không cần thiết trong một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và EU", Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố.

Quan điểm của Chính phủ Đức là các quy tắc bảo hộ là không cần thiết bởi vì "cả hai quốc gia đều có đủ luật pháp để bảo vệ” cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các tòa án của họ. Trong khi đó, Úc và Malaysia cũng đang đòi hỏi những yêu cầu tương tự trong đàm phán TPP với Mỹ.

"Mỹ không thể từ bỏ các lợi ích từ những quy định giải quyết tranh chấp chính phủ - nhà đầu tư trong các đàm phán thương mại, vì điều này có thể gửi tín hiệu sai cho các hiệp định tương lai", Sean Heather, Phó chủ tịch Hợp tác điều tiết toàn cầu Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhận định.

Trung Quốc, bắt đầu đàm phán hiệp định đầu tư với Mỹ và châu Âu, có thể lập luận rằng các thỏa thuận đầu tư sẽ không cần đến cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài độc lập. Nếu vậy, các nhà đầu tư ở Trung Quốc buộc phải dựa vào chính phủ để can thiệp với chính phủ Trung Quốc, hoặc tệ hơn, tùy thuộc vào đối xử công bằng trong tòa án của Trung Quốc.

"Họ là thẩm phán tòa án tối cao cho thế giới", Gus Van Harten, một giáo sư tại Trường Luật Osgoode Hall của Đại học York ở Toronto, nói về các tập đoàn đa quốc gia sử dụng công cụ tranh chấp giữa chính phủ - nhà đầu tư để gây sức ép cho các nước đang phát triển.